Thời gian qua, việc triển khai xóa thu tiền trực tiếp của ngành điện, nước đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho các đơn vị, tạo thuận lợi cho các hộ dân, khách hàng. Việc tăng cường các dịch vụ trực tuyến còn góp phần phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Bộ phận chăm sóc khách hàng Điện lực Bàu Bàng hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng thanh toán trực tuyến thông qua điện thoại thông minh
Đẩy mạnh thực hiện
Ông Phan Thanh Lâm, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương (PCBD), cho biết PCBD triển khai thí điểm xóa thu tại nhà tại Điện lực Thủ Dầu Một từ tháng 7-2018, đến tháng 1-2019, PCBD hoàn thành thí điểm xóa thu tại nhà 100%. Từ tháng 5-2019 đến nay, PCBD tiếp tục mở rộng triển khai xóa thu tại nhà một số khu vực phường, xã thuộc các huyện, thị còn lại trên địa bàn tỉnh.
Trước khi triển khai xóa thu trực tiếp tại nhà (tháng 7-2018), PCBD có hơn 192 thu ngân viên thu trực tiếp tại nhà khách hàng. Tỷ lệ số khách hàng thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các tổ chức trung gian chỉ đạt 33% tổng số khách hàng sử dụng điện (148.000/450.000 khách hàng). Sau khi triển khai xóa thu tại nhà đến tháng 8-2020, tỷ lệ số khách hàng thanh toán qua ngân hàng và các tổ chức trung gian đã đạt 83,1%, với 419.834 khách hàng thanh toán số tiền 2.378 tỷ đồng/tháng; thanh toán không dùng tiền mặt đạt 59,32%.
Thời gian qua, PCBD đã không ngừng đa dạng hóa hình thức thu tiền điện để tạo thuận lợi cho khách hàng thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi, nhanh chóng, chính xác và an toàn. PCBD đã hợp tác liên kết với 15 ngân hàng và10 tổ chức trung gian thanh toán để phục vụ khách hàng. Nếu như trước đây, việc thanh toán tiền điện hàng tháng của khách hàng khá bị động, khách hàng phải chờ nhân viên điện lực đến thu tiền, thì hiện nay khách hàng có thể linh hoạt, chủ động hơn trong việc thanh toán tiền điện bằng nhiều hình thức thanh toán tiện lợi qua các kênh giao dịch của các ngân hàng và tổ chức thanh toán trung gian, đặc biệt là các hình thức thanh toán điện tử. Nếu như trước thời điểm xóa thu trực tiếp tại nhà, PCBD chỉ có 500 điểm thu cố định thì nay đã có 1.450 điểm, góp phần đa dạng kênh thanh toán cho khách hàng. Qua đó giúp người dân không phải di chuyển xa đến trụ sở các đơn vị thuộc PCBD để thanh toán.
“Thực hiện chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực Miền Nam về việc đẩy mạnh phát triển thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, PCBD tiếp tục triển khai mở rộng xóa thu tiền điện tại nhà khách hàng trên toàn tỉnh. Bình Dương có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin với lộ trình từ tháng 5-2019 đến hết năm 2019 đạt từ 60% trở lên khách hàng thanh toán qua ngân hàng, thanh toán trung gian. Phấn đấu đến hết năm 2020 đạt 100% khách hàng thanh toán tiền điện qua các tổ chức ngân hàng, tổ chức trung gian, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên toàn tỉnh, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của ngành và Chính phủ giao”, ông Lâm cho biết.
Tiết giảm chi phí
Thời gian qua, tại Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) cũng đã đẩy nhanh tiến độ việc thực hiện thanh toán trực tuyến thông qua các ngân hàng thương mại, các dịch vụ thu hộ đã liên kết với đơn vị. Ông Trần Chiến Công, Tổng Giám đốc Biwase, cho biết trong năm 2019 Biwase đã kết nối triển khai thu hộ với 4 ngân hàng và 5 đơn vị. Từ đầu năm đến nay Biwase tiếp tục triển khai thu hộ với hai đối tác là Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Thông qua các ngân hàng thương mại, các tổ chức thu hộ gồm: PAYOO, VNPAY, MOMO, Viettel, VNPT Pay đã thực hiện 975.470 giao dịch thanh toán số tiền hơn 325 tỷ đồng tiền nước cho công ty. So với cùng kỳ năm 2019, số giao dịch trực tuyến qua ngân hàng, qua các kênh thu hộ của Biwase tăng 270%, giá trị thanh toán tăng 275%.
“Việc thanh toán trực tuyến, thông qua các kênh thu hộ đã phát huy hiệu quả khi công ty có thể quản lý dòng tiền thu về nhanh chóng, chính xác và an toàn hơn. Giao dịch được thực hiện và gạch nợ từ khách hàng diễn ra ngay lập tức mà không cần kiểm tra tài khoản thủ công như trước đây. Hơn hết, chi phí thu hộ do đối tác thực hiện đối với mỗi giao dịch thấp hơn so với chi phí phân công nhân viên thu trực tiếp như trước đây. Cụ thể, các giao dịch, thanh toán trực tuyến thông qua các ngân hàng thương mại, các kênh thu hộ đã giúp doanh nghiệp tiết giảm đến 50% chi phí so với cách thu tiền trực tiếp”, ông Công chia sẻ.
Bên cạnh những thuận lợi trong việc xóa thu trực tiếp, theo các đơn vị, việc triển khai xóa thu trực tiếp đối với khách hàng vẫn còn hạn chế, khó khăn nhất định. Một bộ phận người dân chưa thay đổi thói quen thanh toán tiền mặt do nguyên nhân khách quan, chưa tiếp cận với công nghệ, những ứng dụng thanh toán trực tuyến trên điện thoại thông minh hay các phương thức thanh toán thông qua các ngân hàng, các kênh thu hộ trung gian. Hiện, các đơn vị đang tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân có thể tiếp cận, biết và cài đặt các ứng dụng, dịch vụ thanh toán trực tuyến thông qua các ngân hàng, các đối tác thu hộ trung gian nhằm góp phần hoàn thành 100% việc xóa thu trực tiếp, thu tiền mặt trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo các đơn vị, việc hướng người dân chuyển dần sang sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cần sự phối hợp đồng bộ giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ điện, nước, truyền hình cáp, mạng internet. Đồng thời các ngân hàng và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc chi lương qua ngân hàng, mở tài khoản ngân hàng mới mang lại hiệu quả thiết thực. Có thể nói, việc triển khai xóa thu trực tiếp còn có ý nghĩa hơn trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
MINH DUY