Mùa giải 2019 chỉ mới diễn ra 3 vòng đấu, nhưng vòng nào cũng xuất hiện thẻ đỏ. Đáng chú ý là hai tình huống vào bóng nguy hiểm của Quế Ngọc Hải với tiền đạo Dominik của Đà Nẵng và mới đây là pha vào bóng bằng gầm giày với Văn Kiên. Thế nhưng, bỏ qua tất cả, cầu thủ và Ban huấn luyện các đội bóng V-League đã dành cho nhau sự cảm thông.
Ở vòng 1 V-League 2019, trung vệ Quế Ngọc Hải nhận thẻ đỏ chỉ sau 39 phút thi đấu. Trung vệ người xứ Nghệ rời sân sau tình huống vào bóng khiến tiền đạo Dominik bị gãy xương sườn. Tại vòng 3, ống đồng của hậu vệ Văn Kiên (Hà Nội) in hằn nguyên 4 dấu giày, sau tình huống vào bóng bằng gầm giày của Quế Ngọc Hải. Đây cũng là trận đấu mà Văn Quyết nhận thẻ đỏ trực tiếp sau tình huống đánh cùi chỏ vào mặt trung vệ của Viettel.
Thông thường ở những mùa giải trước, sau những tình huống va chạm trên mức cần thiết như thế, cầu thủ gây ra chấn thương cho đối phương sẽ phải nhận án phạt nặng từ Ban tổ chức. Thậm chí họ còn phải nhận án phạt nội bộ từ đội bóng chủ quản. Mùa 2015, Quế Ngọc Hải sau tình huống khiến cho hậu vệ Anh Khoa gãy chân, nhận án phạt cấm thi đấu 6 tháng từ VFF, bồi thường hoàn toàn chi phí chữa trị cho Anh Khoa. Tại V-League 2018, trung vệ Tăng Tiến của HAGL sau pha vào bóng nguy hiểm với Duy Mạnh (Hà Nội), ngoài việc phải nhận án phạt cấm thi đấu 5 trận, anh còn bị HAGL phạt nội bộ cấm thi đấu hết giai đoạn lượt đi V-League 2018.
Bạo lực trong bóng đá tất nhiên không ai cổ vũ. Sau các pha bóng triệt hạ đối phương, người gây ra chấn thương ít nhiều cũng sẽ phải nhận lấy những án phạt thích đáng. Cùng với đó là cuộc chiến giữa các đội bóng có liên quan, cầu thủ tố nhau rằng đồng nghiệp không biết giữ chén cơm cho mình… Rất nhiều cuộc tranh cãi như thế sau mỗi lượt trận V-League khép lại. Thế nhưng, điều đó đã thay đổi theo hướng ngày một tích cực hơn.
Chắc hẳn mọi người vẫn còn nhớ hình ảnh tiền đạo Abass sẵn sàng tha thứ cho Thanh Hào sau tình huống làm gãy chân mình cuối mùa 2015. Mới đây, sau khi ống đồng nhận nguyên gầm giày của Quế Ngọc Hải, Văn Kiên chia sẻ rằng bản thân không bị gì nặng, không trách gì Hải “quế”, bởi đó là một phần của bóng đá. Không còn những cuộc chiến giữa cầu thủ với nhau. Lãnh đạo các CLB cũng dùng chữ “tình” giải quyết vấn đề khi xảy ra những tình huống va chạm ngoài ý muốn. Dùng chữ “tình” để giải quyết, răn đe cầu thủ đội nhà, cầu thủ dùng “tình” để nói chuyện với nhau sau khi rời sân cỏ. Đây là tín hiệu vui cho bóng đá Việt Nam. Người tự loại mình ra khỏi cuộc chơi, tự bản thân sẽ thấy lạc lỏng khi tất cả đều hướng đến “chân, thiện, mỹ”.
HẢI NGUYỄN