Tình già

Cập nhật: 31-03-2014 | 00:00:00

Tròn 40 năm ngày cưới, may thay tôi với bà chưa ai lẩm cẩm, vẫn nhớ cái ngày kỉ niệm cũ mèm.

Thế hệ chúng mình chẳng quen bày cỗ bàn, chẳng biết thắp nến, mua hoa tươi để chúc mừng nhau “may quá chưa li dị!”. 4 năm hay 40 năm ngày cưới thì cũng trôi qua giản dị như bao ngày thường. Vì tình già vốn lặng lẽ, thâm trầm, dù không khoe khoang, không kỉ niệm vẫn chung thủy ở lại bên mình, chẳng chạy đâu mà sợ.

 Chiều nay đi đón cháu, tôi thấy ven đường hoa gạo đã rụng đỏ. Tôi nhớ ngày này của rất nhiều năm trước, mình cũng đèo nhau đi dọc con đường ngập hoa gạo tháng Ba. Đám cưới đơn sơ, công đoàn cho mượn hội trường để tổ chức. Tiệc xong tôi đèo bà về khu nhà tập thể của chúng mình. Tôi vẫn nhớ như in chiếc xe đạp cà tàng quay những vòng chậm chạp, mỗi lần tôi cố đạp nhanh là nó lại kêu toáng lên “cóc cách, cọc cạch”. Bây giờ đi xe máy điện, xe chạy êm ru không phải tốn hơi tốn sức, mà lòng chẳng lâng lâng vui sướng như thuở nào.

Thôi thì đã hết thời của những khấp khởi, chờ mong, giờ mình chia nhau thứ hạnh phúc lâu bền. Tôi đón cháu cưng về cho bà sẽ lại được bà chạy ra mở cổng, kêu ca: “hai ông cháu đi lâu thế”. Bước vào nhà sẽ thấy mâm cơm nghi ngút, ấm ran cả lòng.

Có lần giao lưu hội văn thơ thành phố, tôi mạnh dạn đọc bài thơ tặng vợ. Trong thơ, tôi tâm sự bà là vợ, là mẹ, là chị, vừa là bạn tâm tình. Bạn bè trêu tôi giỏi nịnh vợ, tôi biết mình có khéo thơ phú đến đâu cũng không nịnh hết được những năm tháng bà đã hi sinh.

Thời đấy vừa nhận công tác về trường, thấy bà tháo vát, vững kiến thức chuyên môn, tôi quý mến vô cùng. Nhưng chẳng bao giờ tôi tưởng tượng sẽ cưới chị đồng nghiệp hơn mình 2 tuổi, da đen nhẻm, tay chân thô ráp, đã thế tài năng và trí tuệ đều sắc sảo hơn người. Cánh đàn ông rụt rè như tôi sợ nhất mẫu người như bà. Rồi người tính không thắng nổi trời, chẳng biết từ lúc nào mình phải lòng nhau. Ngày ấy yêu đương giản dị, yêu là cưới, mặc xác cái nghèo, cái khổ bám riết.

Nghỉ hè, vợ chồng dắt nhau về quê nội. Tôi đến nở mặt nở mũi vì lần đầu tiên ra mắt bà đã biết quan tâm bố mẹ, các em chồng và cả họ nhà chồng. Bà con lối xóm ngang qua, thấy bà hết cặm cụi cuốc xới mảnh vườn trồng rau, lại xông xáo đẩy xe phân bắc ra đồng bón lúa, ai cũng tấm tắc khen nhà mình tốt phước có cô dâu chăm chỉ, thảo hiền.

Tôi tạng người ốm yếu, đi dạy về chỉ biết ngồi thở, da tái mét xanh xao. Trăm công nghìn việc đổ lên vai bà. Có dùng hết đầu ngón tay cũng không đếm xuể những nghề phụ bà từng làm, nào buôn gạo, buôn củi, nào đan len, may áo, thậm chí đi bốc vác thuê. Tôi cũng xin làm một chân bốc vác buổi khuya, nhưng được dăm bữa thì đổ bệnh trối chết, bà hoảng hồn chắp tay xin tôi ngồi yên, đừng động việc gì. Thương bà tôi ứa nước mắt, bà vẫn quả quyết mọi chuyện rồi sẽ ổn. Quả nhiên bà nói được làm được. Thời bao cấp, đồng lương còm giáo viên chỉ như muối bỏ bể. Có bà lo toan, không những hai con được nuôi nấng đủ đầy mà còn có đồng ra đồng vào gửi về cho bố mẹ.

Nghĩ về quãng thời gian bà lam lũ, tôi thấy mình nợ bà một ân huệ. Nhưng nghĩ về những lời động viên tôi bồi bổ sức khỏe, về sự tôn trọng bà dành cho tôi dù chính bà là trụ cột kinh tế, tôi thấy mình nợ bà cả cuộc đời. Ngày tháng đang cạn dần, tôi sẽ chẳng bao giờ trả hết mối nợ này, thôi thì gắng trả chữ duyên, tôi sẽ cùng bà đi hết cuộc tình già.

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=581
Quay lên trên