Thủ tướng: Biến lời hứa thành hiện thực trong chỉ đạo, điều hành

Cập nhật: 01-12-2017 | 18:41:03

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trong chiều 1/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11.

Cùng với việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế xã hội, Thủ tướng lưu ý các thành viên Chính phủ cần thực hiện tốt lời hứa của mình trước Quốc hội và cử tri cả nước, thực hiện tốt các Nghị quyết của Quốc hội.

Phấn đấu đạt kết quả toàn diện hơn nữa

Dù tình hình kinh tế xã hội đạt kết quả khả quan sau 11 tháng, tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn yêu cầu các bộ, ngành và địa phương không được có tâm lý “thỏa mãn non” mà phải tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tốt hơn nữa. Trong đó có những việc như triển khai các cam kết và tuyên bố Đà Nẵng tại Tuần lễ Cấp cao APEC; khắc phục hậu quả bão lũ, giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng yêu cầu tháng 12 và những tháng đầu năm 2018, phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã đề ra, tập trung vào khâu thực thi. “Người đứng đầu phải luôn chỉ đạo sâu sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính, nỗ lực phấn đấu đạt kết quả toàn diện hơn nữa” so với số liệu ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội.

Nhấn mạnh công tác khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tháng 12/2017 và những tháng đầu năm 2018, cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, chú trọng đến kỷ luật kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính.

Lưu ý các thành viên Chính phủ cần thực hiện tốt, liên tục lời hứa của mình trước Quốc hội, Thủ tướng nhấn mạnh: “Mình nói và làm đi liền với nhau, nhất là trong hành động cụ thể, chứ không phải trước Quốc hội, trong thảo luận ở Quốc hội thì sôi nổi, trách nhiệm, sau đó chúng ta không xem lại những lời hứa của mình, kiến nghị của các cơ quan chức năng đối với Chính phủ”. Thủ tướng bày tỏ mong muốn tập thể Chính phủ “biến lời hứa của mình, cam kết của mình thành hiện thực trong chỉ đạo, điều hành.”

Ba nội dung chính của nhiệm vụ năm 2018

Về định hướng xây dựng dự thảo Nghị quyết 01 năm 2018, văn bản định hướng công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ và cả hệ thống hành chính nhà nước trong năm 2018, Thủ tướng yêu cầu không đưa ra quá nhiều các nhiệm vụ, giải pháp, trùng với chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, trùng lắp với các Nghị quyết khác của Chính phủ và tránh tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả.” Theo đó, Thủ tướng nêu lên ba nội dung chính mà Nghị quyết phải hướng tới:

Quan trọng nhất là hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2018; tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.

Cùng với đó là quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp.

Nghị quyết phải đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; chú trọng hơn nữa phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng cho biết sẽ viết thư gửi các bộ trưởng, các thành viên Chính phủ tự đánh giá hiệu quả công việc năm 2017 và xác định các nhiệm vụ của bộ, ngành trong năm 2018 trên cơ sở những định hướng quan trọng mà Chính phủ nêu trong phiên họp này. Chỉ ra một số công trình dự án, nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng mong muốn các bộ ngành “phải tạo được chuyển biến cả hệ thống chứ không chỉ một bộ phận.”

Cũng tại phiên họp, giao các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình thị trường tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tỷ giá hối đoái, thị trường ngoại tệ để có chính sách điều chỉnh kịp thời, không để biến động lớn trong tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Liên quan đến việc tăng giá điện, Thủ tướng nêu rõ theo tính toán, việc tăng giá điện chỉ làm tăng CPI khoảng 0,08% năm 2017 và 0,1% năm 2018 và yêu cầu các ngành liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả, thị trường; chuẩn bị tốt nguồn hàng, bảo đảm cung cầu hàng hóa, dịch vụ vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Mậu Tuất; trong đó phải hỗ trợ cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm, vật tư để ổn định đời sống và khôi phục sản xuất tại các địa bàn chịu ảnh hưởng thiên tai.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải có báo cáo tổng hợp, trình Thường trực Chính phủ đối với công trình BOT Cai Lậy (Tiền Giang) để đánh giá toàn diện; “không để kéo dài tình trạng này.”

Người đứng đầu Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm lộ trình thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (trong đó có thoái vốn của Sabeco, Habeco và một số doanh nghiệp lớn khác...).

Lên án những hành vi sai trái, tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến xây dựng văn hóa, làm tha hóa con người, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm hành vi bạo hành trẻ em, gây nhức nhối trong xã hội thời gian qua./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1218
Quay lên trên