Những ngày qua, việc một nhóm đối tượng dùng hung khí tấn công các “hiệp sĩ” quận Tân Bình (TP.HCM) khi bị các anh phát hiện hành vi trộm cắp xe máy tại quận 3, khiến 2 người tử vong, 3 người bị trọng thương thật sự khiến nhiều người bức xúc. Trước sự việc này, người dân lo ngại rằng kẻ xấu sẽ manh động hơn khi bị phát hiện hành vi phạm tội; bên cạnh đó tinh thần nghĩa hiệp của các “hiệp sĩ” sẽ bị ảnh hưởng…
Chúng tôi sẵn sàng đương đầu với kẻ xấu
Đó là khẳng định của “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải, một người có bề dày thành tích và nhiều đóng góp trong công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) ở Bình Dương. Với nét mặt đượm buồn khi nhắc đến sự việc thương tâm vừa xảy ra với những chiến hữu của mình vào đêm 13-5, “hiệp sĩ” Hải nói anh và những đồng đội trong các Câu lạc bộ (CLB) Phòng chống tội phạm (PCTP) ở Bình Dương thật sự sốc khi nghe tin về vụ việc. Tuy nhiên, không vì thế mà các anh nản lòng, từ bỏ công việc mà mình đã chọn.
Các “hiệp sĩ” được tập huấn kỹ năng tự vệ bằng gậy. Ảnh: TÂM TRANG
Nói đến mô hình CLB PCTP, nhiều người thường nhắc đến mô hình này ở Bình Dương, nhân vật có thể được coi là “cánh chim đầu đàn” trong phong trào này chính là “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải của CLB PCTP phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một . Anh cho biết mình đã tham gia từ năm 1997, đến nay hơn 20 năm hành hiệp, anh đã trực tiếp bắt, phối hợp với đồng đội, công an các địa phương phát hiện hơn 2.000 vụ việc. Những thành viên tham gia trong thời kỳ đầu đến nay giờ chỉ còn một mình anh Hải, có người vì lớn tuổi nên nghỉ, có người vì lo công việc mưu sinh nên không có thời gian tham gia…
“Hiệp sĩ” Hải cho biết anh cũng như những thành viên khác tham gia CLB PCTP không hưởng chế độ gì. Các anh tham gia vì thấy chuyện bất bình thì không thể làm ngơ. Các anh muốn góp một phần nhỏ bé vào công việc giữ gìn bình yên phố phường để người dân yên tâm vui sống. Với những người sẵn sàng đối đầu nguy hiểm như các anh, họ luôn lường trước được những khó khăn mà mình gặp phải, biết cách vượt qua nó và ngày càng mạnh mẽ hơn. “Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải cho biết hơn 20 năm tham gia bắt trộm cướp, anh đã nhiều lần bị ăn đòn. Có lần trong quá trình truy bắt tên cướp hung hãn, anh đã bị đối tượng dùng dao tấn công trọng thương. Nguy hiểm là vậy, nhưng anh cùng những đồng đội trước đây như Nguyễn Hoàng Anh, Huỳnh Thanh Hải, Nguyễn Văn Hơn… nay là Phạm Tấn Thanh, Trần Phước Lộc, Nguyễn Hoàn Nam, Nguyễn Hoàng Trung Hiếu, Nguyễn Minh Kha… vẫn không nản chí. Có một điều khiến các anh cảm thấy ấm lòng là khi gặp sự cố không may, các anh luôn được người dân, các cơ quan chức năng kịp thời động viên, thăm hỏi, đó chính là động lực giúp các anh vượt qua khó khăn trong công việc mình đã chọn.
Tạo hành lang pháp lý cho “hiệp sĩ” hoạt động
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 138 tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 91/91 xã, phường, thị trấn thành lập CLB PCTP, với 3.248 thành viên Ban chủ nhiệm và hội viên. Trong đó có 84/91 địa phương thành lập được Đội xung kích chống tội phạm với 1.508 đội viên, 91/91 địa phương thành lập Đội tuyên truyền PCTP với 1.169 đội viên. Một số mô hình tiêu biểu như: CLB PCTP phường Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một), CLB xã Tân Bình (huyện Bắc Tân Uyên), CLB xã Lai Uyên (huyện Bàu Bàng), CLB phường Tân Bình, CLB PCTP phường Tân Đông Hiệp (TX.Dĩ An), CLB phường An Phú (TX.Thuận An)… Trong năm 2017, các CLB PCTP toàn tỉnh đã phát hiện, báo tin và trực tiếp bắt quả tang 323 vụ - 576 đối tượng có các hành vi trộm cắp tài sản, cướp, cướp giật tài sản, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các chất ma túy... Qua đó, có 16 tập thể, 131 cá nhân được các cấp khen thưởng.
Có thể nói mô hình CLB PCTP ở Bình Dương hoạt động khá quy củ, bài bản. Nhằm tạo hành lang pháp lý cho mô hình này hoạt động, năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 34 về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ PCTP trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, CLB PCTP được xác định là tổ chức xã hội của quần chúng tại xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã), chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của UBND cấp xã; là tập hợp những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, có tâm huyết trong việc bảo vệ ANTT, góp phần xây dựng nếp sống văn minh; cùng nhau vận động, giáo dục, cảm hóa những người có hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội. CLB được trực tiếp hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan thực hiện việc tuyên truyền pháp luật, nâng cao hiệu quả và hoạt động của phong trào PCTP ở cơ sở, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, ổn định ANTT, an toàn xã hội tại địa phương; tích cực tham gia các hoạt động nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, phát hiện, thông báo cho cơ quan công an các thông tin về tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; tham gia bắt người có hành vi phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định…
Từ những cơ sở pháp lý trên, các CLB PCTP trong tỉnh đã từng bước kiện toàn bộ máy, trong đó gắn trách nhiệm của chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã, trưởng công an cấp xã vào các vị trí chủ nhiệm, phó chủ nhiệm CLB… Bên cạnh đó, để nâng cao kiến thức pháp luật và những kỹ năng cho các “hiệp sĩ” trong quá trình tuyên truyền pháp luật, bắt quả tang đối tượng phạm tội, Công an tỉnh thường xuyên mở các khóa đào tạo ngắn hạn cho đối tượng này. Nhiều “hiệp sĩ” cho rằng khi tham gia CLB PCTP, họ chỉ có niềm đam mê, những ngón nghề khống chế tội phạm chỉ được những người đi trước truyền đạt lại. Tuy nhiên, khi trực tiếp được huấn luyện những chiêu thức né đòn tấn công bằng hung khí của đối phương, đòn khống chế kẻ gian thì các anh cảm thấy tự tin hơn khi “tác nghiệp”. Ngoài ra, những kiến thức pháp luật được tập huấn cũng giúp các anh vận dụng tốt trong công việc của mình.
Thời gian qua, các “hiệp sĩ” không những nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền mà một số đơn vị cũng rất quan tâm đến việc trang bị kỹ năng cho các anh. Cụ thể như trung tuần tháng 4 vừa qua, võ sư Lê Hoàng Mai đến từ Cung Văn hóa lao động TP.HCM đã có buổi giao lưu, chia sẻ kỹ năng tự vệ đường phố với nhóm “hiệp sĩ” Bình Dương. Võ sư Lê Hoàng Mai đã chia sẻ một số kỹ năng tự vệ với gậy (võ gậy) và hướng dẫn một số tình huống cần khống chế khi các “hiệp sĩ” gặp đối tượng gây rối trật tự nơi công cộng.
Khen thưởng, động viên kịp thời
Theo “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải, một trong những động lực giúp các anh không ngại nguy hiểm khi tham gia truy bắt tội phạm là được người dân theo dõi động viên, được các ngành, các cấp khen thưởng kịp thời khi phối hợp làm rõ các vụ việc dư luận chú ý, điển hình là lần các anh được khen thưởng nhờ thành tích bắt nhanh nghi phạm trộm ô tô. Trước đó, vào ngày 6-8- 2017, ông P.V.A. (46 tuổi, ngụ KP.6, phường Thới Hòa, TX.Bến Cát), đậu ô tô trước tòa nhà Becamex để rút tiền tại trụ ATM. Trước khi xuống xe, chủ xe đã tắt máy nhưng không rút chìa khóa. Khi trở ra ông A. phát hiện chiếc ô tô đã bị kẻ gian lấy mất, nên báo Công an phường Phú Hòa.
Đại tá Võ Văn Phúc, Phó Giám đốc Công an tỉnh tặng quà cho “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải và đồng đội nhân dịp Tết Nguyên đán 2018
Đến khoảng 10 giờ 30 phút ngày 9-8, Công an phường phối hợp cùng các “hiệp sĩ” tổ chức tuần tra đến khu vực vòng xoay Gò Đậu, (thuộc KP.6, phường Phú Hòa) thì phát hiện xe ô tô cùng một người đàn ông như nhận dạng nên bắt giữ đối tượng cùng tang vật về trụ sở công an để làm việc. Tại cơ quan công an, đối tượng đã khai nhận hành vi trộm ô tô.
Nhằm ghi nhận những đóng góp của các “hiệp sĩ”, Thiếu tướng Đặng Hoàng Đa - Phó cục trưởng Cục Xây dựng Phong trào quần chúng Bảo vệ an ninh Tổ quốc (V28), Bộ Công an đã đích thân trao giấy khen đột xuất của V28 cho các “hiệp sĩ” trong CLB PCTP phường Phú Hòa vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
L.T.PHƯƠNG