Tiếng gọi từ lòng đất

Cập nhật: 21-09-2012 | 00:00:00

Bài 1:Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh

Bài 2: Sống như anh

Bài 3: Những bức ảnh sống mãi với thời gian

Bài 4: Nỗi lòng người lính già

Bài 5: Tiếng gọi từ lòng đất

Đọc tập nhật ký của chị được viết cách đây tròn 50 năm, lớp trẻ chúng tôi vô cùng xúc động và khâm phục khí phách anh hùng của người nữ chiến sĩ cách mạng trên chiến trường vẫn sáng ngời lý tưởng của người cộng sản. Nhà thơ Anh Ngọc đã nói “họ đã sống một thời khắc nghiệt, muốn sống bình thường thôi cũng phải sống anh hùng”. Vâng! “bình thường” và “anh hùng” là tâm thế của cả một thế hệ thanh niên ngày ấy đã xếp bút nghiên đi từ giảng đường ra đến chiến trường”. Còn tuổi trẻ hôm nay thì sao? Chúng ta suy nghĩ gì với một thế hệ cha anh khi họ để lại tuổi thanh xuân của mình trong cuộc chiến...

Những lý tưởng bất tử

Nhà văn Chu Lai từng nói: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc trận mạc”. Thật đúng vậy! Qua hơn mấy ngàn năm lịch sử, dân tộc ta luôn phải đương đầu với những kẻ địch lớn mạnh gấp bội, với gần 20 cuộc chiến và không có thế kỷ nào là không có chiến tranh, trong đó: 13 lần chống phong kiến phương Bắc, 3 lần chống Mông Cổ, 2 lần chống thực dân Pháp, 1 lần chống đế quốc Mỹ... Trước những cuộc chiến xâm lược không cân sức và bị bắt buộc, đất nước ta huy động toàn dân đánh giặc, phát huy cao độ lòng yêu nước, sức đoàn kết toàn dân... tạo nên sức mạnh kỳ diệu, vô song, chống đỡ với mọi thế lực hung hãn, bạo tàn. Chính trong những cuộc chiến anh dũng kiên cường, dân tộc ta đã xây dựng cho mình một truyền thống quý giá về tinh thần dựng nước, cứu nước và giữ nước. Từ đó, đã để lại những trang sử dù có đau thương, gian khổ nhưng cũng rất rạng rỡ, oai hùng.

Nhân vật trong bức ảnh này có nhiều khả năng chính là tác giả của quyển nhật ký  

           Đây có thể là người thân của tác giả?

Trên mảnh đất thiêng hình cong chữ S, hàng vạn thanh niên ngày ấy bừng bừng khí thế, họ sẵn sàng lên đường chống Mỹ cứu nước. Họ ra đi mà không chút đắn đo, chấp nhận bỏ lại sau lưng tất cả ước mơ của tuổi thanh xuân để làm nhiệm vụ cách mạng. Từ Quảng Trị, Khe Sanh đường 9 đến miền Đông anh dũng... ở bất kỳ đâu cũng có dấu chân người chiến sĩ trẻ. Họ lao vào kháng chiến, bảo vệ quyền độc lập dân tộc mà xem cái chết “nhẹ tựa lông hồng”, khiến kẻ thù khâm phục và khiếp đảm. Sau ngày đất nước hòa bình, một số học giả nước ngoài từng thắc mắc rằng: “Kỷ luật, lý tưởng và tinh thần coi thường cái chết đã kết hợp nhau như thế nào mà khiến cho các chiến sĩ Việt cộng vẫn xông lên dưới làn mưa bom, bão đạn. Không có một nhà phân tích nào ở Mỹ đi đến một giải thích đầy đủ...”. Đế quốc Hoa Kỳ không thể nào hiểu được, bởi nếu hiểu thì họ đã không sai lầm trong cuộc chiến làm “hao người tốn của” cách đây gần 4 thập kỷ. Nhưng người Việt chúng ta thì ai cũng hiểu, như lời một lãnh đạo cấp cao đã từng nói: “Chúng ta chịu được không phải vì chúng ta là gang thép vì gang thép cũng tan chảy trước bom đạn... mà vì chúng ta là những con người thực sự, con người Việt Nam với truyền thống 4 ngàn năm, đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”.  

Thủ bút của tác giả trong trang nhật ký

Vâng! Chỉ có lòng yêu nước nồng nàn, yêu tự do và lòng căm thù giặc sâu sắc đã thôi thúc những người trí thức trẻ gác bút nghiên lên đường chiến đấu. Hôm nay, đọc lại những trang nhật ký của chị viết từ cách đây nửa thế kỷ, chúng ta đã cảm nhận được tinh thần thiêng liêng ấy. Thật đáng khâm phục đối với nữ chiến sĩ ở tuổi đôi mươi nhưng những trang viết luôn rạng ngời lý tưởng cao đẹp với Tổ quốc. Ngày nay, khi Đảng và Nhà nước ta đang triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và học tập Nghị quyết TW4, đọc nhật ký của chị, chúng tôi cảm thấy những suy nghĩ kia sao mà gần gũi một cách lạ lùng. Chị viết: “Muốn được tiến bộ, làm tốt công tác của mình hơn, bản thân phải nhờ vào trau dồi thực hiện những phần: không ngừng tu dưỡng tinh thần, tư tưởng người cộng sản. Ra sức học tập đồng chí, học tập hội nghị, học tập quần chúng. Không ngừng phát huy đúng mức ưu điểm của mình. Đẩy mạnh hòa mình lao động với đồng chí, với anh chị em. Luôn khiêm tốn, soi rọi bản thân qua từng công việc. Tổ chức kỷ luật cao, luôn học và trau dồi đạo đức, gạt bỏ tư tưởng cá nhân... Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ để trở thành đảng viên ưu tú của Đảng”.

Có thể nói, tinh thần học tập để cống hiến cho cách mạng luôn được chị nhắc nhở bản thân. Cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, chị vẫn hăng say với sự học. Trang cuối của cuốn nhật ký, ngày 20-10-1966 chị viết: “Nhà Đại văn hào Gorky viết: càng đọc sách càng làm cho tôi gần với thế giới và càng đọc sách thì tôi càng thấy yêu quê hương và yêu nước Nga vô hạn...”. Trong nhật ký của người nữ chiến sĩ này, điều chúng ta cần học tập đó là: tình yêu quê hương đất nước, lý tưởng chói lọi của người cộng sản, trách nhiệm trước Đảng, trước cách mạng. Những suy nghĩ của chị được viết ra cách đây 50 năm nhưng vẫn còn giá trị và mang tính thời sự đối với thế hệ hôm nay; đặc biệt là lớp người trẻ tuổi.

Đi tìm đồng đội!

Chiến tranh đã lùi xa hơn 37 năm nhưng nỗi nhớ thương, mất mát vẫn còn hằn sâu trong lòng mọi người dân Việt, đặc biệt đối với những người thân, người cha người mẹ có con là liệt sĩ vẫn đang nằm lại đâu đó trong lòng đất. Đi tìm đồng đội là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta kể từ sau ngày giải phóng đến nay, nhờ đó mà hàng vạn liệt sĩ đã được quy tập về nơi an nghỉ cuối cùng. Dù vậy, do chiến tranh khốc liệt kéo dài trên nhiều vùng trong cả nước nên vẫn còn các liệt sĩ hy sinh chưa tìm thấy. Đi tìm hài cốt liệt sĩ tiếp tục là trách nhiệm của thế hệ hôm nay, đã được Đảng và Nhà nước đề ra trong Nghị quyết TW5: “Đẩy mạnh việc tu bổ nghĩa trang, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa”. Chúng tôi giới thiệu loạt bài Kỷ vật từ lòng đất này cũng không ngoài mục đích đó. Thật xúc động biết bao khi các anh, các chị nằm dưới lòng đất đã lâu rồi, trong khi gia đình của các anh chị vẫn đang trông đợi từng ngày, có khi họ đã nhiều lần đi tìm nhưng vô vọng! Làm sao để biết tên các liệt sĩ, làm sao để quy tập đủ số hài cốt của những người lính, đưa họ trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” ở mảnh đất quê nhà? Đó là điều mà chúng ta tất thảy đều mong muốn...

Ở tập nhật ký này, nhiều cái tên đã được nhắc đến, đó là: Anh Quang ruột thịt của chị, anh Lý, anh Mười T., anh H. Thu bị thương nặng, cô Bảy, chị Hải... và các địa danh có nhiều khả năng thuộc địa bàn tỉnh Sông Bé cũ: “Có người ở C2 xuống Dĩ An công tác”, “đi Chánh Lưu về”... Hy vọng đây là những manh mối ban đầu cho các ngành, đơn vị chức năng làm cơ sở xác minh các thông tin liên quan đến người nữ chiến sĩ này. Rất mong các cơ quan thông tin đại chúng các tỉnh, thành bạn cùng tham gia giúp đỡ việc truy tìm lai lịch của người nữ chiến sĩ - cũng là tác giả của quyển nhật ký này; nhằm giúp người thân của chị có điều kiện  tiếp cận các hình ảnh, bút tích... biết đâu lại có cơ hội trùng phùng?

Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh (Tiếp theo)

- Ngày 8-8-1966: Có người ở C2 xuống Dĩ An, CT (anh Lý) cho biết anh H.Thu bị thương nặng (cách đây 2 tháng) suýt chết. Được tin này, M. lo lắng thương xót cho anh, cả chị nữa. Anh ấy đau vì vết thương hành, còn chị ấy đau vì nhìn vết thương sự mỏi mệt của chồng. Thảo nào M. đã trách và cũng không biết vì sao thư từ lại vắng bặt. M đã thông cảm và cũng xúc động nhiều. Không biết rồi đây M. còn có gặp lại anh, chị ấy hay không, có thể là không? Vì sức khỏe anh ấy đã kém đi, có thể sẽ chuyển công tác khác. Do tình cảm sâu nặng, M. rất không muốn tương lai bị xa cách.

Mong anh chóng lành vết thương để trở lại công tác.

Chị bớt đau khổ để luôn vui tươi như độ trước, làm tốt nhiệm vụ Đảng giao.

M. sẽ luôn xứng đáng là người đồng chí, là đứa em của anh chị, sẽ tranh thủ biên thư thăm anh chị.

- Ngày 9, 10, 11-8-1966: Mấy ngày qua, M. cùng cô Bảy, chị Hải đi A.H - C.Lưu - về A. Mặc dù bị bệnh rất mệt nhưng vẫn quyết tâm đi. Bệnh hoạn, đây là một khó khăn mà M. đã vượt qua (vì lợi ích cách mạng). Kể ra cũng vất vả về ăn ở, nhưng vô cùng phấn khởi vì sự đối xử của các đồng chí ở đây, nhất là đồng chí Thu. Tình cảm chan chứa làm sao, M. ghi nhớ mãi mãi chuyến đi “lịch sử” này.

Khi về đến A, có một điều làm M. phải suy nghĩ mãi, tư tưởng thấy khó chịu làm sao, đôi lúc M. muốn trở về T.H ngay.

Cũng qua lần đi này M. mới hiểu thêm tình đồng chí, tình bạn và có sự thương mến, gắn bó đậm đà hơn. Chị Hà ơi! M. đã thông cảm và hiểu chị nhiều hơn rồi đấy! Thương mến chị lắm mà!...

Sống ở đơn vị mới, ban đầu M. không được vui lắm vì mọi việc đều mới mẻ. Do đó bản thân cần tự trui rèn nghiêm khắc với bản thân, vị tha với đồng chí. Có tiến bộ hay không là do M. tự quyết định, viện trợ là cần chứ không là chủ yếu.

Bước đường công tác dĩ nhiên sẽ có muôn vàn khó khăn. Hãy quyết tâm kiên trì, dũng cảm để vượt qua, để hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ của mình.

Làm tốt công tác, tiến bộ hay không, nói chung đó là những vấn đề M. phải suy nghĩ, phải là một đảng viên ưu tú của Đảng, một người thanh niên cộng sản thật sự đúng với tên gọi của nó.

- Ngày 5-9-1966: Hôm nay sinh hoạt tổ Đảng PN, đây là lần thứ 3 M. đã được sinh hoạt trong chi bộ mới. Qua buổi họp lần này, M. đã lớn thêm về tư tưởng, có sự hiểu biết hơn về vấn đề nguyên tắc, phân tích được giữa nguyên tắc và tình cảm, không có sự lẫn lộn nữa. Vấn đề giới thiệu, giúp đỡ quần chúng, M. có kinh nghiệm hơn, có tiến bộ hơn.

Về phần M. cần phát huy tích cực những ưu điểm, nhất là tinh thần trách nhiệm trong công tác, chuyên môn.

Trong cơ quan, có những vấn đề cần khắc phục nhanh:

- Vấn đề tình cảm, thư từ.

- Tác phong quân sự hóa, đồ đạc cần gọn gàng. Làm thế nào cho quen để khi công tác bất cứ ở chiến trường nào có tính nhanh nhẹn, gọn gàng.

- Chú ý vấn đề nói năng, góp ý đồng chí, thái độ còn cộc cằn, đôi lúc còn nóng nảy với đồng chí, làm đồng chí hiểu lầm.

- Cảnh giác cao độ khi nghe dư luận, tình cảm địa phương, địa phương chủ nghĩa. Lúc công tác học tập, phải làm thế nào để đánh giá được vấn đề.

- Chú ý nói năng đối xử đối với đồng chí, nhất là đối với các đồng chí lãnh đạo.

Phương hướng tiến lên:

Phát huy đúng mức ưu điểm, khắc phục kịp thời nhanh chóng những khuyết điểm. Những góp ý của đồng chí có thì khắc phục, không có thì rút kinh nghiệm. Những góp ý giúp đỡ là thang thuốc bổ, uống vào khỏe mạnh, phải hiểu như vậy!

- Ngày 9, 10, 11, 12-9-1966: Mấy ngày nay sau khi được thư người anh (Quang), M. có mừng nhưng rồi lại cũng nghĩ nhiều đến gia đình. Nghĩ và nhớ, phải nói như vậy.

Sẽ tranh thủ biên thư để nhờ nó giải quyết. Khi có anh M. về công tác ở đấy, đồng thời thư cho anh hay để hai bên đều có sự chuẩn bị chu đáo.

Chắc chắn M. sẽ được gặp anh trong thời gian tới đây.

- Ngày 13-9-1966: Được thư của người anh ruột thịt M. mừng biết bao! Đọc đi đọc lại mấy lần vẫn muốn đọc mãi. Qua những lời khuyên lơn, dặn dò, M. cố khắc ghi mãi mãi trong lòng. “Tình - lý” phải sòng phẳng cả hai, “đặt tập thể trước, cá nhân sau”. M. cần chú ý hơn những điểm này.

M. đã bị vấp phải trong vấn đề này rồi đây. Không thể để tình cảm thắng lý trí được dù chỉ biểu hiện một hành động, cử chỉ nhỏ thôi. Hãy khắc phục đi nhé. Nếu không sẽ phiền phức cho tư tưởng lắm đấy!          

Anh ơi! Em sẽ cố gắng trui rèn bản thân nhiều hơn nữa để xứng đáng là đứa em gái của anh, đứa con yêu của ba má, một đảng viên ưu tú của Đảng. (Còn tiếp)

Q.H (ghi)

Bài 6: Ai đã gây cảnh đau lòng?

Bạn đọc thân mến! Trong quá trình đăng loạt bài viết này, chúng tôi rất mong thân nhân, bạn bè của chị có thể đọc báo và từ đó nhận ra người trong ảnh. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục đăng các hình ảnh có trong tập kỷ vật, nếu bạn đọc có thông tin về nhân vật trong bài viết xin vui lòng liên hệ theo các số điện thoại: 0913.950191 - 0908.033344 - 0919.010167.          

 KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=197
Quay lên trên