Thiết thực hỗ trợ người mù vươn lên

Cập nhật: 03-08-2022 | 08:03:19

Nhằm hỗ trợ người mù trong tỉnh được hưởng lợi từ chương trình vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm, thời gian qua, Hội Người mù tỉnh và Hội Người mù các địa phương đã hướng dẫn hội viên làm thủ tục vay vốn và xây dựng hàng trăm dự án đề nghị các cơ quan liên quan thẩm định, cho vay để phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn hỗ trợ này, nhiều người mù trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư làm ăn và có cuộc sống ngày càng ổn định hơn.

 Hội Người mù tỉnh khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm giai đoạn 1992-2022

 Một chương trình ý nghĩa

Chương trình vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm là một chương trình có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với người mù. Đến nay, chương trình này đã được triển khai thực hiện 30 năm (1992-2022), hỗ trợ tạo việc làm cho hàng ngàn lượt hội viên, người mù trên địa bàn tỉnh và người thân của họ. Ông Trần Văn Em, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, cho biết chủ trương và mục tiêu của Tỉnh hội là cho nhiều người mù vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình, thủ tục vay vốn phải do chính người mù đứng tên và trực tiếp sử dụng cùng với các thành viên trong gia đình, để đạt mục đích cuối cùng là người mù được hưởng kết quả do vốn vay mang lại.

Từ mục tiêu trên, hoạt động hỗ trợ cho người mù được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm trên địa bàn tỉnh thời gian qua rất hiệu quả, góp phần quan trọng hỗ trợ giải quyết việc làm cho người mù và lao động là người thân trong gia đình họ. Từ đó, nguồn vốn được bảo toàn và hiệu quả sử dụng vốn không ngừng được mở rộng theo thời gian. Tính đến nay, tổng số vốn gốc được Hội Người mù Việt Nam và UBND tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) giao cho hội quản lý hơn 1 tỷ 620 triệu đồng.

Từ nguồn vốn trên, trong 30 năm qua, Hội Người mù tỉnh đã lập 303 dự án với tổng số vốn quay vòng đạt hơn 13 tỷ 436 triệu đồng, giải quyết cho 2.348 lượt hội viên, người mù vay vốn tạo việc làm, thu hút 4.694 lao động. Hiện nay, người được hỗ trợ vay mức thấp nhất là 15 triệu đồng, người vay cao nhất là 100 triệu đồng. Đặc biệt, trong 30 năm qua, chỉ có 13 dự án gia hạn nợ với số vốn 673 triệu đồng do chu kỳ cây trồng, vật nuôi chưa đến kỳ thu hoạch, được Ngân hàng CSXH thẩm định và chấp thuận cho gia hạn.

Phát huy hiệu quả

Thời gian qua, chương trình cho người mù vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đã mang lại việc làm cho nhiều người mù, giúp họ tăng thu nhập và cuộc sống từ đó cũng có những đổi thay, cải thiện đáng kể. Từ nguồn vốn vay, nhiều người đã đầu tư làm nghề bó chổi, buôn bán nhỏ, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đầu tư vào chăm sóc cao su, cây ăn trái, bán vé số hay cùng với gia đình bán thức ăn nhanh…

Chia sẻ về sự hỗ trợ ý nghĩa này, chị Trần Thị Ái, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, cho biết lúc trước gia đình chị rất khó khăn, có đất nhưng không có vốn để làm ăn. Năm 2002, chị được vận động vào hội và nhờ đó chị mới biết đến chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. “Lúc đầu tôi được vay 2 triệu đồng, gia đình đã đầu tư trồng 350 cây cao su, nuôi ít gà thả vườn và gà mái đẻ. 2 năm sau tôi đã trả cả vốn và lãi cho Nhà nước. Sau đó, tôi được hội cho vay lại 5 triệu đồng, rồi 10 triệu đồng, 20 triệu đồng. Tôi tiếp tục đầu tư vào trồng mới và chăm sóc cao su, chăn nuôi thêm heo để cải thiện cuộc sống gia đình”, chị Ái nói.

Chị Ái cho biết, thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình chị khoảng 80 triệu đồng. Qua nhiều năm, chị đã tích lũy xây được căn nhà mới với diện tích 150m2, mua sắm đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt trong gia đình và nuôi 2 con học hành đến nơi đến chốn. Năm 2020, gia đình chị Ái còn sắm được ô tô trị giá khoảng 400 triệu đồng để làm phương tiện đi lại. Chị Ái chia sẻ: “Để có được cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ Hội Người mù tỉnh, huyện đã quan tâm, tạo điều kiện và giúp đỡ tôi được vay vốn làm ăn”.

Cũng giống như chị Ái, chị Trịnh Thị Sáu, hội viên Hội Người mù huyện Phú Giáo đã được hội hỗ trợ cho vay vốn giải quyết việc làm và làm ăn hiệu quả, mang lại cuộc sống ổn định cho gia đình. Năm 2005, chị tham gia vào Hội Người mù huyện Phú Giáo và được học chữ nổi, học nghề làm chổi. Đặc biệt, chị được hội tạo điều kiện cho vay vốn để phát triển kinh tế gia đình và đã đầu tư vào chăm sóc cây cao su. “Bằng sự nỗ lực, cố gắng của bản thân và sự giúp đỡ của gia đình, sau 10 năm vay vốn, tôi đã có vườn cao su với hơn 600 cây. Những năm gần đây, cao su đã cho thu hoạch và có sản lượng mủ cao, nhờ đó gia đình tôi thoát khỏi hộ nghèo, cuộc sống ngày càng ổn định hơn”.

Ông Trần Văn Em cho biết thêm, trong 30 năm cho người mù vay vốn, nhờ hội làm tốt công tác khảo sát, tuyên truyền hướng dẫn người mù làm ăn, giáo dục hội viên thấy được trách nhiệm và quyền lợi của mình, nên người mù trên địa bàn tỉnh luôn giữ chữ tín với Nhà nước. 100% người mù vay vốn sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Công tác thu hồi khi đến hạn đạt 100%, không có nợ quá hạn, không có vốn tồn đọng tại Ngân hàng CSXH, được Trung ương hội và cơ quan chức năng đánh giá cao.

 Chương trình cho người mù vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đã góp phần làm giảm hộ người mù nghèo còn 32 hộ và 5 hộ cận nghèo trong tổng số 672 người mù toàn tỉnh hiện nay.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=565
Quay lên trên