Vừa bước vào năm học mới, phụ huynh và học sinh lo lắng vì tình trạng thiếu sách giáo khoa. Qua khảo sát cho thấy, sách giáo khoa thiếu ở nhiều lớp, nhưng nhiều nhất là thiếu sách lớp một.
Trong tuần qua, các nhà sách trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một luôn tấp nập người, hầu hết là phụ huynh tìm mua sách giáo khoa (SGK) cho con em. Nhiều phụ huynh ra về đầy thất vọng vì đến đâu cũng nhận câu trả lời hết hàng. Tại nhà sách Bình Minh trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TP.Thủ Dầu Một), chúng tôi gặp chị Nguyễn Mỹ Ngọc có con đang học ở trường Tiểu học Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một) đang tìm mua sách lớp 5 cho con. Chị tâm sự, cuối năm học vừa qua cháu được trường thưởng bộ SGK, đến ngày đi học xem lại thì thiếu quyển sách đạo đức, chị vội vàng tìm mua cho con nhưng nhà sách nào cũng báo đã hết hàng. Một phụ huynh khác có con đang học lớp 7 cho biết, đây là nhà sách thứ tư anh đã đến nhưng vẫn không tìm được quyển sách công nghệ lớp 7 cho con.
Đến thời điểm này, học sinh vẫn còn tìm mua SGK cho năm học mới
Nhìn vào kệ sách ở các nhà sách, chúng tôi nhận thấy, hầu như SGK không còn đủ bộ, mà thiếu nhiều nhất là sách lớp một. Hiện tại SGK lớp một chỉ còn vài quyển sách bổ trợ. Việc thiếu SGK không chỉ xảy ra trên địa bàn tỉnh, mà các tỉnh, thành lân cận cũng đang trong tình trạng “đứt” hàng. Đâu là nguyên nhân của việc thiếu SGK, chủ yếu là sách lớp 1 trong mùa tựu trường này? Trước nhất, do năm nay là năm cuối cùng sử dụng SGK lớp 1, sang năm 2019 sẽ thay sách mới, do đó Nhà xuất bản chỉ in sách theo số kế hoạch các công ty sách đã đăng ký. Về phía các công ty sách, các nhà sách, để tránh bị “ôm” hàng nên cũng không dám nhập dư số lượng. Một nguyên nhân khác, do lượng học sinh tăng cao trong năm học mới, đã dẫn đến tình trạng thiếu sách.
Bà Đỗ Thị Nữ, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Sách -Thiết bị giáo dục Bình Dương, cho biết năm học 2018-2019, công ty có kế hoạch nhập 4.535.300 bản SGK và sách bổ trợ. Trước tình hình thị trường hút SGK, công ty liên tục đặt thêm số lượng, đến nay đã nhập gần 5.400.000 bản, như hiện tại nhu cầu mua sắm của học sinh vẫn còn, do đó công ty tiếp tục đặt thêm Nhà Xuất bản Giáo dục. Về phía Công ty Cổ phần Văn hóa và Thương mại Bình Dương, hiện tại công ty đang điều phối sách từ nơi thừa sang nơi có nhu cầu. Mặt khác, công ty vẫn đang tiếp tục nhập thêm những đầu sách còn thiếu để phục vụ cho học sinh.
Với sự chủ động của 2 công ty, hy vọng chỉ vài ngày nữa các nhà sách sẽ bổ sung vào kệ sách những sách đang khan hiếm, mà chủ yếu là sách bài tập.
H.THÁI