Cuối quý III-2020, thị trường xuất nhập khẩu trong tỉnh tiếp tục có dấu hiệu phục hồi. Giao thương với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã bắt đầu khởi sắc. Đơn hàng đến với các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh cũng tăng dần.
Sản xuất tại Công ty DS Vina, Khu công nghiệp Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên
Đơn hàng ổn định trở lại
Theo Hiệp hội Giày da, túi xách tỉnh, đến thời điểm này nhiều hợp đồng mới đã được DN da giày thương thảo. Một số DN đã có đơn hàng cho tháng 9, tháng 10 và đang tiến hành thương thảo với một số đối tác về các đơn hàng lớn hơn. Đặc biệt, từ thị trường EU, dự kiến rất nhiều đơn hàng sẽ được ký vào những tháng cuối năm. Hiện nay, nhiều DN đang chuẩn bị kế hoạch đẩy mạnh sản xuất trở lại. Các DN cũng bày tỏ niềm tin vào “bệ phóng” Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được thực thi sẽ giúp ngành da giày đẩy nhanh xuất khẩu, tăng trưởng kim ngạch, bù lại sự giảm tốc từ đầu năm đến nay. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách trong quý IV-2020 sẽ đạt mức tăng trưởng trở lại khi đây là thời điểm lễ hội gắn với tiêu dùng tại các nước châu Âu và châu Mỹ.
Sau nhiều tháng tìm cơ hội trong khó khăn, ngành gỗ trong tháng 9 đã có nhiều khởi sắc, con số tăng trưởng dự kiến là hai con số so với tháng 8 (tháng 8, kim ngạch xuất khẩu đạt 500,5 triệu USD, tăng 5,1% so với tháng trước). Đến nay, trên địa bàn nhiều DN gỗ đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của đối tác, công nhân tăng ca đều đặn trở lại. Theo phân tích của Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, sở dĩ có sự phục hồi nhanh bởi ngành gỗ Việt Nam tuy bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh, nhưng hầu như các DN tại Bình Dương không bị gián đoạn về sản xuất, không nhà máy nào bị phong tỏa vì có ca nhiễm bệnh. Thêm vào đó, thị trường nội thất của Mỹ, châu Âu cũng bắt đầu ấm lên, và DN Việt Nam được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung. Tuy nhiên, một khó khăn hiện nay là gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ một số quốc gia đang bị đứt đoạn, khiến nguồn cung gỗ biến động và dẫn đến thiếu cục bộ. Bù lại, nguồn cung trong nước vẫn đáp ứng được nên DN vẫn nỗ lực nhận tất cả các đơn hàng mới của khách. Và quan trọng hơn, các DN đang ra sức nắm bắt nhu cầu sản phẩm của thị trường thế giới, và đặc biệt là thị trường Mỹ để tổ chức tái đầu tư sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, hình thành chuỗi liên kết, phát triển các đơn hàng lớn và tận dụng được việc sử dụng nguyên liệu, phụ kiện trong nước.
Với ngành dệt may, sản xuất cũng dần khôi phục. Giao thương ở nhiều nước được khơi thông nên hàng hóa xuất khẩu thuận lợi hơn. Theo bà Trần Thị Vân, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty DS Vina (Khu công nghiệp Đất Cuốc), trong tháng 3, 4, 5, sản xuất của công ty giảm khoảng 30% - 50%. Tuy nhiên, từ tháng 8-2020, thị trường xuất nhập khẩu sáng sủa dần. Đến nay đơn hàng đã tăng trở lại từ 30 - 50%, công ty đã có một số đơn hàng đến tháng 3-2021. Dự kiến, doanh số công ty sẽ đạt mức tăng trưởng 80% so với năm 2019. Hiện nay, DS Vina đã nhập 14 máy móc thiết bị để chạy những đơn hàng mới và đáp ứng yêu cầu phát triển trong xu hướng hội nhập quốc tế.
Chủ động nguồn lao động
Một điểm thuận lợi cho các DN trong việc quay trở lại guồng sản xuất là số lượng lao động ổn định do những nỗ lực giữ chân và chăm lo đời sống người lao động trong dịch bệnh Covid-19. Bà Vân cũng cho biết, từ tháng 3 đến cuối tháng 7, DS Vina dù gặp khó khăn song công ty vẫn duy trì 5 ngày làm trên tuần và những ngày không làm việc công nhân được chi trả theo mức lương tối thiểu vùng. Đến nay, người lao động yên tâm gắn bó với công ty khi các đơn hàng khởi sắc, một số bộ phận đã tăng ca trở lại. Ở chiều ngược lại, phía công ty DS Vina nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các cấp ngành địa phương. “Chúng tôi được chính quyền địa phương hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Cơ quan thuế Bình Dương đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thuế VAT nhanh để giải quyết khó khăn về tài chính thời điểm dịch bệnh và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã tạo điều kiện đưa 15 chuyên gia của chúng tôi từ Hàn Quốc trở lại làm việc”, đại diện Công ty DS Vina cho biết.
Xác nhận thêm điều này, ông Wang Sheng Lung, Giám đốc Công ty Long Hao (Khu công nghiệp Đất Cuốc), cho biết hiện công ty vẫn duy trì sản xuất, người lao động đã tăng ca trở lại. Nhờ những nỗ lực của công ty trong việc hỗ trợ người lao động mà từ đầu quý III, các sản phẩm chủ yếu như đồ gỗ nội thất, đồ dùng trong gia đình đã có sự tăng trưởng tốt, đặc biệt là thị trường Mỹ, công ty không có biến động về lao động. Công ty cũng được các cấp chính quyền hướng dẫn về công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm sản xuất.
TIỂU MY