Theo quy định, từ ngày 1-4 thí sinh (TS) bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2018 để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Dù các em chưa nộp hồ sơ, nhưng qua tìm hiểu cho thấy xu hướng chọn tổ hợp môn thi của TS ở các trường THPT.
Chọn tổ hợp môn thi theo năng lực
Qua khảo sát cho thấy, xu hướng chọn môn thi của các em ở mỗi trường THPT có khác nhau. Với những trường học sinh (HS) có sức học nổi trội như: THPT Dĩ An, Trịnh Hoài Đức (TX.Thuận An), Võ Minh Đức (TP.Thủ Dầu Một)… số lượng TS chọn tổ hợp môn khoa học tự nhiên chiếm ưu thế. Cụ thể như trường THPT Dĩ An chỉ có 130 em trong số 463 HS lớp 12 chọn tổ hợp môn khoa học xã hội. Hay như ở trường THPT chuyên Hùng Vương, một số em học các lớp chuyên thuộc khối xã hội cũng chọn thi các môn tự nhiên. Một HS chuyên văn cho biết, em học văn để thỏa niềm đam mê, song em vẫn đầu tư các môn tự nhiên để phù hợp với khối ngành đã chọn.
HS trường THPT Võ Minh Đức (TP.Thủ Dầu Một) cân nhắc lựa chọn tổ hợp môn thi phù hợp
Trong khi đó, ở những trường HS có sức học trung bình, trường ở vùng nông thôn, lượng TS chọn tổ hợp môn khoa học xã hội khá cao. Đơn cử như trường THPT Nguyễn An Ninh (TX.Dĩ An) có 181/361 HS, trường THPT Trần Văn Ơn (TX.Thuận An) và trường THPT Nguyễn Huệ (Phú Giáo) có khoảng 50% HS chọn tổ hợp môn khoa học xã hội. Kỳ thi THPT quốc gia có 2 mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Với những em có sức học trung bình thì yêu cầu đặt ra là tốt nghiệp THPT, do đó trước khi HS chọn tổ hợp môn thi, giáo viên đã tư vấn các em chọn môn phù hợp với lực học để bảo đảm độ an toàn.
Ngay từ học kỳ I, các trường THPT đã cho TS đăng ký tổ hợp môn thi. Sau mỗi đợt thi giữa kỳ, thi học kỳ, căn cứ vào kết quả thi, thầy cô tiếp tục tư vấn các em thay đổi nguyện vọng theo sức học của các em. Và theo quy chế thi, TS được phép đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài nào cao hơn sẽ được chọn để tính xét công nhận tốt nghiệp THPT. Dù vậy, các thầy cô đã khuyên các em nên chọn một tổ hợp môn sở trường để đạt kết quả cao trong kỳ thi quan trọng này.
Ôn tập theo nguyện vọng
Căn cứ vào tổ hợp thi TS đã chọn, các nhà trường có kế hoạch ôn tập hợp lý. Theo thầy Tạ Văn Tâm, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn An Ninh (TX.Dĩ An), đầu vào lớp 10 của HS không bằng các trường khác, nên nhà trường đã tăng cường ôn tập cho các em sau khi thi học kỳ II. Theo kế hoạch, căn cứ vào kết quả học tập học kỳ II sắp tới, trường sẽ thành lập 1 - 2 lớp học “SOS” và chăm sóc những em này nhiều hơn. Với những em lười học, trường sẽ tổ chức cho HS học tại lớp, khi thuộc bài mới được ra về. Ngay cả những em có điểm trung bình từ 6,4 điểm trở xuống, nhà trường cũng đẩy mạnh ôn tập hơn nữa.
Còn với trường THPT Nguyễn Huệ (Phú Giáo), theo thầy Trần Đình Chỉ, Hiệu trưởng, trường tách HS ra 2 nhóm, trong nhóm tự nhiên, dựa vào học lực, nguyện vọng của HS sẽ xếp lớp, xếp số tiết dạy phù hợp. Với HS chọn tự nhiên để xét ĐH thì ưu tiên số tiết các môn: Toán, lý, hóa nhiều hơn, với đối tượng HS chọn thi chỉ để xét tốt nghiệp thì trường phân bố số tiết ôn tập trải đều ở các môn.
Năm 2017, Bình Dương có 99,88% HS tốt nghiệp THPT. Theo Ban giám hiệu các trường, mặt bằng chung chất lượng năm nay không bằng năm học trước, do đó thầy cô đang dồn tất cả sức lực cho HS, quyết tâm giữ vững chất lượng. Trong đó, việc HS chọn tổ hợp môn thi cũng có yếu tố quyết định đến kết quả thi THPT quốc gia.
H.THÁI