Theo ngành chức năng, thời gian qua, bằng nhiều giải pháp kiểm toán năng lượng, chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, đầu tư hệ thống điện mặt trời, nhiều doanh nghiệp, hộ dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hệ thống điện mặt trời và đã hòa lưới điện quốc gia.
Điện mặt trời ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường
Tính đến tháng 8-2019, bên cạnh các dự án ngành điện đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái tại văn phòng các chi nhánh điện lực thuộc Công ty Điện lực Bình Dương và trạm 110 Kv, toàn tỉnh có 474 khách hàng đã đấu nối, hòa lưới và lắp đặt công tơ 2 chiều với tổng công suất gần 9.000 kWp, đạt 149% kế hoạch Tổng Công ty Điện miền Nam giao trong năm 2019. Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng điện tiếp nhận từ hệ thống điện mặt trời trên địa bàn tỉnh là 430.682 kWh.
Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, đến năm 2020 tổng công suất nguồn điện quốc gia cần 60.000 MW. Tuy nhiên, hiện nay tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống của cả nước mới đạt 45.000 MW. Do đó, để bảo đảm nguồn cung cấp điện, một trong những giải pháp được Chính phủ đặt ra là phát triển điện mặt trời đạt 1 GWp (Giga Watt Pít) vào năm 2020, hướng tới mở rộng ứng dụng việc năng lượng và tái tạo, với mục tiêu đạt 6% tổng lượng điện sản xuất vào năm 2030.
Bên cạnh việc mua bán điện, sắp tới dự án “Chương trình phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam” sẽ được triển khai, đưa ra mức hỗ trợ dự kiến là 3 triệu đồng/kWp và không quá 6 - 10 triệu đồng/hộ dân cho 50.000 - 70.000 khách hàng lắp điện mặt trời mái nhà từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại 14,5 triệu EUR của Chính phủ Đức. Các chuyên gia cho biết đây là nguồn lực quan trọng để nước ta phát triển nguồn năng lượng sạch (như điện mặt trời) ngày càng phát triển nhanh về số lượng, góp phần giảm tải cho ngành điện trong thời gian tới.
Tin, ảnh: MINH DUY