Tiến sĩ Huỳnh Thế Du: PCI hạng cao nhưng Bình Dương còn nhiều việc phải làm

Cập nhật: 05-04-2019 | 08:06:03

Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018. Qua đó, Bình Dương nhảy vọt lên hạng 6 cả nước và đứng đầu khu vực Đông Nam bộ. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam.

Bình Dương có nền tảng rất tốt

- Trong Bảng xếp hạng PCI năm 2018, Bình Dương đã vươn lên hạng 6 của cả nước. Quan điểm của ông về việc xếp hạng này thế nào, thưa ông?

- PCI chỉ là cảm nhận môi trường đầu tư của các doanh nghiệp. Còn theo khung phân tích về năng lực cạnh tranh địa phương của Michael Porter - nền tảng để Diễn đàn Kinh tế thế giới xây dựng năng lực cạnh tranh của một quốc gia hay địa phương thì có rất nhiều phần nữa. Có tới 3 lớp: Lớp thứ nhất là điều kiện tự nhiên, nền tảng hiện hữu; lớp thứ 2 là năng lực cạnh tranh vĩ mô hay năng lực cạnh tranh của địa phương. Lúc đó xét năng lực hạ tầng cứng, hạ tầng mềm (giao thông-vận tải, điện, nước, y tế, giáo dục...), năng lực chính quyền địa phương (năng lực quản lý, năng lực chính sách); lớp thứ 3 là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thì môi trường kinh doanh là một nhân tố, sau đó lại có thêm yếu tố trình độ, phát triển cụm, ngành, cộng đồng phát triển giữa các doanh nghiệp... Như vậy, PCI chỉ là 1 trong 9 nhân tố trong sự đánh giá tổng thể năng lực cạnh tranh của một địa phương.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du cho rằng, nền tảng cho sự phát triển của Bình Dương là sự “chung lưng, đấu cật” giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh tìm hiểu hoạt động của một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

- Thưa ông, phải chăng PCI chưa thể hiện hết năng lực cạnh tranh cấp tỉnh?

- Trên thực tế, có địa phương dù xếp hạng rất cao nhưng hầu như không có nội lực cơ bản. Mục tiêu của địa phương là tạo ra việc làm, thu nhập ngày càng gia tăng cho người dân và nguồn thu ngân sách cao để chính quyền địa phương thực thi nhiệm vụ của mình. Nếu năng lực cạnh tranh đó làm gia tăng việc làm, tăng nguồn thu ngân sách mới có ý nghĩa. Còn như hiện nay, một số địa phương có thứ hạng rất cao nhưng người dân không có việc làm, liên tục “ly hương” và nguồn thu ngân sách không cao, thậm chí hàng năm phải đợi Trung ương điều tiết ngân sách và không có nền tảng gì cả thì PCI cao cũng không có ý nghĩa nhiều.

- Vậy theo ông, đâu là năng lực cạnh tranh thực sự của Bình Dương?

- Nhìn tổng thể, về mặt tạo công ăn việc làm và sự gia tăng nguồn thu ngân sách thì Bình Dương là một trong những địa phương tốt nhất cả nước trong hơn 20 năm qua. Nếu nhìn trung hạn trong khoảng 5 năm trở lại đây thì Bình Dương có nền tảng rất tốt. Tôi lấy ví dụ, nếu chỉ nhìn về góc độ gia tăng dân số cơ học thì Bình Dương là số 1. Bởi rõ ràng người dân ở khắp nơi trên cả nước hiện nay có tâm lý đổ dồn về Bình Dương tìm kiếm cơ hội theo kiểu “đất lành, chim đậu”. Điều này cho thấy cơ chế rất tự nhiên, nơi nào tốt, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định, đời sống vật chất, tinh thần tốt thì người dân tự tìm về.

Còn về gia tăng nguồn thu ngân sách thì các số liệu thống kê cho thấy cả rồi; Bình Dương từ tỉnh chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách phân bổ từ Trung ương nay đã vươn lên nhóm các tỉnh, thành nộp ngân sách rất cao. Lực lượng doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở tỉnh hiện nay có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia. Điều này nói lên sức hút rất lớn của Bình Dương.

- Sự gia tăng của dân số sẽ có nguồn nhân lực tốt để phát triển địa phương, nhưng kèm theo đó sẽ là áp lực rất lớn về hạ tầng đối với tỉnh. Vậy Bình Dương nên làm gì để giải tỏa áp lực này trong thời gian tới, thưa ông?

- Nhìn góc độ áp lực thì rất là đúng, bởi con người quy tụ về ngày càng đông, doanh nghiệp đến đầu tư ngày càng nhiều thì tất nhiên là có sức ép lớn về an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và nhất là hạ tầng để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Nhưng nên nhớ, càng đông người thì hệ số sử dụng hạ tầng càng hiệu quả. Chẳng hạn, 1km2 hạ tầng của Bình Dương tất nhiên sử dụng hiệu quả hơn hẳn một số nơi khác. Điều này dẫn đến câu chuyện về cơ cấu phân bổ ngân sách đối với không chỉ Bình Dương mà còn là của cả nước.

Chúng tôi đã nêu vấn đề này nhiều lần rồi. Cơ chế phân bổ ngân sách, phân bổ nguồn lực của Việt Nam phải thay đổi trong thời gian tới. Tất nhiên, chúng ta không phân biệt nông thôn, thành thị, nhưng rõ ràng việc đầu tư, phát triển đều nhằm bảo đảm đời sống cho người dân. Do vậy, nơi nào có khả năng tạo nhiều việc làm, tạo nhiều ngân sách thì phải tập trung nguồn lực đầu tư. Xét về khía cạnh này thì Bình Dương là một trong những địa phương cần gia tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách.

Nhưng còn nhiều việc phải làm

- Dù có thể chế pháp luật giống như các địa phương khác và không có nhiều nguồn lực phát triển nhưng Bình Dương vẫn vươn lên tốp đầu cả nước. Xin ông cho biết đâu là nguyên nhân của sự vươn lên này?

- Theo nhận xét của cá nhân tôi, thành công cốt lõi của Bình Dương trong mấy chục năm qua là có sự “chung lưng đấu cật” giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Ở Bình Dương có sự cùng làm, cùng giải quyết mọi vấn đề phát sinh mới giữa khối hành chính công và doanh nghiệp; cùng với đó là sự thông thoáng, dám nghĩ dám làm của chính quyền. Một điểm đáng chú ý nữa là Bình Dương đã có sự uyển chuyển trong việc tạo nguồn lực riêng để đẩy nhanh các thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Cái hay của Bình Dương là đã có những cơ chế đặc thù để đội ngũ công chức an tâm làm việc, cụ thể khi công chức làm việc tốt thì được tưởng thưởng trên cơ sở công sức đã bỏ ra. Ngoài ra, Bình Dương đã rất linh hoạt trong việc tạo ra cơ chế phối hợp nhịp nhàng với doanh nghiệp giải quyết các vấn đề mà khu vực công không thể giải quyết được. Bình Dương đã tạo một cơ chế rất tốt, cùng “chung lưng, đấu cật” với doanh nghiệp. Đây cũng là đích lớn nhất mà Chính phủ đang hướng đến. Nói trực quan hơn, Bình Dương đã tạo ra hệ thống dịch vụ công đã có trách nhiệm và động cơ hơn để làm tốt hơn nhiều địa phương khác.

- Thách thức lớn nhất của Bình Dương hiện nay là gì, thưa ông?

- Hàng chục năm qua, Bình Dương có “địa lợi” là rất gần TP.Hồ Chí Minh để phát triển. Nhưng giờ đây, làm sao để tăng cường thu hút nhân tài, thu hút nguồn lực hơn nữa là một thách thức không nhỏ đối với tỉnh. Thậm chí, theo tôi, đây là thách thức lớn nhất của Bình Dương. Muốn khắc phục, tỉnh phải tăng cường cải thiện môi trường để thu hút người lao động đến đây sinh sống và làm việc, nhất là người giỏi, có kỹ năng và có của cải, bởi mục tiêu lớn nhất của một địa phương chính là thu hút người tài. Đặc biệt, đối với Bình Dương thì mục tiêu rõ ràng nữa là thu hút người giỏi đến làm việc, người giàu đến ở.

- Vậy theo ông, Bình Dương phải làm gì để tăng cường thu hút nhân tài, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian tới?

- Trước hết, tôi cho rằng nền tảng cho sự phát triển của Bình Dương là sự “chung lưng, đấu cật” giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Bình Dương phải ngày càng củng cố, tạo sự đồng cảm, thông hiểu lẫn nhau giữa Nhà nước và doanh nghiệp, sao cho mối quan hệ đồng hành này ngày càng khăng khít hơn, bởi đây là giá trị cốt lõi, nền tảng, là tài sản lớn nhất của Bình Dương.

Điều tôi đặc biệt quan tâm là áp lực dân số ngày càng lớn. Bình Dương trong thời gian qua được xem là nơi “đất lành, chim đậu” nên có rất nhiều người đã tìm đến lao động, lập nghiệp. Điều này tạo nên sức sống cho Bình Dương nhưng cũng vô hình chung tạo nên một xã hội rất nhiều người trẻ, kèm theo những áp lực lớn về y tế, văn hóa, giáo dục… Bởi thế, Bình Dương cần xây dựng một xã hội, một địa phương hướng về con người. Các chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi, cơ sở hạ tầng đều phải tập trung vào việc cải thiện, chăm lo đời sống cho người dân. Có như vậy, Bình Dương sẽ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và đạt được các mục tiêu đã đề ra trong trung hạn lẫn dài hạn.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Huỳnh Thế Du là Tiến sĩ Kinh tế học đô thị và Chính sách công, Đại học Harvard, Mỹ. Hiện ông là giảng viên trường Chính sách công và Quản lý thuộc Đại học Fulbright Việt Nam. Ông thường xuyên tham gia các thảo luận chính sách ở Việt Nam. Ông có các bài báo được đăng trên các tạp chí danh tiếng quốc tế.

KHÁNH VINH (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết
Tags
PCI

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên