Năm 2020, tỉnh Bình Dương tiếp tục thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ. Đây là một trong những tiền đề quan trọng góp phần xây dựng thành phố thông minh đúng với tinh thần của Nghị quyết số 52-NQ/TW mà Bộ Chính trị vừa ban hành. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Cuộc thi Robocon sinh viên tỉnh Bình Dương do trường Đại học Việt Đức tổ chức. Ảnh: TIỂU MY
- Thưa ông, năm 2019 vừa qua tỉnh Bình Dương tiếp tục có những thành công trên trường quốc tế, điển hình như được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh là 1 trong 21 đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu thế giới năm 2020, Bình Dương trở thành thành viên của Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới… Những sự kiện này có ý nghĩa như thế nào để tạo bước phát triển đột phá cho tỉnh trong năm 2020 và những năm tiếp theo?
- Những sự kiện này một lần nữa khẳng định hướng phát triển thành phố thông minh đúng đắn, hiệu quả của tỉnh, phù hợp xu thế thế giới, đồng thời cũng khẳng định vị thế mới của Bình Dương trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, những sự kiện này tiếp tục mở ra cơ hội hợp tác kinh tế - xã hội, trao đổi kinh nghiệm, với mạng lưới hơn 180 thành phố thông minh thịnh vượng khắp thế giới của ICF. Dấu mốc này cũng tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; là tiền đề để Bình Dương tiếp tục bứt phá trong thu hút đầu tư nước ngoài, lao động tri thức, các viện trường trên thế giới; là nền tảng để phát triển dịch vụ, sản xuất công nghệ cao trong tương lai.
- Việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tạo ra làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ, là một trong những tiền đề quan trọng để góp phần xây dựng thành phố thông minh. Vậy tỉnh đã và đang có những hoạt động cụ thể nào trong việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo nhằm tạo đà phát triển thành phố thông minh Bình Dương, thưa ông?
- Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, hỗ trợ khởi nghiệp, khuyến khích tinh thần doanh nhân, xây dựng môi trường kinh doanh tốt cho các doanh nghiệp mới, mở rộng kết nối các doanh nghiệp hiện hữu được Đề án xây dựng thành phố thông minh xem là mục đích hàng đầu, nằm trong danh sách 12 cụm dự án trọng điểm.
Hiện tỉnh đang từng bước triển khai vào thực tiễn chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đã được biên soạn và thông qua năm 2019. Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp cũng sẽ đưa vào hoạt động chính thức trong năm 2020. Đây sẽ là mái nhà chung để liên kết hỗ trợ khởi nghiệp, các sáng kiến mới, kết nối với các viện, trường, các vườn ươm… Năm 2020, tỉnh sẽ tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình trong nước và quốc tế, phối hợp với các đơn vị phù hợp để vận hành hiệu quả trung tâm.
Trong khi đó, Vườn ươm doanh nghiệp Becamex Business Incubator tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông đang hoạt động rất thành công 2 năm qua, năm nay sẽ tiếp tục nâng cao thu hút khởi nghiệp, và các nhà đầu tư khởi nghiệp. Còn trường Đại học Thủ Dầu Một trong năm nay cũng sẽ hoàn thành mạng lưới hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, sân chơi khởi nghiệp, tổ chức ươm tạo ý tưởng khởi nghiệp từ các đề tài nghiên cứu khoa học.
Tỉnh cũng hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng của tỉnh thành lập các phòng thực nghiệm công nghệ (Fablab, TechLab), phòng thực nghiệm 4.0... để những ý tưởng mới có thể được thử nghiệm, nếu phù hợp sẽ là tiền đề để tiến đến ươm tạo doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh kết nối “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp), đồng thời tiếp tục tổ chức các cuộc thi sáng tạo khoa học - công nghệ, khởi nghiệp, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và tìm ra những ý tưởng hay, thực tế để ươm tạo.
Đặc biệt, vừa qua Tổng Công ty Becamex đã ký kết với Đại học Quốc gia Singapore để trong năm 2020 triển khai đi vào thực tế tòa nhà Block71 - là mô hình tòa nhà thúc đẩy khởi nghiệp rất thành công của Đại học Quốc gia Singapore và đang được nhân rộng ra nhiều nước. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục phát triển nhà máy bán dẫn công đoạn Back-end đầu tiên, coi đây là ví dụ điển hình để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao vào tỉnh.
- Xin ông cho biết, năm 2020 các hoạt động trọng tâm sẽ được triển khai như thế nào để từng bước tạo nền tảng góp phần xây dựng thành phố thông minh Bình Dương?
- Kế hoạch 2020 được soạn và phân công đầy đủ, chi tiết, với sự tham gia đóng góp của 23 đơn vị, sở, ngành, viện, trường học, doanh nghiệp tại tỉnh. Sau nhiều cuộc họp, Ban điều hành thành phố thông minh quyết định sẽ tập trung 12 cụm dự án trọng điểm, bao gồm tham gia các cuộc thi và hoạt động của ICF để từng bước nâng vị thế của Bình Dương, phấn đấu vào tốp có vị trí cao trong các đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu thế giới năm 2020; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường sáng tạo, thúc đẩy khoa học - công nghệ, ứng dụng vào thực tiễn trong tất cả các cấp; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, hỗ trợ khởi nghiệp, khuyến khích tinh thần doanh nhân, xây dựng môi trường kinh doanh tốt cho các doanh nghiệp mới, mở rộng kết nối các doanh nghiệp hiện hữu. Cùng với đó là sản xuất thông minh và khu công nghiệp khoa học - công nghệ; phát triển khu công nghiệp khoa học - công nghệ là một trong những dự án trọng điểm, mũi nhọn để tạo ra đột phá mang tính nền tảng cho việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nhằm thu hút đầu tư sản xuất có giá trị gia tăng cao, trên nền tảng là hợp tác “ba nhà”, thúc đẩy các ngành công nghiệp chiến lược của vùng và hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ ứng dụng vào thực tiễn, khởi nghiệp, ươm tạo và thu hút các công ty công nghệ; xây dựng hệ sinh thái chuỗi cung ứng, logistics thông minh; thu hút các doanh nghiệp và viện, trường trong và ngoài nước, đặc biệt chú trọng về công nghệ thông tin, truyền thông và sản xuất tiên tiến cùng vào đầu tư, tham gia vào công tác nghiên cứu, thử nghiệm, thí điểm các dự án mới, cùng tích cực hợp tác trong các dự án của tỉnh, thúc đẩy xây dựng hệ thống công nghệ số hóa thông minh, chính quyền điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung… đặc biệt là hạ tầng băng thông rộng.
Tiếp tục triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu, chính quyền điện tử, cải cách hành chính và dịch vụ công, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đặc biệt là trong hỗ trợ người dân; tiếp tục phát triển từng bước Trung tâm điều hành thành phố thông minh, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, khởi đầu bằng trung tâm đường dây nóng 1022 đã khánh thành trong năm 2019. Đây là đầu mối tiếp nhận và phản hồi kịp thời thông tin cho người dân qua nhiều kênh, phương tiện; tiếp tục đẩy mạnh dự án chiếu sáng LED đến các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, cũng như dùng đèn LED để tạo hiệu ứng mỹ thuật; truyền thông và quảng bá về Đề án thành phố thông minh và các dự án cụ thể, như triển khai công tác truyền thông đa phương tiện, tập trung thông điệp cụ thể, có chiều sâu hơn là những thông điệp mang tính quảng bá; chú trọng truyền tải đến từng người dân, doanh nghiệp và từng bước đẩy mạnh ra quốc tế.
Tiếp tục tổ chức sự kiện lớn tầm vóc thế giới, ưu tiên triển khai thành chuỗi các sự kiện thành phố thông minh nhằm phối hợp nguồn lực, nâng cao sự đồng bộ như thành công năm 2019, mang đến nhiều ý nghĩa to lớn, thực tiễn cho tỉnh cả về thương hiệu lẫn thu hút đầu tư, trao đổi học hỏi kinh nghiệm, công nghệ, nhân lực…; phát triển các chương trình phát triển bền vững (năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, công khai thông tin cho người dân...), tạo dựng một môi trường sống tốt cho người dân, thu hút chuyên gia đến sống và làm việc, tạo dựng thương hiệu Bình Dương thông minh, xanh, sạch và sống tốt.
- Xin cảm ơn ông!
TIỂU MY (thực hiện)