Tháng hành động vì trẻ em: Kiên quyết phòng, chống bạo lực gia đình

Cập nhật: 26-04-2022 | 16:50:49

Ảnh minh họa

“Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” đã được lựa chọn là chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2022. Đây là một trong những nội dung mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội gửi tới ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2022.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chủ đề năm nay được đưa ra với mục tiêu tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp và công tác phối hợp giữa các ngành: Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là trong gia đình.

Chủ đề năm nay cũng nhằm kêu gọi sự quan tâm, tạo điều kiện, vận động nguồn lực để mọi trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh.

Để tổ chức đồng bộ và có hiệu quả Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương đưa ra các thông điệp và khẩu hiệu truyền thông: “Trẻ em phải được an toàn trong ngôi nhà của mình”; “Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”; “Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em”; "Kiên quyết phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình”; “Hãy lên tiếng để ngăn chặn mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em”; “Gọi 111 để thông báo, tố giác mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em”; “Số 111-tiếp nhận thông tin mọi lúc, bảo vệ trẻ em mọi nơi”.

Dự kiến, lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 sẽ được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 27/5-1/6. Sự kiện hưởng ứng ngày quốc tế phòng, chống lao động trẻ em với chủ đề “Lao động trẻ em và an sinh xã hội” sẽ được tổ chức vào ngày 12/6.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương tổ chức chiến dịch truyền thông để tăng cường nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng về chung tay bảo vệ trẻ em, thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, bóc lột sức lao động trẻ em.

Các hình thức truyền thông phải được thực hiện đồng thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và đến từng gia đình, cộng đồng dân cư về các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em trong gia đình.

Các địa phương đẩy mạnh đăng tải các thông điệp và khẩu hiệu truyền thông của Tháng hành động vì trẻ em; truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), các địa chỉ tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em và các địa chỉ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, an sinh xã hội tại địa phương.

Bên cạnh đó, các địa phương tập trung bảo đảm kỳ nghỉ Hè an toàn, lành mạnh cho trẻ em; lập danh sách bàn giao, tiếp nhận, quản lý trẻ em về sinh hoạt Hè tại địa phương; tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, du lịch, tham quan, giao lưu cho trẻ em với nội dung bổ ích, phù hợp với điều kiện, đặc thù tại địa phương và tuân thủ các hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19.

Đặc biệt, các địa phương cần chủ động thực hiện các giải pháp, hoạt động phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; thường xuyên rà soát, kiểm tra, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những nơi nguy cơ trẻ em bị tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn rơi, ngã.

Trong Tháng hành động vì trẻ em, các địa phương vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của xâm hại, bạo lực; thăm, tặng quà, học bổng và hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi và trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; xây dựng các công trình trường, lớp học, nhà bán trú, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=636
Quay lên trên