Mô hình “Phát triển vườn cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái” của xã Thanh Tuyền những năm qua đã phát huy hiệu quả. Kết quả đó là nhờ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân. Từ đó, đời sống người dân khởi sắc, diện mạo nông thôn xã “thay da đổi thịt”.
Cách làm mới
Bám sát nghị quyết của Đảng ủy, HĐND, nhiệm vụ trọng tâm của UBND xã phải hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giúp họ thoát nghèo, ổn định tình hình địa phương. Thực hiện nghị quyết, UBND xã đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể nghiên cứu giải pháp, mô hình “cứu nguy” cho người dân. Quá trình khảo sát cho thấy vùng đất này phù hợp với các loại cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, quýt, đặc biệt là măng cụt. Vì vậy, Đảng ủy, UBND xã đã chọn cây măng làm “bàn đạp” để phát triển vườn cây ăn trái địa phương. Có mô hình nhưng thiếu cách làm, UBND xã tiếp tục chỉ đạo các ngành vào cuộc để vận động nhân dân chuyển đổi đất hoang, đất trồng cây ăn trái không hiệu quả sang trồng măng cụt.
Ông Huỳnh Văn Dưỡng, Chủ tịch Hội Nông dân xã (trái) hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc măng cụt cho nông dân
Ông Nguyễn Văn Bình, Bí thư Đảng ủy xã nói, việc phát triển chuyên canh cây ăn trái ở xã đang mở ra một hướng mới cho phát triển kinh tế của địa phương, góp phần tạo thương hiệu sản phẩm trái cây; đồng thời, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đây cũng là tiền đề kích thích người dân đồng tình hưởng ứng xây dựng xã nông thôn mới; thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân và chính quyền đối với người dân.
Sau quá trình tìm hiểu, thấy được hiệu quả của dự án, người dân đã đồng lòng thực hiện. Người dân trồng mới được hỗ trợ 100% chi phí mua và vận chuyển cây giống, hỗ trợ 50% chi phí khai hoang và 30% vật tư; đồng thời được hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật qua 2 lớp tập huấn và hội thảo đầu bờ. Mục tiêu, xây dựng vườn măng cụt có mẫu mã đẹp, năng suất 6 - 8 tấn/ha, cho thu nhập khoảng 150 - 240 triệu đồng/ha/năm… Từ đó, tạo thương hiệu trái măng cụt đặc sản xã Thanh Tuyền. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã còn phối hợp tập huấn khoa học kỹ thuật, giới thiệu mô hình trồng cây ăn trái chuyên canh. Nỗ lực của chính quyền được nhân dân đồng thuận thông qua kết quả thực hiện nghị quyết. Cụ thể, theo nghị quyết đến năm 2020, Thanh Tuyền sẽ phát triển 176 ha cây ăn trái, thế nhưng đầu năm 2015 đã thực hiện được 150 ha (đạt 86% mục tiêu đề ra trong nghị quyết).
Đối với các ban ngành, đoàn thể trong xã cũng đã nỗ lực hết mình trong việc vận động nhân dân thực hiện nghị quyết. Trong các cuộc họp ấp, xã, cán bộ xã đã nhấn mạnh việc phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm. Trong quá trình tiếp xúc với người dân, cán bộ xã nắm bắt những khó khăn, vướng mắc báo cáo Đảng ủy, UBND tìm hướng khắc phục. Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho biết, thực hiện nghị quyết, cán bộ mặt trận từ xã đến ấp đã đến từng nhà, gặp từng người vận động. Khi trao đổi với người dân, cán bộ mặt trận nhấn mạnh hiệu quả kinh tế, chế độ hỗ trợ trồng, chăm sóc cây ăn trái để người dân yên tâm.
Không những quy hoạch phát triển cây ăn trái, Đảng ủy xã chỉ đạo UBND xã tìm đầu ra cho sản phẩm bằng việc thực hiện Dự án “Phát triển vườn cây ăn trái đặc sản măng cụt gắn với du lịch sinh thái”. UBND xã đã liên kết với Ban quản lý Địa đạo Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) giao 120 ha đất để mở rộng địa đạo qua địa bàn xã Thanh Tuyền. Khi khách tham quan đến Địa đạo Củ Chi sẽ được thưởng ngoạn vườn cây ăn trái. Đây là một hướng đi mới, phát huy nội lực địa phương.
Người dân kỳ vọng
Cũng nhờ mô hình hay, người dân trên địa bàn đã tự tạo việc làm, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 53 hộ, hộ cận nghèo 42 hộ (đầu năm 2015). Ông Huỳnh Văn Đường, ấp Rạch Kiến, trước đây với 0,5 ha trồng lúa, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn thiếu trước hụt sau. Sau khi được Hội Nông dân xã hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, gia đình ông trồng măng cụt xen các loại cây ăn trái khác. Hiện nay, vườn măng nhà ông đã cho thu hoạch vài vụ. Theo ông Đường, cây măng cụt dễ trồng, cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần trồng lúa.
Đến với khu vườn măng cụt, sầu riêng sum suê 1,2 ha của ông Lê Văn Mé, ấp Lê Danh Cát, mấy ai biết được trước đây vì không tìm ra cây trồng phù hợp, ông đã bỏ đất hoang. Ông Mé bộc bạch: “Tôi cảm thấy thật sự hài lòng khi chính quyền địa phương biết quan tâm đến đời sống người dân. Không còn lo về vật chất, chúng tôi nỗ lực góp phần xây dựng địa phương giàu đẹp, văn minh”. Đối với ông Trần Văn Lợi, ấp Rạch Kiến, ban đầu thấy cây măng có giá trị kinh tế cao nhưng còn e ngại khi chuyển đổi sang trồng măng. Sau đó, được Hội Nông dân xã tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, giới thiệu về dự án, ai cũng vui, yên tâm thực hiện. Mọi người hy vọng dự án sẽ giúp cuộc sống ổn định hơn. Vườn cây ăn trái kéo theo du lịch sinh thái sẽ tạo cơ hội để người dân có thêm thu nhập.
Có thể nói, sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện nghị quyết đã thể hiện sự đúng đắn trong công tác chỉ đạo của địa phương. Tuy nhiên, để thực hiện dự án phát triển vườn cây ăn trái đặc sản, địa phương vẫn còn nhiều khó khăn cần sự hỗ trợ. Ông Huỳnh Châu Ấn, Chủ tịch UBND xã nói, hiện nay trên địa bàn xã còn nhiều nơi chưa có mạng lưới điện nên cần được đầu tư. Bên cạnh đó, măng cụt Thanh Tuyền liên tục đoạt giải nhất, nhì, ba tại Hội thi Trái cây miền Đông Nam bộ tổ chức tại Khu du lịch Suối Tiên vào các năm 2012, 2013, 2014. Thế nhưng, trái cây Thanh Tuyền, đặc biệt là măng cụt vẫn chưa có thương hiệu, rất mong các ngành hỗ trợ để người dân sớm ổn định cuộc sống.
T.LÝ