Thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học: Giáo viên sâu sát học sinh hơn

Cập nhật: 03-11-2014 | 08:29:21

Theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), từ giữa tháng 10, ngành thực hiện thay đổi cách đánh giá học sinh (HS) tiểu học từ việc cho điểm số chuyển sang nhận xét đánh giá. Qua 2 tuần thực hiện, hoạt động này đã dần đi vào nề nếp, giáo viên (GV) thể hiện trách nhiệm và sâu sát HS.

Để đánh giá chính xác, GV trường Tiểu học Phú Hòa 1 quan tâm đến từng HS. Ảnh: H.THÁI

Thay điểm số bằng nhận xét

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ ngày 15-10 triển khai thực hiện thay đổi cách đánh giá HS tiểu học nhưng từ thời điểm này ngành GD-ĐT mới bắt đầu tổ chức tập huấn cho GV. Với tinh thần nghiêm túc thực hiện chủ trương mới, các trường đã phổ biến Thông tư 30 đến tất cả GV. Qua 2 tuần, trong khi chờ đợi được hướng dẫn cụ thể, GV ở mỗi trường có cách làm riêng.

Trong tuần đầu tiên, thầy cô của trường Tiểu học Phú Hòa 1 (TP.Thủ Dầu Một) đã có sáng kiến khắc sẵn mẫu chữ “hoàn thành” và “không hoàn thành” đóng vào tập HS, thay cho lời nhận xét. Do thấy kiểu nhận xét như trên quá máy móc, bước sang tuần thứ hai, Ban Giám hiệu nhà trường đã chấn chỉnh, hiện tại GV có những lời nhận xét xác thực với từng HS. Xem tập của một số HS lớp 3 do cô Võ Thúy Phượng chủ nhiệm, tùy vào kết quả bài làm của HS, cô giáo có những lời nhận xét vừa động viên, khuyến khích, vừa nhắc nhở HS khắc phục những sai sót, như: “Em viết bài tốt, nhưng cần rèn chữ”, hay “làm bài cẩn thận hơn”.

Từ ngày 20-10, GV của trường Tiểu học Bình Quới (TX. Thuận An) cũng chấm dứt việc cho điểm. GV đã nắm kỹ quy định mới về đổi mới giáo dục qua những lời nhận xét sâu sát HS. Cô Đỗ Thị Kim Huê, Phó Hiệu trưởng cho biết, theo quy định của Thông tư 30, trong buổi học GV chỉ nhận xét một số HS, nhưng thầy cô cố gắng nhận xét nhiều hơn mới đánh giá chính xác năng lực học tập của từng HS.

Chủ trương thay đổi cách đánh giá HS đã thể hiện được tính tích cực, không còn căn bệnh thành tích, HS không bị áp lực về điểm số, phụ huynh không so sánh kết quả học tập giữa em này với em khác. “Trước đây những HS yếu bị điểm kém thường mặc cảm với bạn bè, nay đánh giá bằng nhận xét HS học nhẹ nhàng hơn. Từ những nhận xét của giáo viên, HS biết chỗ sai để sửa chữa”, Thầy Dương Châu, GV trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP.TDM) cho biết.

Quan tâm học sinh nhiều hơn

Theo quy định của Thông tư 30, không bắt buộc GV nhận xét tất cả HS, có thể nhận xét bằng lời hoặc chữ viết. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, để đánh giá chính xác trình độ HS, nhiều GV đã nhận xét tất cả HS trong lớp. Từ khi triển khai thực hiện đổi mới, cường độ làm việc của GV tiểu học tăng lên, trong giờ học GV quan sát tất cả HS, quan tâm nhiều hơn đến HS yếu kém, giờ giải lao và nghỉ trưa một số thầy cô đã tranh thủ ghi nhận xét vào tập HS.

Cô Võ Thúy Phượng, GV trường Tiểu học Phú Hòa 1 nói, quy định mỗi ngày chỉ nhận xét 5 HS nhưng nếu GV không quan tâm, không nhận xét thì HS không làm bài nên GV phải nhận xét tất cả HS trong lớp. Những ngày có nhiều môn học làm bài tập, cô phải nhận xét khoảng 200 lượt. GV của trường Tiểu học Bình Quới thể hiện trách nhiệm với học trò khi tuần qua các cô mang tập HS về nhà để nhận xét. Tùy vào kết quả làm bài của HS, GV có những lời nhận xét đầy đủ nghĩa, từ ngữ, câu văn có tính thuyết phục, mỗi nhận xét ít nhất 2 dòng.

Thời gian đầu thực hiện, trong khi chờ hướng dẫn cụ thể, ở một số trường GV chỉ nhận xét qua loa như đạt, không đạt, xem, tốt và cũng có những GV có lời nhận xét sâu sắc. Qua thăm dò ý kiến của một số phụ huynh vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về chủ trương thay đổi cách đánh giá HS từ điểm số sang nhận xét. Chị Ngọc Như, ở phường Chánh Mỹ (TP.Thủ Dầu Một) nói, phụ huynh mong muốn GV thể hiện trách nhiệm qua những lời nhận xét sắc bén, sao cho HS thấy được ưu, khuyết để sửa chữa, phụ huynh hiểu được con em còn hạn chế ở chỗ nào để nhắc nhở con rèn luyện thêm.

Ông Dương Văn Bốn, Phó phòng GD-ĐT TP.Thủ Dầu Một nói, giai đoạn đầu có thể GV chưa quen với cách làm mới nhưng sau khi được tập huấn, thực hành, GV sẽ quen dần. Để đánh giá đúng, GV phải quan sát tất cả HS và khi biết được năng lực của từng em, GV sẽ điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp với trình độ. Khi đánh giá HS, GV không so sánh HS mà xem các em còn những hạn chế gì để có hướng giúp đỡ. Nếu GV thực hiện đúng theo tinh thần Thông tư 30 thì sẽ giúp HS tiến bộ hơn, chất lượng học tập được nâng cao.

 H.THÁI - N.THANH

Chia sẻ bài viết
Nếu GV chấm điểm một ngày sẽ chấm được nhiều lượt HS nên sẽ kiểm soát được tình hình nắm kiến thực của HS, đồng thời khi gặp HS có nhiều lỗi , Gv thường không cho điểm kém mà vẫn nhận xét vào vở hoặc gọi HS lên trực tiếp chỉ ra điểm sai để HS rút kinh nghiệm. Còn bây giờ nhận xét, mỗi ngày chỉ kiểm tra được một số em nên không kiểm soát hết được các lỗi của HS để điều chỉnh phương pháp dạy học.
người lớn cứ nghĩ HS tiểu học cũng giống mình, chúng biết suy nghĩ rút kinh nghiệm như người lớn. Không đâu, chúng đọc qua lời nhận xét rồi để đấy, có em còn chẳng thèm đọc, chạy đi chơi với bạn thích hơn.
Nói chung là mất thời gian, Dù sao tôi nghĩ điểm số vẫn là nấc thang đánh giá tương đối chính xác. Nhận xét với hai từ "đạt" , "chưa đạt" - Ôi điểm 5 cũng như điểm 10, HS giỏi nó cần gì học.
bùi quang thu (Cách đây 10 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=6905
Quay lên trên
X