Tìm người giữ lửa nghề truyền thống

Cập nhật: 03-12-2020 | 08:04:13

Đứng trước tình trạng các làng nghề truyền thống đang dần mai một, tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện các chương trình thúc đẩy, kích thích sự hứng khởi đối với ngành nghề truyền thống trong giới trẻ.

 Lãnh đạo tỉnh và TP.Thủ Dầu Một khảo sát làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

Khuyến khích khởi nghiệp

Nằm trong chuỗi đề án đổi mới sáng tạo để phát triển, đồng thời lưu giữ nét đẹp truyền thống của tỉnh, Sở Khoa học Công nghệ vừa tổ chức buổi lễ phát động cuộc thi Khởi nghiệp từ nghề truyền thống tỉnh Bình Dương. Cuộc thi được tổ chức với mong muốn tìm kiếm được những ý tưởng và dự án về việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Trong đó chú trọng vào nghề sơn mài, gốm sứ và điêu khắc gỗ thủ công mỹ nghệ.

Tham dự buổi lễ phát động cuộc thi có hơn 600 thanh niên, sinh viên - những người trẻ được kỳ vọng sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho các nghề truyền thống của tỉnh nhà. Phát biểu tại buổi lễ phát động, ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài Điêu khắc tỉnh, cho biết cơ hội để khởi nghiệp từ nghề truyền thống, đặc biệt là nghề sơn mài luôn rộng mở với người trẻ. Hiện nay các nghề truyền thống của tỉnh đã có thương hiệu nổi tiếng, việc còn lại là tìm lời giải về phương pháp marketing và giải pháp ứng dụng công nghệ vào sản xuất sản phẩm mỹ nghệ để tăng số lượng và giảm giá thành. Nếu làm được việc này, cơ hội đột phá kinh doanh cho nghề truyền thống và tăng thu nhập cho người khởi nghiệp từ nghề truyền thống là không khó.

Đồng quan điểm với ông Quý, ông Lê Bá Linh, chủ doanh nghiệp sơn mài Tư Bốn (phường Tương Bình Hiệp) cho rằng, cơ hội luôn đi chung với thách thức. Theo ông Linh, việc các nghề truyền thống đứng trước những khó khăn do bị các sản phẩm công nghiệp cạnh tranh, lấn sân là cơ hội để những người trẻ với ý tưởng tạo báo và sự sáng tạo không biên giới trong khởi nghiệp và thu về quả ngọt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Bá Linh cho biết, doanh nghiệp của ông luôn sẵn sàng hỗ trợ người trẻ trong việc hiện thực hóa ý tưởng và dự án sáng tạo kết hợp với nghề truyền thống sơn mài. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, sơn mài Tư Bốn đã làm việc với hàng chục lượt sinh viên đến từ các trường đại học để cho ra nhiều ý tưởng sản xuất về sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng lưu niệm… kết hợp điêu khắc truyền thống với in ấn, điêu khắc bằng phương pháp kỹ thuật công nghệ cao.

Cơ hội rộng mở

Cuộc thi Khởi nghiệp từ nghề truyền thống tỉnh Bình Dương sẽ nhận hồ sơ tham dự của các thí sinh từ tháng 10-2020 đến hết tháng 3-2021. Theo đó, chỉ cần có ý tưởng về việc hỗ trợ xây dựng, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của tỉnh là các thí sinh đã có thể được trao tặng giải thưởng và hỗ trợ khởi nghiệp với nhiều hình thức.

Để tạo lửa cũng như giúp các thí sinh tham dự cuộc thi có kiến thức nền về nghề truyền thống sâu hơn, ban tổ chức cuộc thi cũng sẽ sắp xếp những buổi tham quan, làm việc và trao đổi kinh nghiệm tới các doanh nghiệp làm nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ kỳ vọng, qua những buổi tham quan, người trẻ sẽ có được những góc nhìn mới và thông qua đó có những ý tưởng đột phá trong việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.

Trao đổi với chúng tôi, ban tổ chức cuộc thi mong muốn thí sinh tập trung vào việc tìm giải pháp phát triển cho các nhóm nghề chính của tỉnh như sơn mài, gốm sứ và điêu khắc gỗ thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra, nhóm nghề thủ công từ mây - tre - nứa cũng được khuyến khích. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, thành viên ban tổ chức cuộc thi cho biết, hồ sơ dự thi sẽ được đánh giá cao khi tìm kiếm và xây dựng hoặc liên kết được các mô hình kinh doanh để phát triển thương hiệu và thị trường cho nghề truyền thống tỉnh, đặc biệt là giải pháp về việc ứng dụng tự động hóa.

Hình thức chia và chấm giải theo hai nhóm chính, gồm: Ý tưởng và dự án thực tiễn. Cuộc thi sẽ có 10 giải thưởng, trong đó có 5 giải thưởng dành cho những ý tưởng xuất sắc và 5 giải thưởng dành cho những dự án có tính sáng tạo và tính ứng dụng vào thực tiễn cao. Riêng đối với những dự án đạt giải trong cuộc thi, Sở Khoa học & Công nghệ sẽ giao Trung tâm Sáng kiến Cộng đồng & Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo về việc kết nối tới các sở ngành và hệ thống vườn ươm doanh nghiệp, mentors, nhà đầu tư để thực hiện việc ươm tạo và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp từ nghề truyền thống.

Với sự hỗ trợ nhiệt tình của tỉnh và các doanh nghiệp nghề truyền thống, ông Phạm Duy Hiếu, Phó Chủ tịch Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Việt Nam, đơn vị đồng hành cùng cuộc thi tin rằng đây là dịp để người trẻ Bình Dương hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp bằng phương pháp kết hợp yếu tố công nghệ hiện đại và nét đẹp truyền thống.

 ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=447
Quay lên trên