Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ để phát triển bền vững

Cập nhật: 23-04-2020 | 08:08:43

 Việc đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) theo hướng chuyên môn hóa sẽ tạo điều kiện để công nghiệp Bình Dương phát triển bền vững.

 Sản xuất CNHT tại Công ty CNC, Khu công nghiệp Đồng An, TP.Thuận An

 Tiền đề quan trọng

Năm 2019, qua khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh trên 122 doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm CNHT thuộc 5 ngành công nghiệp, gồm: Dệt - may, da - giày, điện tử, cơ khí chế tạo, sản xuất lắp ráp ô tô có 66 DN CNHT trên địa bàn tỉnh cung cấp sản phẩm cho các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh trong phạm vi toàn quốc.

Trong chiến lược phát triển, Bình Dương ưu tiên thu hút DN sản xuất sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển của tỉnh. Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, Bình Dương chú trọng ưu tiên phát triển các ngành CNHT, sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng CNHT. Trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời gọi đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh các dự án thuộc lĩnh vực CNHT. Đồng thời, để thu hút nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong và ngoài nước, Bình Dương đã và đang khuyến khích DN phát triển sản xuất, kinh doanh từng nhóm sản phẩm hỗ trợ thích ứng.

Một lợi thế của Bình Dương hiện nay là quỹ đất để phát triển cụm CNHT. Với vị thế là một trong những trung tâm lớn về phát triển công nghiệp của cả nước, quỹ đất cho phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng là khá lớn. Trên địa bàn tỉnh tồn tại 7 vùng sản xuất công nghiệp với tổng diện tích ước tính khoảng 20.000 ha. Như vậy, sau khi khấu trừ với quỹ đất công nghiệp đã đi vào hoạt động, diện tích đất cho phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và sau năm 2020 là khoảng 17.700 ha, trong đó chủ yếu là đất khu công nghiệp. Thêm vào đó, tỉnh cũng chủ trương hạn chế thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp.

Xét dưới góc độ sản xuất, hiện nay, tuy Bình Dương đã có bước phát triển về CNHT song chưa đáp ứng được nhu cầu của các DN xuất khẩu, DN FDI để hình thành nên chuỗi cung ứng, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp. Chính điều này đặt ra một nhu cầu bức thiết phải đẩy mạnh phát triển các cụm sản xuất sản phẩm CNHT để công nghiệp của tỉnh đi theo hướng bền vững hơn.

Tiến sĩ Dương Như Hùng, Trưởng khoa Quản lý công nghiệp - Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, cho rằng chính việc phát triển các cụm công nghiệp để thu hút các DN sản xuất sản phẩm CNHT là phù hợp so với phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ. Lý do là các DN sản xuất các sản phẩm CNHT thường có quy mô nhỏ, nhu cầu sử dụng đất thấp trong khi các khu công nghiệp cho thuê đất với diện tích lớn, vượt quá khả năng các DN CNHT. Trong tổng số 15 cụm công nghiệp được quy hoạch của tỉnh đến năm 2020 hầu hết là cụm công nghiệp đa ngành, không có cụm công nghiệp dành riêng cho CNHT.

Phát triển cụm công nghiệp chuyên ngành

Tiến sĩ Dương Như Hùng cho rằng thực tiễn kinh nghiệm phát triển các cụm CNHT trên thế giới, từ những nước có lịch sử phát triển công nghiệp lâu đời như Mỹ đến những nước đang phát triển với kinh nghiệm khiêm tốn, đều xây dựng các cụm công nghiệp tập trung cho từng ngành. Trong đó, việc bố trí các DN hỗ trợ gần hoặc bao quanh DN sản xuất sẽ tạo điều kiện cho DN có được nguồn cung cấp phụ tùng linh kiện tại chỗ, giúp giảm chi phí và thời gian giao hàng… Do vậy, việc phát triển cụm CNHT chuyên ngành sẽ hiệu quả hơn cụm CNHT nhiều ngành. Điều này sẽ tạo mối liên kết cụm ngành trong sản xuất công nghiệp. Nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có cùng quốc gia hoặc cùng hiệp hội hoạt động trong một khu, cụm công nghiệp sẽ cung ứng sản phẩm cho nhau, hình thành nên chuỗi cung ứng tại chỗ.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương

Sở Công thương hiện đang nỗ lực triển khai đề án quy hoạch và phát triển các cụm CNHT. Trên cơ sở khoa học và thực tiễn về phát triển cụm CNHT phục vụ các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh do nhóm nghiên cứu đề án cung cấp, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh trong việc hình thành cụm công nghiệp hỗ trợ, bố trí các DN sản xuất sản phẩm CNHT, tạo thuận lợi trong việc kết nối giữa DN. Sản phẩm CNHT bao gồm 6 lĩnh vực: Dệt may, da giày, điện tử; sản xuất, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, các sản phẩm CNHT cho công nghiệp công nghệ cao.

Hơn thế, trong xu thế hội nhập, việc phát triển được cụm công nghiệp chuyên ngành, chuyên sâu phục vụ cho DN sản xuất thì các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam sẽ đáp ứng được những quy định khắt khe của các hiệp định thương mại (FTA) đơn phương và đa phương về tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm xuất khẩu để được hưởng các thuế suất ưu đãi theo lộ trình cam kết của FTA, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp địa phương.

Tuy nhiên, để phát triển mạnh ngành CNHT chuyên sâu, DN cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành về định hướng vĩ mô và cả những ưu tiên chính sách. Ông Đào Minh Ngọc, Giám đốc Công ty Phương Vy (TP. Thuận An), cho rằng việc thúc đẩy phát triển các cụm công nghiệp chuyên sâu sẽ giúp DN chuyên sâu hơn trong sản xuất bằng sự đầu tư bài bản về công nghệ. Đây cũng là biện pháp hóa giải rào cản kỹ thuật được các nước tham gia FTA với Việt Nam áp dụng. Bên cạnh đó, tỉnh cần xem xét tạo điều kiện ưu đãi thuê đất, hỗ trợ các đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển, chuyển giao ứng dụng và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.

KHẢI ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=436
Quay lên trên