Từ năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) giai đoạn 2020-2030. Định hướng chung của đề án nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở NN&PTNT và Trung tâm Truyền thông và Xúc tiến thương mại hữu cơ Việt Nam
Hành trình dài, gian khó
Hiện toàn tỉnh có diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt khoảng 5.763,5ha, diện tích nông nghiệp đô thị khoảng 172,2ha. Trong đó có khoảng 600ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ trên các loại cây có múi (khoảng 250ha), rau (trên 25ha), cây ăn quả khác (trên 260ha)...
Công ty Cổ phần Vinamit (huyện Phú Giáo) là doanh nghiệp chế biến tiên phong đầu tư trang trại quy mô lớn sản xuất hữu cơ tại Việt Nam và xuất khẩu tốt vào các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu (EU)... Công ty có tổng diện tích lên đến hơn 150ha, với hơn 54 giống cây trồng, đã đạt được chứng nhận canh tác hữu cơ và nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic hữu cơ USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) và Organic hữu cơ EU. Theo chia sẻ từ đại diện Công ty Cổ phần Vinamit, canh tác hữu cơ cần quá trình đầu tư dài hơi, tốn kém, sản phẩm hữu cơ chưa thể có giá rẻ và bán đại trà.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, hiện nay, các trang trại trên địa bàn tỉnh đang ngày càng chú trọng nhiều hơn đến sản xuất hữu cơ, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn nông sản. Sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất cũng là lựa chọn thay thế hàng đầu cho phân hóa học khi cho hiệu quả cao hơn mà không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Phân bón hữu cơ vi sinh chứa nhiều vi sinh vật có lợi cho cây trồng, giúp đất tơi xốp, giữ được độ ẩm, không làm bạc màu đất. Ngoài ra, phân bón hữu cơ vi sinh còn cung cấp gần như đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng khả năng miễn dịch của cây trồng, giúp năng suất tăng thêm 20% so với khi sử dụng phân bón vô cơ.
Là một trong những người có kinh nghiệm lâu năm trong trồng trọt các loại cây có múi và áp dụng nhiều tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch, ông Đoàn Minh Chiến (chủ trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến, huyện Bắc Tân Uyên) cũng đã áp dụng sản xuất NNHC. Ông Đoàn Minh Chiến chia sẻ, thực hiện việc đổi mới sản xuất nông nghiệp, trang trại cũng mạnh dạn áp dụng các quy chuẩn sản xuất NNHC vào cam, bưởi. So với các quy chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch khác, sản xuất NNHC đòi hỏi phương pháp canh tác kỹ hơn, tuân thủ nghiêm ngặt hơn và trang trại cũng đang từng bước áp dụng các công nghệ mới trong sản xuất NNHC vào các sản phẩm chủ lực.
Định hướng nhân rộng
UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 2672 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển NNHC giai đoạn 2020-2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó xác định được cụ thể các vùng tập trung có tiềm năng theo quy mô, địa điểm, cây trồng, vật nuôi để phát triển theo hướng hữu cơ đến năm 2030.
Trên cơ sở này, Sở NN&PTNT đã tổ chức buổi ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở NN&PTNT và Trung tâm Truyền thông và Xúc tiến thương mại hữu cơ Việt Nam về việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển NNHC tỉnh giai đoạn 2020-2030. Theo đó, hối hợp trong công tác triển khai kế hoạch thực hiện đề án theo chuỗi giá trị gắn liền sản xuất với bao tiêu sản phẩm. Kết nối trong lĩnh vực xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp, NNHC và các giải pháp chuyển đổi số.
Mặt khác, tư vấn, đào tạo và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao mô hình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị về NNHC. Tham gia tổ chức các chương trình hội thảo, hội chợ, sơ kết, tổng kết về NNHC. Định hướng phát triển hữu cơ chủ lực; tham gia và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và ngoài nước với sản phẩm NNHC. Truyền thông về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tỉnh Bình Dương về định hướng phát triển NNHC. Phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sản xuất, người tiêu dùng về NNHC và sản phẩm hữu cơ...
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT mong muốn rằng, Trung tâm Truyền thông và Xúc tiến thương mại hữu cơ Việt Nam sẽ là đơn vị triển khai, thực hiện Đề án Phát triển NNHC của tỉnh trong giai đoạn 2020-2030. Bản ghi nhớ hợp tác là căn cứ pháp lý để cùng phối hợp và xúc tiến các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Bình Dương. Đồng thời, ông Phạm Văn Bông hy vọng ngành nông nghiệp tỉnh nhà sẽ đi đầu trong cả nước về NNHC, đưa ngành nông nghiệp vươn lên một tầm cao mới.
THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC