“Tháng Công nhân” (diễn ra trong tháng 5-2011) của TX.TDM được đánh giá không sôi nổi bằng những năm trước do trùng với nhiều sự kiện chính trị. Hoạt động dành cho công nhân lao động (CNLĐ) không nhiều, tuy nhiên đã thể hiện được sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với CNLĐ - đối tượng được thụ hưởng giá trị của “Tháng Công nhân”.
CNLĐ sẽ vui vẻ, yên tâm làm việc khi được công đoàn quan tâm
Một trong những hoạt động ý nghĩa trong “Tháng Công nhân” chính là chương trình “Cùng công nhân vượt khó” để chia sẻ khó khăn với CNLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nặng đang làm việc và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bà Đặng Thị Thanh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TX.TDM, cho biết để thực hiện chương trình này, LĐLĐ thị xã tổ chức vận động, kêu gọi mỗi đoàn viên, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) đóng góp 1.000 đồng/người. Từ số tiền đó, LĐLĐ thị xã đã trao tặng được 10 phần quà trị giá 500.000 đồng/phần. Anh Trương Hoàng Tuấn ở xã Tân An rất cảm động khi nhận được món quà ý nghĩa này. Anh Tuấn chia sẻ: “Tôi vui lắm. Cảm ơn tấm lòng của mọi người đã nghĩ đến những người lao động nghèo”. Anh Tuấn là lao động chính của gia đình, là chỗ dựa cho vợ và đứa con trai. Nhưng không may mắn khi anh bị tai nạn khi đang làm việc. Từ một người khỏe mạnh, anh thành người tàn phế. Cuộc sống gia đình trở nên rất khó khăn. Vợ anh phải đi rửa chén thuê để có tiền lo gia đình và có thời gian chăm sóc anh.
Trong dịp này, LĐLĐ cũng tăng cường chương trình gặp gỡ đối thoại với đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ nhằm tạo điều kiện cho CNLĐ có dịp trình bày những ý kiến bức xúc. Nhờ đó, doanh nghiệp, công đoàn cơ sở đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CNVCLĐ, góp phần xây dựng được mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ. Theo bà Thanh, các vụ tranh chấp lao động; khiếu kiện, khiếu nại của CNLĐ hay rộng hơn là đình, lãn công, nguyên nhân chủ yếu do người sử dụng lao động và người lao động không hiểu nhau. Những khúc mắc nhỏ không được giải quyết kịp thời sẽ phát sinh thành chuyện lớn. Vì vậy, đây là dịp để hai bên hiểu nhau, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển, còn CNLĐ yên tâm làm việc. Ngoài ra, chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp cũng đã giới thiệu, biểu dương những chủ tịch công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động phối hợp chăm lo tốt cho người lao động.
Để nâng cao nhận thức cho CNLĐ thì các hoạt động tuyên truyền, giáo dục rất quan trọng. Trong Tháng Công nhân, LĐLĐ thị xã đã tổ chức đợt học tập, nghiên cứu, sinh hoạt chính trị sâu rộng trong đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ quán triệt nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho CNVCLĐ, nhất là CNLĐ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước; đẩy mạnh các hoạt động của các tổ tự quản, khu nhà trọ CNLĐ...
Đặc biệt, nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, LĐLĐ thị xã phát động cuộc thi viết “Tìm hiểu pháp luật Bảo hộ lao động”. Đối tượng dự thi là cán bộ, đoàn viên CNVCLĐ đang công tác tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, các đơn vị sản xuất - kinh doanh có công đoàn cơ sở trực thuộc. Nội dung gồm những kiến thức chung về pháp luật lao động, pháp luật BHXH, y tế và pháp luật bảo hộ lao động (BHLĐ); trách nhiệm của cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đối với công tác BHLĐ; nội dung công tác BHLĐ ở cơ sở; tổ chức, phương pháp hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên; kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ...
Đánh giá kết quả thực hiện Tháng Công nhân năm 2011, bà Đặng Thị Thanh, cho biết mặc dù Tháng Công nhân năm nay không sôi nổi bằng những năm trước do trùng với nhiều sự kiện chính trị. Hoạt động dành cho CNLĐ không nhiều nhưng đã thể hiện được sự quan tâm của các ngành, các cấp đối với CNLĐ. Và Tháng Công nhân không phải đã dừng lại mà sẽ tiếp tục lan tỏa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ.
THU THẢO