Thời gian qua, các sở, ngành và chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm lo các đối tượng chính sách, người có công bằng những hoạt động thiết thực như xây tặng nhà ở, tạo nguồn vốn sản xuất, tạo việc làm... Đặc biệt, chế độ thăm hỏi, tặng quà, quan tâm đến đời sống tinh thần các đối tượng trong mỗi dịp lễ, tết được chú trọng.
Quan tâm, chăm lo gia đình có công
Công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các đơn vị trong tỉnh đặc biệt quan tâm, nhất là trong dịp lễ, tết. Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), chia sẻ: “Mỗi dịp lễ lớn hay tết đến, xuân về, sở tham mưu lãnh đạo tỉnh lập các đoàn thăm hỏi gia đình mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công chu đáo. Bên cạnh những phần quà được trao, các hoạt động còn có ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công lao to lớn của những gia đình có công với đất nước”.
Trong năm 2023, công tác xây dựng, sửa chữa nhà cho hộ nghèo được các địa phương đẩy mạnh thực hiện
Qua đó, vào các dịp lễ, tết trong năm, Sở LĐTB&XH phối hợp với các sở, ngành, địa phương trao tặng hàng chục tỷ đồng tiền quà đến các gia đình chính sách. Trong năm 2023, sở đã phối hợp tổ chức xây dựng, sửa chữa 30 căn nhà tình nghĩa cho gia đình người có công với cách mạng, tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng 10 căn, tổng kinh phí 1.075 triệu đồng; sửa chữa 20 căn, tổng kinh phí hơn 930 triệu đồng. Sở cũng đã tặng 60 sổ tiết kiệm với tổng số tiền 85 triệu đồng cho các đối tượng...
Sáng 18-12, ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp xem xét phương án chi hỗ trợ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo phương án đề xuất của Sở Tài chính, đối tượng và mức chi Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cơ bản giữ nguyên như Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Trong đó, mức chi cao nhất là 10 triệu đồng (mẹ Việt Nam anh hùng) và thấp nhất là 500.000 đồng/người. Năm nay, dự kiến số công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở lại Bình Dương đón tết dao động khoảng 420.000 - 450.000 người, nên chi tăng thêm khoảng 1.000 công nhân lao động so với năm 2023; đồng thời bổ sung chi thăm, tặng quà gia đình quân nhân đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa, Nhà giàn DK và địa bàn có phụ cấp đặc biệt khó khăn với mức chi đề nghị là 3 triệu đồng/ người cho khoảng 80 trường hợp. Sau khi bổ sung tăng số lượng, mức chi cho các đối tượng, dự kiến kinh phí chi hỗ trợ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của tỉnh khoảng 273,964 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2023. |
Cùng với đó, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vốn cho con em gia đình chính sách có điều kiện ổn định kinh tế gia đình luôn được Sở LĐTB&XH phối hợp với các địa phương thực hiện xuyên suốt. Nhờ đó, các gia đình luôn có thu nhập bình quân hàng năm khá cao. Bà Lê Thị Tôn (vợ liệt sĩ), ngụ phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An, chia sẻ: “Công tác chăm lo cho người có công, con em gia đình chính sách trên địa bàn những năm qua luôn chu đáo, không còn gì phải phàn nàn. Điển hình như gia đình tôi, dù căn nhà cấp 4 được địa phương hỗ trợ xây dựng nhiều năm trước vẫn còn ở được, nhưng dịp lễ 27-7 vừa qua, khi đoàn lãnh đạo tỉnh đến thăm hỏi, địa phương đã chủ động đề xuất xây tặng cho tôi căn nhà mới tốt hơn, bản thân tôi rất xúc động. Tết nào gia đình tôi cũng được tặng quà, thăm hỏi rất ấm cúng”.
Các chế độ chăm lo sức khỏe định kỳ, du lịch, nghỉ dưỡng cho những người có công luôn được tỉnh bảo đảm. Qua đó, đời sống gia đình người có công không chỉ tốt hơn mà đời sống tinh thần ngày càng được chăm lo chu đáo hơn.
Chăm lo đời sống hộ nghèo
Bên cạnh chăm lo chu đáo cho các gia đình chính sách, người có công, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến các đối tượng là hộ nghèo, hộ khó khăn, công nhân lao động. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh dự kiến có khoảng 5.600 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,41%, trong đó có 2.021 hộ nghèo theo chuẩn Trung ương và 3.579 hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh. Tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh là 1.760 hộ, chiếm tỷ lệ 0,44%.
Để chăm lo đời sống hộ nghèo, Sở LĐTB&XH đã phối hợp với các sở, ngành và địa phương thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo như vay vốn ưu đãi, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ y tế, nhà ở; chính sách dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ tiền điện... Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho các hộ nghèo, khó khăn vay vốn tín dụng ưu đãi. Trong năm 2023, các đơn vị đã giải ngân được hơn 43 tỷ đồng.
Trong năm, MTTQ các cấp đã phối hợp với các huyện, thị, thành phố vận động hỗ trợ xây mới 82 căn nhà ở, sửa chữa 13 căn nhà đại đoàn kết trị giá trên 7,7 tỷ đồng cho người nghèo; xây 6 căn nhà chữ thập đỏ trị giá 400 triệu đồng, 6 căn nhà tình thương trị giá 280 triệu đồng. Để chăm lo sức khỏe, giảm gánh nặng kinh phí cho các hộ nghèo, khó khăn, các huyện, thị, thành phố đã phối hợp cấp 18.156 thẻ bảo hiểm y tế với tổng kinh phí 11,836 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương còn cấp 353 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ có mức sống trung bình làm nông nghiệp, lâm nghiêp, ngư nghiệp với tổng kinh phí 182 triệu đồng.
Theo ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở LĐTB&XH, công tác chăm lo trẻ em nghèo cũng được các cấp đặc biệt quan tâm. Trong năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo và phối hợp với các Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng LĐTB&XH và các trường học trên địa bàn miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ ăn trưa cho 2.815 học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí trên 2,4 tỷ đồng; phối hợp với các doanh nghiệp trao hơn 1 tỷ đồng tiền học bổng; đồng thời, hưởng ứng chương trình tiếp sức trẻ em vượt khó đến trường, các đơn vị đã trao 180 suất học bổng, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng, 135 xe đạp, 1 laptop với tổng trị giá 852 triệu đồng...
QUANG TÁM