Kỳ cuối: Vì đô thị Bình Dương văn minh, hiện đại
Thực hiện xây dựng và phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống người dân, Bình Dương đã huy động và phát huy nguồn lực từ các thành phần kinh tế một cách hiệu quả để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi nhanh chóng diện mạo đô thị tỉnh nhà.
Bình Dương đã huy động tốt mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Trong ảnh: Một góc thành phố mới Bình Dương. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Huy động nhiều nguồn vốn phát triển đô thị
Trong giai đoạn 2016-2017, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh ước đạt 154.114 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là 61.240 tỷ đồng. Công tác bố trí và sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách được tỉnh quan tâm chỉ đạo, bảo đảm hiệu quả. Tổng vốn đầu tư từ ngân sách giải ngân là 12.507,972 tỷ đồng, tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, không có khả năng thu hồi vốn, các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng để thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư.
Thời gian qua, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo và các cấp, các ngành chủ động phối hợp để giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Bên cạnh đó, việc điều hành thu - chi ngân sách bảo đảm chặt chẽ, linh hoạt. Hàng năm tỉnh luôn rà soát, xác định các nguồn bổ sung để tăng nguồn đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu cân đối cho đầu tư phát triển. Tỉnh đã huy động, thu hút được nhiều nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông đối ngoại quan trọng. Các công trình này, tỉnh thực hiện theo hướng đồng bộ liên hoàn, ưu tiên kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với các đường huyện với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Có thể kể đến các công trình đoạn tuyến trùng với các đường vành đai như đường Mỹ Phước - Tân Vạn (đoạn tuyến đường Vành đai 3), cầu Thới An, đường từ cầu Thới An đến đường ĐT748…
Bình Dương cũng phối hợp với tỉnh Đồng Nai xây dựng cầu Bạch Đằng 2 (kết nối với huyện Vĩnh Cửu), đồng thời đang triển khai phối hợp với tỉnh Tây Ninh đầu tư đường và cầu 6 làn xe kết nối từ ngã ba Đất Sét đến xã Đất Cuốc, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), qua sông Sài Gòn đấu nối vào ĐT744 đoạn qua khu phố 6, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng… Những công trình này, cùng với những công trình giao thông đối ngoại đã được đầu tư trước đó như quốc lộ 13, ĐT741, ĐT743, ĐT744, cầu Thủ Biên… đã phát huy vai trò tích cực trong kết nối giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu đầu tư hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và nâng cấp, chỉnh trang các đô thị, những năm qua Bình Dương đã huy động nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển đô thị. Kết quả cho thấy, đến nay đô thị Thủ Dầu Một đạt tiêu chí đô thị loại I; tỉnh đã hoàn thành việc nâng cấp các đô thị Thuận An, Dĩ An lên đô thị loại III; hiện đang tiếp tục thực hiện nâng cấp đô thị Thuận An, Dĩ An lên đô thị loại II, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát lên đô thị loại III theo lộ trình nâng cấp đô thị…
Xây dựng đô thị văn minh, giàu đẹp
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết trong điều kiện ngân sách có hạn, Bình Dương vẫn bảo đảm cơ bản nhu cầu an sinh xã hội của nhân dân thông qua hình thức xã hội hóa, từ đó bảo đảm và đáp ứng ngày càng cao nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Trên cơ sở kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã có báo cáo số 67/BC-UBND ngày 26-4-2017 về tình hình cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2011-2015, định hướng và đề xuất giải pháp cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2016-2020. Báo cáo này nêu rõ nhu cầu huy động các nguồn lực ngoài ngân sách tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giai đoạn 2016-2020 và đề xuất các giải pháp nhằm cơ cấu lại đầu tư công trong giai đoạn 2016-2020. Hiện nay, UBND tỉnh đã cân đối nguồn vốn, cơ bản đáp ứng nhu cầu đầu tư trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tổng mức đầu tư các dự án trọng điểm đã được phê duyệt là 38.084,4 tỷ đồng, trong đó nhu cầu bố trí kế hoạch vốn đầu tư công các công trình trọng điểm trong giai đoạn 2016-2020 là 20.171,8 tỷ đồng.
Hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 đã được tỉnh cân đối, bố trí cho 52 danh mục dự án công trình trọng điểm với tổng vốn bố trí gần 12.807 tỷ đồng, chiếm 46,1% vốn ngân sách địa phương. Trong kế hoạch đầu tư công của tỉnh năm 2018 bố trí cho 49 danh mục dự án công trình trọng điểm, tổng vốn bố trí gần 3.160 tỷ đồng; đến ngày 31-5-2018 đã giải ngân trên 328 tỷ đồng, ước đến hết năm giá trị giải ngân là 3.280,607 tỷ đồng, đạt 103,8% kế hoạch.
Để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, trong thời gian tới tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động và phát huy mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế, phấn đấu thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2018 đạt kế hoạch đề ra.
Để thực hiện thành công chương trình đột phá về phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, Bình Dương đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, về phát triển đô thị, tỉnh sẽ rà soát điều chỉnh quy hoạch chung và xây dựng giải pháp để thu hút đầu tư lấp đầy Khu Liên hiệp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương, trong đó ưu tiên các dự án thương mại - dịch vụ nhằm thu hút người dân đến sinh sống và làm việc tại khu đô thị mới. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xác định một số khu vực ưu tiên cải tạo, chỉnh trang gắn với phát triển các dự án đô thị tại các đô thị cũ trên địa bàn toàn tỉnh để có kế hoạch đầu tư, thu hút đầu tư; đồng thời từng bước xây dựng đô thị thành phố mới Bình Dương gắn với Đề án “Thành phố thông minh Bình Dương”.
Về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tỉnh ưu tiên đầu tư các dự án giao thông mang tính liên kết vùng nhằm kết nối Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tiếp tục đầu tư đường Mỹ Phước - Tân Vạn đến Bàu Bàng để tạo sự kết nối với các đô thị phía bắc của tỉnh; đồng thời nghiên cứu đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong từng đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng chung. Đối với phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, Bình Dương tiếp tục thu hút đầu tư vào các dự án công trình văn hóa tầm cỡ quốc gia và quốc tế; đẩy mạnh xã hội hóa để tăng thêm nguồn đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng của ngành giáo dục, y tế, nhất là đầu tư các cơ sở dịch vụ chất lượng cao, chăm sóc sức khỏe cho người dân...
Đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội
Những năm qua, Bình Dương đã tập trung đầu tư phát triển mạnh nhà ở theo hướng đô thị để phục vụ dân sinh và phúc lợi, phục vụ tốt nhất nhu cầu nhà ở cho công nhân và người lao động. Theo đó, tỉnh luôn quan tâm, bảo đảm các tiện ích cho người lao động ở các khu, cụm công nghiệp; phát triển đồng bộ các loại hình dịch vụ, nhất là các dịch vụ chất lượng cao trong Khu Liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị trên các địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên. Cùng với đó, UBND các thị xã, thành phố đã phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu làm cơ sở quản lý quy hoạch, phát triển đô thị.
Đến nay, chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương đã thu hút được 85 dự án phát triển nhà ở xã hội, với tổng diện tích 3,9 triệu m2 sàn nhà ở. Trong số này có 43 dự án thuộc đề án nhà ở an sinh xã hội Becamex, do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC) làm chủ đầu tư, với tổng diện tích 3,1 triệu m2 sàn nhà ở. Đến nay, đã có 25 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, tổng diện tích gần 500.000m2 sàn nhà ở.
PHƯƠNG LÊ