Tiến sĩ Mai Hữu Tín: Lạm phát khó nằm dưới 2 con số!

Cập nhật: 25-04-2011 | 00:00:00

Hết quý 1-2011, chỉ số giá tiêu dùng vẫn tiếp tục tăng khá mạnh, dưới áp lực của tăng giá xăng dầu và điện, có thể vượt ra khỏi dự đoán của các nhà phân tích mặc dù Chính phủ đã quyết liệt thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 11. Theo tiến sĩ Mai Hữu Tín, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bình Dương, nhìn nhận, với tình hình này, lạm phát khó nằm dưới mức 2 con số trong năm 2011 như kỳ vọng...

Nghị quyết 11 đang có ảnh hưởng tích cực

Đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, tiến sĩ Mai Hữu Tín cho rằng, với những biện pháp quyết liệt được triển khai từ bộ ngành, địa phương, tình hình kinh tế vĩ mô đã có những dấu hiệu tích cực: “... Điều dễ thấy nhất là giá USD trên thị trường không chính thức đã đến rất gần với tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố. Điều này thể hiện rõ tính hiệu lực của chính sách. Tuy khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vốn và chi phí vốn cho doanh nghiệp sản xuất, nhưng với các giải pháp của Nghị quyết 11 đang phát huy tác dụng theo hướng tích cực, tình hình sẽ được cải thiện trong thời gian tới...”.

Cùng với các chính sách về đầu tư, Chính phủ cũng đã thực hiện các giải pháp thắt chặt tài chính tiền tệ, quản lý thị trường vàng, áp dụng lãi suất huy động ngoại tệ ở mức 3%, nâng dự trữ ngoại tệ bắt buộc lên 2% đối với các tổ chức tín dụng... Tiến sĩ Mai Hữu Tín nhìn nhận, đây đều là các chính sách hợp lý đã được nhiều chuyên gia có ý kiến ngay từ trước khi các chính sách này được ban hành. Giá trị của đồng VN phải được khẳng định. Việc sử dụng vàng và USD làm phương tiện thanh toán cần được giảm thiểu trên lãnh thổ Việt Nam.

 

Lạm phát vẫn đang “làm khó” túi tiền của người tiêu dùng. Trong ảnh: Mua sắm hàng hóa tại Siêu thị Vinatex Bình Dương

Lạm phát vẫn ám ảnh

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực này đưa ra, chỉ số giá tiêu dùng sẽ vẫn tiếp tục tăng cao mặc dù Chính phủ đã quyết liệt thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 11. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thông thường sau khi điều chỉnh chính sách tiền tệ, hiệu lực tác động phải sau 6 tháng. Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra một cái nhìn khá ảm đạm về mức độ lạm phát của Việt Nam. Theo tổ chức tài chính này dự báo, lạm phát của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2011 sẽ ở mức 13%. Đánh giá về dự báo của ADB, tiến sĩ Mai Hữu Tín cũng cho rằng,  mức lạm phát của Việt Nam rất khó nằm dưới mức 2 con số theo như kỳ vọng.

Thực tế với Nghị quyết 11, bên cạnh chính sách thắt chặt tài chính - tiền tệ, Chính phủ đã yêu cầu cắt giảm 10% đầu tư công và chi thường xuyên để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Mai Hữu Tín, không phải cắt giảm đầu tư là cách duy nhất, hay lúc nào cũng tốt nhất, để kiềm chế lạm phát. Trên thực tế, trong suốt thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam vẫn đi theo một cái vòng quen thuộc, kiềm chế lạm phát, kích thích tăng trưởng, lạm phát để rồi lại kiềm chế lạm phát. Cái gốc lạm phát chưa được giải quyết tận gốc thì rất khó thoát khỏi vòng tròn quen thuộc này.

“... Vấn đề lớn nhất vẫn là tính hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực có trong tay Chính phủ, trong đó bao gồm các chính sách để phát triển tối đa sự năng động và hiệu quả của lực lượng doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Đây là vấn đề thuộc về tư tưởng. Còn trong điều hành thì sự phối hợp nhịp nhàng và nhất quán giữa chính sách tài khóa (từ Bộ Tài chính) và chính sách tiền tệ (từ Ngân hàng Trung ương) là việc hết sức quan trọng để tránh tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Phương cách điều hành cũng quan trọng không kém. Rất khó có chuyện phát triển nhanh và bền vững trong khi các yếu tố cơ bản của nền kinh tế thị trường chưa được xác lập rõ ràng, minh bạch...”, ông Tín cho hay.

Về cắt giảm đầu tư công, để tránh tình trạng chạy theo kế hoạch, hoặc hô hào khẩu hiệu, tiến sĩ Mai Hữu Tín cho rằng, trách nhiện này thuộc về các bộ ngành, địa phương cần rà soát thế nào để thực hiện cắt giảm sao cho vẫn bảo đảm tăng trưởng cần thiết. Đối với Bình Dương, thực hiện Nghị quyết 11, địa phương đã cắt giảm gần 400 tỷ đồng đầu tư công và chi thường xuyên sẽ ảnh hưởng thế nào và cắt giảm ra sao, ông Tín cũng khuyến nghị, chính quyền cần có những chính sách hợp lý để bảo đảm tăng trưởng.

 THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên