Thành đạt không nhất thiết phải vào đại học

Cập nhật: 13-07-2011 | 00:00:00

Thực tế những năm gần đây cho thấy, đại học (ĐH) không còn là sự lựa chọn tối ưu với tất cả học sinh (HS). Biết tự đánh giá năng lực học tập, hoàn cảnh gia đình... nhiều HS chọn thi vào các trường nghề, trường trung cấp (TC).

   "Cửa" vào ĐH hẹp nhưng rất nhiều thí sinh đang cố chen chân vào

Lựa chọn phù hợp với khả năng

Em Huỳnh Bá Đạt, HS lớp 12, trường THPT Hoàng Diệu, TX.Thuận An khẳng định: “Học lực cộng với hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em đã không thi vào ĐH. Sau khi tốt nghiệp, em quyết định chọn học nghề ở bậc trung cấp, ra trường tìm việc làm rồi mới tính đến việc tiếp tục học lên cao đẳng, ĐH”. Đạt không phải là trường hợp cá biệt, bởi những năm gần đây, HS đã bắt đầu cân nhắc hơn trong việc chọn thi vào ĐH, chọn ngành nghề. Sự cân nhắc này dựa trên các yếu tố chính là năng lực học tập của bản thân và khả năng tài chính của gia đình. Nguyễn Thị Thanh Nhàn, HS lớp 12 trường THPT Tây Sơn, Dầu Tiếng cũng chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THPT. Nói về sự lựa chọn của mình, Nhàn chia sẻ: “Em chọn học một nghề nào đó gần nhà để mau ra trường kiếm việc làm, phụ lo kinh tế với các anh chị. Hoàn cảnh gia đình nhà em khó khăn. Hơn nữa em biết rõ về năng lực của mình. Nếu cứ cố thi vào ĐH, vừa tốn kém lại vừa mất thời gian”. Theo Nhàn, lớp em có gần 50 bạn thì phân nửa trong số này đã quyết định không thi ĐH mà chọn học nghề ở bậc trung cấp để vừa đỡ tốn kém, vừa nhanh ra trường tìm việc làm, phụ giúp gia đình. Phần lớn HS nam chọn học nghề điện, điện tử, học sinh nữ chọn học kế toán.

Ông Trần Đình Phú, Hiệu trưởng trường THPT Tây Sơn cho biết: Ngay từ trong năm học, nhà trường đã nhiều lần tổ chức họp phụ huynh để thông báo về khả năng học tập của từng em, giúp phụ huynh xác định năng lực thực sự của con em mình, nhằm đẩy mạnh mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục HS. Dù là một trường thuộc vùng sâu, vùng xa nhưng hàng năm nhà trường vẫn luôn cố gắng tổ chức các đợt tư vấn, hướng nghiệp cho các em. Bắt đầu từ học kỳ 2 này, các bộ phận tư vấn tuyển sinh của nhà trường cũng giới thiệu thông tin về các kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ trong những năm gần đây, qua đó, giúp HS chọn trường thi phù hợp với năng lực của mình. Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp, các HS rớt tốt nghiệp sẽ được định hướng đăng ký học nghề ở các trường trung cấp để vừa được đào tạo nghề, vừa được học văn hóa để thi lại lấy bằng tốt nghiệp phổ thông. Chọn hướng vào trường nghề là chọn con đường đi ngắn hơn và sớm có việc làm”.

Theo ông Phú, những năm gần đây, khi chọn ngành nghề, chọn trường đăng ký dự thi, HS nhà trường đã biết tự lượng sức để có sự lựa chọn phù hợp. Đó là nhờ công tác tư vấn tuyển sinh được quan tâm, tổ chức tốt, theo hướng không chỉ chú ý tư vấn về tuyển sinh ĐH mà còn hướng dẫn HS định hướng nghề nghiệp tương lai. Nhiều HS sau khi tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh về, tự đánh giá được thực lực của mình nên đã xin rút lại hồ sơ đăng ký dự thi ĐH.

ĐH không phải là tối ưu

Hiện nay, có rất nhiều yếu tố dẫn đến sự thành đạt trong nghề nghiệp, nhưng sở thích và năng khiếu là quan trọng nhất. Nếu thí sinh không có khả năng vào ĐH thì hãy vào TC để được học đúng ngành nghề mình yêu thích, chứ không nên cố vào ĐH, CĐ bằng những NV2, NV3 không phù hợp với mình. Trong nhiều thí sinh cố chen chân vào ngưỡng cửa ĐH có không ít thí sinh học lực yếu, nhưng vẫn chọn ngành “top” trên, nên thi nhiều lần vẫn không đậu. Cũng có những thí sinh dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, vẫn chọn thi vào trường lớn, học phí cao, chi phí ăn ở đắt đỏ... Nhiều giáo viên trong tỉnh đều có chung nhận định: “Nhiều ngành học ở bậc TC ra trường là có việc làm ngay. Thời gian học ngắn, chi phí học thấp nhưng các em vẫn không chịu vào học”.  Trong khi đó, năm học vừa qua, nhiều ngành học tại các trường CĐ, TCCN trong tỉnh tuyển mãi vẫn không đủ chỉ tiêu. Hầu hết các trường trung cấp chuyên nghiệp, CĐ đều có những môn học liên thông lên ĐH. Vì vậy, thí sinh cần cân nhắc để có sự lựa chọn phù hợp, tránh lãng phí thời gian, công sức và giảm bớt gánh nặng chi phí cho gia đình...

Ông Đặng Thành Sang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhận định: “Có nhiều HS không có khả năng học văn hóa nhưng vì nhiều áp lực nên vẫn phải đeo đuổi “sự nghiệp” học chữ. Đối với những em này, học chữ là một nỗi ám ảnh, nên nhiều khả năng các em sẽ chán học rồi bỏ học giữa chừng. Nếu vì áp lực của gia đình, của xã hội và ý chí bản thân, các em có thể “bơi” theo hết chương trình, nhưng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT thì rất thấp, việc thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ lại càng hiếm hoi. Cũng có em may mắn đỗ vào một trường nào đó mà mình không thích. Và một khi đã không thích thì niềm đam mê trong học tập sẽ bị hạn chế, đến khi ra trường đi làm sẽ cảm thấy không hứng thú, không gắn bó với nghề, có khi bỏ nghề. Nếu các em nắm rõ năng lực của mình, chọn cho mình một nghề mà mình yêu thích để học tập, để theo đuổi thì sau này chắc chắn sẽ thành công mà không nhất thiết phải bằng con đường vào ĐH. Thực tế xã hội cho thấy có nhiều người không có bằng ĐH, CĐ nhưng vẫn thành đạt và hạnh phúc trong cuộc sống”.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X