Thông tin tuyên truyền về bầu cử cần quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Cập nhật: 11-03-2021 | 14:02:13

Tại Hội nghị triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đối với vùng đồng bào DTTS do Hội đồng Dân tộc phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức vừa qua, các đại biểu cho rằng, để đạt được mục tiêu tỷ lệ 18% đại biểu Quốc hội là người DTTS rất cần sự quan tâm tuyên truyền của các cơ quan thông tấn, báo chí.

Hội nghị triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử đai biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cho rằng, từ thực tiễn bầu cử đại biểu Quốc hội và hoạt động của Quốc hội Khóa XIV, việc đồng bào các dân tộc tham gia tích cực và bầu chọn được các đại biểu Quốc hội thực sự ưu tú, có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm đại diện cho mình tại Quốc hội đã góp phần không nhỏ vào thành công của Quốc hội, nhất là trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Thực tiễn hoạt động cho thấy, Hội đồng Dân tộc khóa XIV đã ghi dấu ấn lịch sử trong hoạt động của mình khi đã đề xuất, tranh thủ được sự ủng hộ của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thông qua khoản 1 Điều 68a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định Hội đồng dân tộc có trách nhiệm tham gia thẩm tra dự án, dự thảo do Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra để bảo đảm chính sách dân tộc khi dự án, dự thảo đó có quy định liên quan đến dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, miền núi và 2 Nghị quyết quan trọng với tuyệt đại đa số phiếu tán thành gồm: Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương, những thành tựu trên đây trong lĩnh vực dân tộc cần tiếp tục được Quốc hội Khóa XV kế thừa và phát huy mạnh mẽ hơn nữa, nhất là trong việc giám sát, phân bổ nguồn lực và thúc đẩy việc tổ chức thực hiện 2 Nghị quyết đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua. Hội đồng Dân tộc cũng phải tham gia thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong các dự án, dự thảo trình Quốc hội có liên quan đến dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Vì thế, nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng đại biểu Quốc hội đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại Quốc hội.

Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV cho thấy, Hội đồng Dân tộc khóa XIV gồm 47 thành viên là đại biểu Quốc hội của 32/63 địa phương trong cả nước, đại diện của 29/33 dân tộc tham gia Quốc hội khóa XIV, trong đó dân tộc thiểu số có 44 người, dân tộc Kinh 03 người. Về cơ cấu, có 51,06% nam, 48,94% nữ (có tỷ lệ nữ cao nhất trong các Ủy ban của Quốc hội); tuổi dưới 40 có 14 người (29,8%), từ 40-50 có 15 (31,9%), từ 50 trở lên có 18 (38,3%); tham gia Quốc hội lần đầu 37 người (78,72%); đại biểu hoạt động kiêm nhiệm 33 người (72%), chuyên trách 14 người (28%).

Hội đồng Dân tộc khóa XIV đã đạt được nhiều kết quả hoạt động tích cực, ghi dấu ấn lịch sử

So với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII thì số lượng đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số khóa XIV là 86 người, tăng 08 người. Số dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội là 32, tăng 03 dân tộc, có thêm 01 dân tộc thiểu số lần đầu có người tham gia đại biểu Quốc hội (dân tộc Mảng).

Số thành viên Hội đồng Dân tộc tăng 07 người so với khóa XIII. Hầu hết các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số đều có đại biểu Quốc hội tham gia thành viên Hội đồng Dân tộc (trừ Hòa Bình, Thái Nguyên).  Tuổi bình quân các đại biểu Quốc hội khóa XIV (42,0) trẻ hơn so với khóa XIII (44,8).

Như vậy qua bầu cử, Hội đồng Dân tộc khóa XIV đã bảo đảm về thành phần dân tộc, phản ánh được tính đại diện cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam tham gia Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo Điều 69 Hiến pháp năm 2013. Các đại biểu Quốc hội đều có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật, có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, ý thức trách nhiệm trước cử tri và đồng bào. Trình độ của các đại biểu được nâng lên và số lượng đại biểu chuyên trách tăng lên 28% (khóa XIII là 25%), trong đó một số đại biểu đã qua các chức vụ chủ chốt ở địa phương, có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn.

Băn khoăn về việc bảo đảm tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số để bảo đảm tính đại diện của các dân tộc trong Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho rằng đây là vấn đề khó khăn đối với cả ứng cử viên là người dân tộc thiểu số và với cả cử tri là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho biết, nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội đặt mục tiêu phấn đấu đạt ít nhất 18% đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số trong tổng số 500 đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, con số này chỉ đạt 17,3% (86 đại biểu là người dân tộc thiểu số), thiếu 4 đại biểu so với dự kiến ban đầu. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho rằng, ở nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, để tiếp tục phấn đấu và đạt được tỷ lệ 18% đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số rất cần sự quan tâm tuyên truyền của các cơ quan thông tấn, báo chí đến những ứng cử viên này. Cần sớm công bố danh sách ứng cử viên sơ bộ để cơ quan thông tấn báo chí tiếp cận sớm và có hướng tuyên truyền cho phù hợp, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các ứng cử viên.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành mong muốn, công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, phù hợp để đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi nắm chắc, hiểu rõ pháp luật về bầu cử, về các ứng cử viên để thực hiện tốt nhất quyền bầu cử của mình.

Do đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị, các cơ quan thông tấn, báo chí tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, để đồng bào dân tộc thiểu số nhiệt tình ủng hộ, cùng tham gia bầu cử, thực hiện quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân. Tuyên truyền về các nguyên tắc, quy tắc, quy trình bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; về quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân và trách nhiệm của cử tri trong quá trình bầu cử; sự ủng hộ của Nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số đối với đường lối đổi mới của Đảng; phong trào thi đua lập thành tích chào mừng cuộc bầu cử; biểu dương kịp thời những đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử, nhất là công tác bầu cử ở các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống...

Cùng với đó, cần tuyên truyền sinh động các nội dung về tiếp xúc cử tri, tiểu sử, chương trình hành động của ứng cử viên, đặc biệt là ứng cử viên là người dân tộc thiểu số, ứng cử viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ứng cử viên là người dân tộc rất ít người, ứng cử viên thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn; công tác phục vụ, bảo đảm cho cuộc bầu cử thành công và tuyên truyền về kết quả cuộc bầu cử, kết hợp với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19.

Tuyên truyền về bầu cử đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có những đặc thù riêng, phù hợp với phong tục, tập quán, môi trường sống, tiếng nói, chữ viết của đồng bào. Do đó, phương pháp, cách thức tuyên truyền phải sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ; khuyến khích các cơ quan thông tấn, báo chí dịch các nội dung, thông tin về bầu cử sang tiếng dân tộc.

Bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tiến hành vào Chủ nhật ngày 23/5 tới là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, được tổ chức sau thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Để cuộc bầu cử đạt kết quả cao thì công tác thông tin, tuyên truyền cần được đẩy mạnh nhằm phổ biến đến mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số để phát huy tinh thần làm chủ, trách nhiệm, tích cực tham gia, lựa chọn và bầu được những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng tham gia vào các cơ quan dân cử nhiệm kỳ 2021 - 2026./.

Theo quochoi.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên