Thủ tướng: Đổi mới chính sách tiền tệ để nâng khả năng cạnh tranh

Cập nhật: 09-07-2020 | 13:59:48

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 9/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, chủ trì phiên họp của Hội đồng để thống nhất các chủ trương lớn trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ thời gian từ nay đến hết năm 2020.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn ở nhiều nước là đối tác lớn của Việt Nam. Không khí đầu tư, thương mại của quốc tế bị ảnh hưởng rất lớn. Kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh mẽ. Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá, năm nay, ASEAN tăng trưởng kinh tế âm 2%, thế giới tăng trưởng âm 4,9%. Điều đó dẫn đến hầu hết các nước nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ. Đến nay, giá trị các gói kích thích, hỗ trợ nền kinh tế của các nước đã khoảng 11.000 tỷ USD và có thể còn tiếp tục mở rộng. Mức bội chi ngân sách của nhiều nước được điều chỉnh tăng lên.

Trước bối cảnh đó, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh sớm nhờ đối sách phù hợp, quyết sách kịp thời, ba tháng qua không có ca nhiễm trong cộng đồng. Tăng trưởng kinh tế nửa năm qua chỉ 1,81%, dù thấp nhất trong vòng 10 năm nhưng là mức cao của khu vực. Điều đó cho thấy, việc thực hiện mục tiêu kép đã bước đầu đem lại hiệu quả, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa không để nền kinh tế đứt gãy, đồng thời tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội.

Nhấn mạnh ổn định vĩ mô tiếp tục là mục tiêu quan trọng của cả nền kinh tế, Thủ tướng cho rằng nền kinh tế vẫn tiềm ẩn những rủi ro, nhất là giá một số mặt hàng quan trọng như dầu thô, giá thịt lợn biến động từ đầu năm. Thủ tướng nhấn mạnh, phải kiểm soát Chỉ số giá tiêu dùng cả năm dưới 4%, cùng với đó là khai thác dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy phát triển; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trong điều kiện thị trường quốc tế bị thu hẹp, cầu nội địa giảm, cần có những giải pháp để kích thích xuất khẩu và kích cầu nội địa.

Cơ bản nhất trí nội dung Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan thường trực Hội đồng và những ý kiến đề xuất, kiến nghị tâm huyết của các thành viên Hội đồng, các chuyên gia tại buổi làm việc, Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị liên quan tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thống nhất với các ý kiến của Hội đồng nhận định Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển, nhờ sớm kết thúc dịch bệnh, nền tảng vĩ mô ổn định, môi trường thuận lợi; cần quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa nền kinh tế vượt lên, thu hút mạnh mẽ các luồng vốn đầu tư; tận dụng tốt cơ hội phát triển kinh tế-xã hội đi liền với phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt là cần tận dụng quy mô dân số gần 100 triệu dân.

Hội đồng thống nhất quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành thời gian tới cần có quyết sách mới, chủ động hơn nữa, tích cực, trách nhiệm hơn nữa trước Đảng, trước nhân dân. Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong kiểm soát chặt chẽ, không để dịch bệnh trở lại. Đây là điều kiện tiên quyết. Điều hành chủ động hơn nữa, linh hoạt hơn nữa các công cụ, chính sách tài khóa, tiền tệ, giữ được mục tiêu kích thích tổng cầu để tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn sản xuất và đời sống, giữ vững ổn định vĩ mô; duy trì niềm tin chỉ đạo điều hành.

Các ngành có liên quan như tài chính, kế hoạch, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước và các bộ có chức năng phải làm tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất kịp thời.

Thủ tướng sẵn sàng tiếp nhận ý kiến, khuyến cáo của các đồng chí khi cần thiết để điều hành chính sách. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường quốc tế, thị trường trong nước; có đối sách phù hợp, kịp thời. Muốn vậy phải có hệ thống đội ngũ chuyên gia phân tích, dự báo tốt.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Về kịch bản tăng trưởng lạm phát, Hội đồng thống nhất kịch bản tăng trưởng từ 3 đến 4 %. Các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng theo từng quý, thường xuyên kiểm điểm, đánh giá thực hiện và có đối sách những vấn đề cấp bách phát sinh.

Thủ tướng nêu rõ, Hội đồng đề xuất Chính phủ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng. Theo đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả tháo gỡ khó khăn và tổ chức kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống của người dân. Song song với đó là chấn chỉnh, tháo gỡ những điểm bất hợp lý, hướng nhiều hơn đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất khó khăn.

Bên cạnh đó là nghiên cứu dài hơi hơn từ nay đến 2021 để xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ, kích thích kinh tế những vấn đề trọng tâm cần giải quyết của các ngành, lĩnh vực trung hạn; trong đó có vấn đề tăng bội chi, huy động thêm nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và đời sống; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

"Mục tiêu cụ thể là 2020 tăng trưởng tín dụng trên 10%," tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3 đến 4% GDP để có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn; không để đứt gãy, mất năng lực sản xuất ở các ngành, lĩnh vực trọng yếu.

Cùng với đó là tiếp tục xem xét giảm lãi suất ngân hàng; tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, công tác quốc tế trong nước dành nguồn lực cho những nhiệm vụ cấp bách, chống dịch, hỗ trợ kịp thời cho người dân và doanh nghiệp. Ngành tài chính tiếp tục giảm, miễn giảm thuế, phí, lệ phí.

Về giải pháp phát triển, Thủ tướng chỉ đạo đổi mới sáng tạo, thúc đẩy vật liệu mới, năng lượng mới, mô hình mới, làn sóng đầu tư mới. Thủ tướng một lần nữa nhắc lại yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc kịp thời điều chuyển vốn đối với những bộ, ngành, địa phương chậm trễ trong lĩnh vực này.

Tập trung kích cầu nội địa phát triển mạnh mẽ thị trường 100 triệu dân, đặc biệt không để mất thị trường quốc tế bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn; nghiên cứu thị trường mới, đẩy mạnh thanh toán điện tử.

Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề then chốt đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện thể chế, chính sách và cải cách hành chính để tạo môi trường kinh doanh có khả năng cạnh tranh tốt hơn trong khu vực và quốc tế nhằm mục tiêu thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, thu hút luồng dịch chuyển đầu tư khu vực quốc tế, sự dịch chuyển lớn trên toàn cầu. Cơ chế chính sách phải tái cơ cấu nền kinh tế, các ngành, các lĩnh vực.

Thủ tướng đề nghị các thành viên trong Hội đồng hỗ trợ cho Chính phủ công tác xây dựng chính sách ở các cấp, các ngành đặc biệt các ngành kinh tế tổng hợp, tài chính, kế hoạch, ngân hàng... Song song với đó, các ngành có liên quan phải lắng nghe thường xuyên, đối thoại, giải quyết các kiến nghị người dân, doanh nghiệp; xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Hoàn cảnh đặc biệt hiện nay đòi hỏi phải có chính sách đặc biệt, nhất là đối với những lĩnh vực mới, xu hướng sản xuất kinh doanh mới, hướng tiêu dùng mới.

Thủ tướng tán thành với các ý kiến tại buổi làm việc đẩy mạnh hơn nữa truyền thông, tạo đồng thuận xã hội để thống nhất ý chí; qua đó góp phần củng cố niềm tin toàn xã hội với khí thế mới thúc đẩy nền kinh tế trong lúc khó khăn như hiện nay./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1073
Quay lên trên