Thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật

Cập nhật: 01-04-2022 | 08:44:25

Nhằm báo cáo, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra khó khăn, vướng mắc trong thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật thời gian qua, bàn giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai hiệu quả thời gian tới, UBND tỉnh vừa phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật.

 Bình Dương là một trong những tỉnh tiên phong xây dựng thành công nhiều vùng an toàn dịch bệnh, quản lý an toàn thực phẩm bảo đảm yêu cầu phục vụ xuất khẩu. Trong ảnh: Hệ thống trại chăn nuôi Vĩnh Tân, xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng

Tăng trưởng ở mức cao

Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2021 lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực động vật và sản phẩm động vật như sữa, mật ong, trứng, tổ yến, thịt heo, thịt gà, bột cá, tôm, cá tra… được xuất khẩu đến nhiều thị trường lớn, khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Hồng Kông, Singapre, Trung Đông… với số lượng tăng vọt so với năm 2020. Hai tháng đầu năm 2022 nhiều mặt hàng, sản phẩm động vật tiếp tục tăng như gia cầm giống, tôm giống, cá cảnh, sữa và sản phẩm sữa…

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết năm 2021 là năm cực kỳ khó khăn nhưng lại là cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam với tăng trưởng xuất khẩu trên 20%, thặng dư kinh tế hàng tỷ đô la. Đây là kết quả của sự chuyển hướng từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp chuỗi cung ứng khép kín. Bên cạnh việc tổ chức, hướng dẫn doanh nghiệp, trang trại, nông dân xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn OIE, nâng cao hiệu quả chất lượng và yêu cầu về tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, ngành nông nghiệp còn đẩy mạnh xúc tiến, đàm phán mở cửa thị trường, trang bị kiến thức thị trường cho nhà nông, doanh nghiệp.

Tại hội nghị, đại diện ngành nông nghiệp và các địa phương đã kiến nghị tập trung vào nhiều vấn đề cần giải quyết, như: Có biện pháp giảm chi phí nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào; hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào sản xuất; hỗ trợ địa phương xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật theo OIE hướng tới xuất khẩu; thường xuyên cung cấp các điều kiện của các quốc gia, vùng lãnh thổ có hiệp định xuất, nhập khẩu để tổ chức, cá nhân biết. Đồng thời, cần tổ chức các hội nghị thương mại, xúc tiến đầu tư để người chăn nuôi, doanh nghiệp có điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi, liên kết xây dựng chuỗi sản xuất và xuất khẩu; cần xây dựng dữ liệu về tổng đàn vật nuôi sát thực tế để có cơ sở tính toán sản lượng thịt trung bình tiêu thụ trong nước nhằm có kế hoạch phát triển.

Hội nghị đã nhận được nhiều tham luận giá trị của các đại biểu, góp phần khắc phục khó khăn, thiếu sót, mở ra hướng chăn nuôi sản xuất mới, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, thuận lợi cho xuất khẩu trong thời gian tới. Bình Dương đã có văn bản định hướng phát triển ngành chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại. Các doanh nghiệp chăn nuôi kết hợp thú y hình thành chuỗi sản xuất khép kín (từ trang trại đến nhà bếp), vừa đáp ứng thị hiếu thị trường vừa phát triển mạnh doanh số, sản phẩm. Cũng tại hội nghị, các địa phương kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ hình thành chuỗi cung ứng, tập huấn, trang bị kiến thức xuất khẩu, tìm hiểu thị trường, tổ chức hình thành vùng an toàn dịch phù hợp với những tiêu chuẩn thị trường hàng hóa xuất khẩu...

Hướng tới mục tiêu xuất khẩu

Trong năm 2021, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật và thức ăn chăn nuôi tăng trưởng ở mức cao cả về số lượng và kim ngạch (đạt trên 1,5 tỷ USD) trong đó có phần đóng góp quan trọng của ngành chăn nuôi. Bình Dương là một trong những tỉnh tiên phong xây dựng thành công nhiều vùng an toàn dịch bệnh, quản lý an toàn thực phẩm bảo đảm yêu cầu phục vụ xuất khẩu.

Trong những năm gần đây ngành chăn nuôi của Bình Dương được duy trì phát triển ổn định, cơ cấu được chuyển đổi mạnh mẽ từ chăn nuôi quy mô nông hộ sang quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh có khoảng 912.000 con, trong đó chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 60%; tổng đàn gia cầm có khoảng 13,9 triệu con, trong đó chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 70%. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, tổng đàn heo tăng trung bình khoảng 9%/năm, tổng đàn gia cầm tăng trung bình khoảng 7%/năm.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, ngành chăn nuôi của tỉnh đã cung ứng ra thị trường trên 500.000 con heo thịt và trên 3,9 triệu con gà thịt, thực hiện kiểm soát giết mổ tại địa phương trên 200.000 con heo và trên 4 triệu con gia cầm. Qua đó, đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ thịt động vật, sản phẩm động vật cho thị trường trong tỉnh; cung ứng một phần cho thị trường tiêu thụ khu vực Đông Nam bộ và có khả năng hướng tới mục tiêu xuất khẩu.

Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho rằng việc tổ chức hội nghị thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các ngành, các cấp, các địa phương. Đây được xem là sự khởi đầu trong việc kết nối thông tin giữa cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp để tìm ra các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, góp phần không ngừng nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi trong thời gian tới. Trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, việc nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi là vấn đề rất cần được quan tâm. Tỉnh mong lãnh đạo bộ, các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm đề xuất giải pháp, tạo điều kiện thúc đẩy việc sản xuất và phát triển xuất khẩu sản phẩm ngành chăn nuôi nhằm nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩn chăn nuôi của các địa phương.

 Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về việc thực hiện xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên gia cầm để hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Năm 2018, tỉnh là địa phương đầu tiên trên cả nước đã có 4 vùng chăn nuôi được công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh cúm gia cầm, bệnh Niu-cát-xơn trên gà tại các huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên. Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có thêm 1 vùng chăn nuôi được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh cúm gia cầm tại TX.Bến Cát.

 THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên