Những cô gái khi đến tuổi cập kê, muốn cưới được chồng khỏe mạnh, tài giỏi và đẹp trai, bắt buộc phải chuẩn bị đủ 100 bó củi để tỏ tình.
Dòng sông hiền hòa của xã Pô Cô, huyện Đắk Tô, Kon Tum dẫn về làng Tu Peng, ngôi làng chất cao ngút mắt những đống củi dẻ thẳng tắp, đều và rất đẹp của những cô gái đang đến tuổi cập kê. Để có được những đống củi to cao, thẳng tắp và đẹp như vậy trước nhà mình, người con gái ấy đã phải vất vả vì đó là thành quả có được từ mồ hôi, công sức của họ trong nhiều năm liền. Trong bất kỳ một gia đình nào đó của cộng đồng người Rơ Ngao sinh sống nơi đây, khi cô con gái trong nhà gần đến tuổi lập gia đình, bản thân cô gái ấy bắt buộc phải đi kiếm củi để dành.
Chị Y Na nhờ kiếm được nhiều củi nên luôn được chồng và bố mẹ chồng yêu thương, tự hào.
Mục đích xếp củi trước nhà của người dân Rơ Ngao chính là để khoe sự giỏi giang, chịu thương chịu khó của con gái họ. Tình yêu của các cô gái khi chớm nở chính là lúc, họ mang trên lưng mình một chiếc gùi bằng tre, nứa để bắt đầu cho hành trình đi kiếm củi xây dựng hạnh phúc gia đình. Thời gian này, cô gái phải cật lực và không quản vất vả khó khăn, đi vào rừng sâu hun hút để chặt những cây củi to đẹp mang về chất trước nhà mình để thể hiện tình yêu với chàng trai.
Theo luật tục của người Rơ Ngao, củi hứa hôn của người con gái bắt buộc phải là củi lấy từ cây dẻ khỏe mạnh. Vì củi của cây dẻ săn chắc nên rất đượm, đặc biệt củi dẻ thẳng và suôn nên rất thích hợp với việc nấu nướng và sưởi ấm". Nếu người con gái nào lấy củi từ cây dẻ bị cụt ngọn, thì đó sẽ là điềm xấu cho hôn nhân sau này.
Chính vì vậy, khi đi kiếm củi hứa hôn, dù vất vả mấy, các cô gái cũng không bao giờ chặt những cây dẻ xấu xí hay bị cụt ngọn. Ngoài ra, củi hứa hôn phải tuân thủ đúng quy định như: mỗi thanh củi phải có chiều dài 70-80 cm, thanh củi phải thẳng, chắc, tất cả vỏ ngoài phải được lột sạch sẽ, đầu của mỗi thanh củi phải được chặt bằng hoặc nhọn tất cả.
Chính vì những quy định khắt khe này, nên mỗi người con gái mới lớn đều phải chịu rất nhiều hiểm nguy, vất vả trong thời gian dài để vào rừng kiếm đủ củi mới lấy được chồng. Người Rơ Ngao coi đó như thời gian thử thách khó khăn nhất cho tình yêu của người con gái dành cho người con trai mình yêu. Khi đã đủ 100 bó củi, các cô gái tự hào đem ra chất trước nhà để khoe về đức hạnh của mình trước khi đi "bắt" chồng.
Khi biết yêu, những cô gái làng Tu Peng phải băng đèo, lội suối gùi cả trăm bó củi như thế này trên vai.
Già làng A Hanh (72 tuổi) cho biết, nếu đống củi của người con gái nào được chất cao, đều và vuông vắn thì chứng tỏ đó là một cô gái khỏe mạnh, giỏi giang và tháo vát. Nếu hai đầu của cây củi được đẽo đều, sắc sảo và đẹp mắt thì đó là tín hiệu cho biết người con gái ấy có đôi bàn tay vô cùng khéo léo. Được cả hai điều đó, thì cô gái ấy sẽ được mọi người đánh giá là người có hình thức đẹp và có một tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ.
Khi một cô gái sở hữu đống củi đẹp đi "bắt" chồng, thì chắc chắn sẽ được chồng và cha mẹ chồng hết mực yêu thương và tôn trọng. Trái lại, với những cô gái nếu có quá ít củi mà đã đi "bắt" chồng thì nguy cơ "bắt" hụt là điều khó tránh khỏi. Dù được chàng trai đồng ý, mà khi gia đình chàng trai tìm hiểu biết được cô gái có ít củi thì cha mẹ của chàng trai thường sẽ không chấp nhận cho con trai mình về làm rể gia đình có con gái làm biếng đi kiếm củi.
Nhìn đống củi người ta sẽ biết được chủ nhân của nó sẽ là một cô đảm đang, cần cù, cẩn thận và chịu khó, hay chỉ là một cô gái vụng về, hời hợt. Người dân ở làng Tu Peng cho rằng, cô gái nào đã đến tuổi cập kê mà có quá ít củi, thì chứng tỏ cô gái ấy không phải là người siêng năng. Điều đó cũng nói lên rằng, cô ta không quan tâm đến chuyện vun vén cho cho hạnh phúc của một gia đình. Những cô gái như vậy khi có chồng sẽ rất làm lười, mọi việc sẽ phó thác hết cho người chồng.
Đến khi về làm vợ, cô gái ấy sẽ thiếu đi sự chịu khó, đảm đang và sự hy sinh cần thiết của một người mẹ. Những người con gái như vậy trong làng Tu Peng cũng có nhưng rất ít. Cũng có trường hợp, một số cô gái khi "dạm hỏi" để cưới chàng trai, được chàng và cha mẹ chàng đồng ý. Thế nhưng, đến khi cô gái đem củi qua tặng cha mẹ chồng làm của hồi môn mà ít quá, thì gia đình chàng trai sẵn sàng "trả lễ".
Già A Hanh tự hào về người con dâu vì cô đã kiếm được đống củi vừa đẹp vừa nhiều cho bố mẹ chồng đun trong nhiều năm mà vẫn chưa hết.
Già làng A Hanh cũng cho biết thêm, trước đây khi rừng còn nhiều cây cối, người con gái phải một mình vào rừng kiếm củi dẻ. Nếu người con trai nào mà đi kiếm củi giúp người con gái, làng phát hiện thì sẽ bị phạt vạ. Còn bây giờ, khi rừng đã bị tàn phá nhiều, để kiếm được củi cho nhà chồng, người con gái phải vào tận rừng sâu mới kiếm được củi, thời gian sẽ rất lâu. Thế nên, làng đã quyết định ra một "luật" mới, đó là người con gái có thể mượn bất cứ ai trong làng đi kiếm củi giúp mình. Củi cũng không nhất thiết phải là của cây dẻ như trước đây mà chỉ cần cây củi tròn đẹp và thẳng là được.
Hiện nay, người con gái nào đã có người yêu gần cưới mà có ít củi thì chỉ cần mượn người dân trong làng cùng vào rừng kiếm củi giúp. Họ sẽ kiếm củi liên tiếp nhiều ngày cho người con gái. Khi củi kiếm được đã đủ 100 bó, hai bên gia đình sẽ tổ chức lễ ăn hỏi và người con gái sẽ mang hết củi đến gia đình nhà chồng. Dựng nhà xếp củi thật ngay ngắn và chờ gia đình nhà chồng tổ chức đám cưới. Để đáp lại sự vất vả của người con gái khi kiếm củi, bố mẹ chồng sẽ tổ chức đám cưới thật linh đình cho con trai và con dâu với hàng chục ghè rượu, gà, vịt, heo và những lễ vật khác để tổ chức ăn mừng. Tùy theo điều kiện kinh tế, mỗi gia đình sẽ tổ chức đám cưới cho phù hợp.
Già A Hanh chỉ vào nhà chứa củi mà cô con dâu Y Na đã kiếm ròng rã 4 năm cho bố mẹ chồng, rồi tự hào nói: "Đây là củi con dâu mình biếu đấy, mình nấu hơn 5 năm nay mà vẫn còn rất nhiều. Con dâu mình khéo cái tay lắm, vợ chồng mình thương con dâu lắm". Chị Y Na cho biết, trước đây để kiếm củi cho bố mẹ chồng, chị phải mất 4 năm vào rừng kiếm củi. Hàng ngày, chị phải trèo qua mấy ngọn đồi, lội suối, mới đến được nơi có những cây dẻ đẹp chặt về làm củi hứa hôn. Để có được một đống củi lớn biếu bố mẹ chồng nấu hơn 5 năm nay, chị đã đi cả nghìn cây số gùi hàng trăm bó củi trên lưng mà không biết mệt nhọc. Bởi chị tin, có như vậy chị mới được bố mẹ chồng thương nhiều.
Theo Gia Đình & Xã Hội