Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng tích cực khi các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đẩy mạnh tìm kiếm hàng hóa thay thế nguồn cung từ các nước cũng như các cơ sở sản xuất mới sau dịch bệnh chuyển đầu tư.
Vận chuyển hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Hoàn Cầu (KCN Đất Cuốc)
Kỳ vọng bứt phá
Mới đây, tại Diễn đàn Thương mại và Công nghiệp với các đối tác Hoa Kỳ tổ chức ở TP.Hồ Chí Minh, Bộ Công thương cho biết quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với Hoa Kỳ đã không ngừng phát triển trong những năm gần đây. Nếu doanh nghiệp (DN)Việt Nam trong các ngành hàng như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, đồ gỗ, nội thất… chủ động thông tin, tìm ra những lợi thế để khai thác, tranh thủ cơ hội để vươn lên, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng được tiêu chuẩn, nhu cầu sẽ nắm bắt cơ hội tốt hơn với thị trường này.
Thời gian qua tại Bình Dương, với sự nhanh nhạy vốn có, các DN đã nỗ lực lớn để đưa hàng hóa vào thị trường Mỹ, đặc biệt là ngành xuất khẩu gỗ. Đến nay đa số các DN trong ngành chế biến gỗ đã ký được các đơn hàng xuất khẩu mới. DN trong tỉnh từng bước khôi phục lại hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu (XK) vẫn đạt mức tăng trưởng 13% so với cùng kỳ, tương đương 5.863 triệu USD. Tăng trưởng XK đồ gỗ Việt những năm gần đây khá ấn tượng, thị trường Hoa Kỳ đóng góp rất lớn vào sức tăng này. Đến thời điểm hiện tại kim ngạch XK đồ gỗ sang thị trường Hoa Kỳ chiếm hơn 50% tổng kim ngạch XK đồ gỗ của tỉnh.
Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cho biết trong quý III vừa qua, nền kinh tế của Hoa Kỳ đã khôi phục trở lại sau những thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Đáng chú ý, thu nhập của người dân Hoa Kỳ đang tăng dần lên trong những tháng gần đây. Đó chính là điểm tích cực để hàng hóa Việt Nam tiếp tục thâm nhập sâu thị trường Hoa Kỳ. |
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Lâm Việt (TX.Tân Uyên) dự đoán riêng thị trường Mỹ, trong thời gian tới tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt. Cùng với đó, nhiều DN ngành gỗ xuất khẩu khác cũng tin tưởng rằng trong năm 2021, thị trường Hoa Kỳ chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng khoảng 30%. Niềm tin này bắt nguồn từ thực tế các đơn hàng và triển vọng nhiều mặt hàng lớn từ Hoa Kỳ trong năm 2020 như kệ tủ bếp, mặt hàng đồ chơi… Ông Nguyễn Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH đồ gỗ Bình Dương cũng cho biết thị trường Hoa Kỳ với nhiều chủng loại hàng hóa, số lượng lớn. Tuy đơn giá các mặt hàng vào thị trường này không cao nhưng bù lại số lượng lớn và đơn hàng ổn định.
Năm qua, các DN ngành dệt may chống chọi kiên cường với dịch bệnh Covid-19. Hiện tại, các DN kỳ vọng đơn hàng sẽ tăng cao trong năm 2021 sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Kim ngạch XK ngành dệt may năm 2020 ước đạt 3.071,5 triệu USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Các DN trong hiệp hội dệt may cho biết họ đang rất nỗ lực để cập nhật về xu hướng tiêu dùng mới ở thị trường tiêu thụ hàng may mặc Hoa Kỳ thời kỳ hậu bệnh Covid-19.
Bám sát xu hướng tiêu dùng mới
Ngoài dệt may, đồ gỗ, những mặt hàng chủ lực xuất khẩu vào Hoa Kỳ như linh kiện điện tử, máy vi tính, giày dép, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng… tại Bình Dương cũng rất lớn. Theo lãnh đạo Công ty TNHH Hoàn Cầu (KCN Đất Cuốc, Bắc Tân Uyên) - đơn vị sản xuất rèm cửa tự động thì lâu nay thị trường chính của công ty là Hoa Kỳ. Tuy nhiên trong dịch bệnh doanh số sụt giảm. Hiện tại, DN đang tăng cường xúc tiến thương mại và làm việc với phía đối tác để ký kết các hợp đồng mới, đa dạng hơn nữa nguồn nguyên liệu đầu vào, các mẫu thiết kế để đáp ứng yêu cầu.
Theo các DN sản xuất, mặc dù hàng hóa bước đầu đã thâm nhập vào thị trường châu Mỹ, song kết quả này vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Trở ngại lớn nhất khi tiến sâu vào thị trường này đó là khoảng cách xa xôi về địa lý. Ngoài ra, ngôn ngữ cũng là trở ngại lớn đối với DN Việt Nam. Thêm vào đó, các DN Việt Nam cũng chưa nắm được quy định về nhập khẩu hàng hóa, quy định về chất lượng an toàn thực phẩm và nhiều quy tắc đặc thù của thị trường này. Việc thiếu thông tin về vấn đề này dẫn đến nhiều DN thông qua các tổ chức môi giới để làm chứng nhận, nhưng không bảo đảm được tính xác thực.
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho rằng, Hoa Kỳ là thị trường lớn. Vì thế không còn cách nào khác là DN phải tìm hiểu, nghiên cứu thị trường thật kỹ trước khi đưa hàng sang khu vực này. Khó khăn khi xuất khẩu sang các thị trường này là bảo đảm tiêu chí chất lượng của người tiêu dùng. Chưa kể, một số đối tác, nhất là tại Hoa Kỳ thường đưa ra những yêu cầu riêng về nhà xưởng phải bảo đảm vệ sinh, tiêu chuẩn cải tiến quy trình sản xuất...
TIỂU MY