Thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TW: : Xây dựng hài hòa mối quan hệ lao động

Cập nhật: 07-08-2014 | 09:05:10

Thực hiện Chỉ thị số 22/ CT-TW, ngày 5-6-2008 của Ban Bí thư (khóa X) về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động (LĐ) hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp (DN), thời gian qua cấp ủy các cấp, hệ thống chính quyền và các ngành liên quan của tỉnh đã có nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo nhằm hạn chế, phòng ngừa tranh chấp LĐ tập thể, đình công trái pháp luật ở các DN…

Thực hiện Chỉ thị số 22/ CT-TW, ngày 5-6-2008 của Ban Bí thư (khóa X) về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động (LĐ) hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp (DN), thời gian qua cấp ủy các cấp, hệ thống chính quyền và các ngành liên quan của tỉnh đã có nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo nhằm hạn chế, phòng ngừa tranh chấp LĐ tập thể, đình công trái pháp luật ở các DN…
Đối thoại, giải quyết vướng mắc
Là một trong những địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh trong cả nước, Bình Dương đã thu hút hàng trăm ngàn LĐ đến làm việc, sinh sống. Quá trình LĐ tại các DN, vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã xảy ra những mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp LĐ tập thể và đình công. Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, các vụ tranh chấp LĐ tập thể chủ yếu xảy ra ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài mà nguyên nhân phần lớn bắt nguồn từ việc người sử dụng lao động (NSDLĐ) vi phạm các quy định của pháp luật LĐ, chất lượng bữa ăn chưa bảo đảm, thu nhập thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của đời sống…

Những buổi đối thoại giữa NLĐ, DN và tổ chức công đoàn đã góp phần tạo mối quan hệ hài hòa
trong DN


Để hạn chế thấp nhất các vụ tranh chấp LĐ tập thể, thời gian qua các cấp ủy Đảng và chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đã có nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Một trong những giải pháp đó là tỉnh đã thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 22 của Ban Bí thư (khóa X) về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ LĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN. Các sở, ngành liên quan đã xây dựng nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, vận động người lao động (NLĐ), NSDLĐ chấp hành tốt các quy định của pháp luật LĐ và hợp tác xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định trong DN.

Số vụ tranh chấp LĐ
tập thể, đình công
giảm 50%
Theo UBND tỉnh,
trong 6 tháng đầu năm
2014, toàn tỉnh xảy ra
27 vụ tranh chấp LĐ
tập thể, đình công,
giảm 50% số vụ và giảm
74,5% số người tham gia
so cùng kỳ.


Ông Nguyễn Thiện Phước, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, trong quá trình hoạt động, các tổ chức công đoàn cơ sở trong DN luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ lên hàng đầu. Các tổ chức công đoàn cơ sở đã thường xuyên tổ chức đối thoại giữa NSDLĐ với công nhân LĐ để kịp thời giải quyết những vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của LĐ nhằm tìm tiếng nói chung để hạn chế thấp nhất những mâu thuẫn phát sinh có thể gây ra tranh chấp tập thể. Ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, Chỉ thị 22 của Ban Bí thư (khóa X) “Về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ LĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN ” thực sự làm chuyển biến nhận thức và hành động của NLĐ cũng như NSDLĐ. Việc thực hiện các giải pháp của chỉ thị đã góp phần quan trọng trong xây dựng mối quan hệ LĐ hài hòa, từ đó đã giảm dần các vụ đình công trên địa bàn.
Nắm bắt tâm tư, giải quyết kịp thời
Để hạn chế các tranh chấp LĐ, Bình Dương đã triển khai thực hiện đề án tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với LĐ nhằm cung cấp những kiến thức pháp luật LĐ đến với công nhân LĐ cũng như NSDLĐ. Đặc biệt, Bình Dương đã duy trì đều đặn hoạt động tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh và các ngành liên quan với công nhân LĐ, cán bộ công đoàn cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như kịp thời giải quyết các kiến nghị của công nhân, tổ chức công đoàn… Đây là một trong những “kênh” quan trọng góp phần xây dựng mối quan hệ LĐ hài hòa, bền vững. Mặt khác, để hạn chế tranh chấp LĐ, đình công, ngay từ năm 2006, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo tỉnh về giải quyết tranh chấp LĐ tập thể và đình công không theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Ban chỉ đạo đã phối hợp có hiệu quả với các ngành chức năng, các cơ quan, tổ chức liên quan phòng ngừa và tham gia giải quyết tranh chấp LĐ và đình công trên địa bàn.
Phát biểu mới đây tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 22 của Ban Bí thư, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Cành cho rằng, sở dĩ Bình Dương hạn chế được nhiều vụ tranh chấp LĐ tập thể, đình công trong những năm gần đây chính là nhờ tỉnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 22 của Ban Bí thư. Bên cạnh đó tỉnh đã duy trì hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đại diện NLĐ, tổ chức công đoàn cũng như thực hiện có hiệu quả đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với NLĐ; duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo tỉnh về giải quyết tranh chấp LĐ tập thể và đình công không theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định… Đây cũng là những giải pháp sẽ được tỉnh duy trì tổ chức trong thời gian tới nhằm giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ tranh chấp LĐ, từ đó hạn chế đình công góp phần xây dựng hài hòa mối quan hệ LĐ, giúp ổn định tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như an ninh trật tự trên địa bàn.


ĐÌNH HẬU
 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên