Tổng Thanh tra David Buckley.
Ngày 5-1-2015, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã chính thức thông báo việc từ chức của Tổng Thanh tra CIA David Buckley. Thông báo cho biết, ông Buckley sẽ thôi chức Tổng Thanh tra và rời khỏi CIA vào ngày 31-1 tới đây để theo đuổi công việc riêng trong khu vực tư nhân. Trong thời gian chưa có người thay thế ông Buckley, Phó Tổng thanh tra Christopher Sharpley sẽ đảm nhận nhiệm vụ Quyền Tổng thanh tra.
Ông Buckley được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm làm Tổng thanh tra CIA vào tháng 9/2010. Chuyện từ chức của ông Buckley vào lúc này là hết sức nhạy cảm, chỉ vài tháng sau vụ lùm xùm CIA bị cáo buộc do thám các nghị sĩ trong Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, mà chính Buckley là người đã góp phần tạo nên vụ việc.
Do đó, có dư luận cho rằng ông Buckley thực ra bị buộc phải từ chức vì không chịu nổi áp lực nội bộ sau khi đã "bêu xấu" cơ quan mình. Danielle Brian, Giám đốc điều hành của Dự án Giám sát Chính phủ Mỹ (PGO) nhận định, việc làm của ông Buckley đã đặt ra mối bận tâm về việc CIA cố tình ngăn cản Ủy ban Tình báo.
Tháng 7-2014, sau một thời gian điều tra, Tổng thanh tra CIA Buckley đưa ra kết luận rằng các nhân viên CIA đã bí mật bẻ khóa đột nhập vào các máy tính cá nhân của các nhân viên làm việc tại Ủy ban Tình báo Thượng viện để xóa các thông tin, dữ liệu mà Ủy ban này có được trong cuộc điều tra về các biện pháp tra tấn CIA sử dụng tại các "nhà tù đen" ở nước ngoài để tra khảo các nghi can khủng bố trong thời kỳ ông George W. Bush làm Tổng thống. Trong thực tế, các nhân viên CIA đã đột nhập bất hợp pháp vào các máy tính ở Ủy ban Tình báo và cố tình truy cập các file dữ liệu.
Các phát hiện của Buckley đã tạo nên một vụ bê bối lớn, khiến CIA bị công kích kịch liệt tại Thượng viện Mỹ, nhất là Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, Chủ tịch Ủy ban Tình báo. Trong một bài phát biểu khi đó, bà Feinstein đã buộc tội CIA vi phạm Hiến pháp. Giám đốc CIA John Brennan đã phải xin lỗi không chỉ bà Feinstein mà cả Thượng nghị sĩ Saxby Chambliss.
Ngoài ra, ông Brennan còn phải nộp báo cáo của Buckley cho Hội đồng trách nhiệm do Thượng nghị sĩ Evan Bayh đứng đầu để xem xét trách nhiệm của các nhân viên CIA vi phạm. Hiện Hội đồng trách nhiệm đang xem xét, nhưng tờ New York Times dẫn nguồn tin giấu tên cho rằng sẽ không có hình thức kỷ luật nào dành cho các nhân viên CIA liên quan trong vụ việc.
Theo báo chí Mỹ, việc các nhân viên CIA do thám máy tính của các thượng nghị sĩ xuất phát từ một tài liệu mật có tên gọi là Báo cáo Panetta. Đó là tài liệu kiểm tra nội bộ đối với chương trình tra khảo tăng cường của CIA do cựu Giám đốc CIA Leon Panetta ký.
Các thượng nghị sĩ ở Ủy ban Tình báo khẳng định Báo cáo Panetta chính là bằng chứng củng cố thêm cho báo cáo của họ về việc CIA sử dụng các hình thức tra tấn dã man nhưng không giúp thu được thông tin tình báo đáng giá, và rằng CIA đã lừa dối Nhà Trắng, Quốc hội và công chúng Mỹ một cách có hệ thống. Cựu Thượng nghị sĩ Mark Udall gọi Báo cáo Panetta là "khẩu súng có khói" (chứng cứ) chứng minh rằng CIA vẫn đang tiếp tục không trung thực về chương trình khảo cung tăng cường.
Cùng lúc với việc từ chức của Tổng thanh tra CIA Buckley, bà Feinstein cũng chuẩn bị rời ghế Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện. Trước khi ra đi, bà Feinstein đã đưa ra một loạt đề xuất nhằm "tránh tái diễn tra tấn trong tương lai".
Một trong các đề xuất của bà là gia tăng quyền hạn cho Tổng thanh tra CIA. Bà Feinstein đề xuất quy định Giám đốc CIA phải ra một lệnh yêu cầu phải có thông báo với Tổng thanh tra khi CIA triển khai bất cứ hành động bí mật nào và tất cả những thay đổi, điều chỉnh kế hoạch của các hành động đó. Bà Feinstein đề xuất Quốc hội Mỹ sửa đổi luật để cấm tra tấn và cấm CIA giam giữ người quá lâu, chỉ được giam thời gian ngắn thôi.
Bà Feinstein còn đề xuất Giám đốc Tình báo Quốc gia ra lệnh cấm nhà thầu tư nhân tham gia tra khảo và điều hành, quản lý, đánh giá các chương trình tình báo. Bà cũng đề xuất Giám đốc Tình báo Quốc gia và Bộ trưởng Tư pháp ra lệnh cho tất cả các cuộc tra khảo liên quan đến an ninh quốc gia phải được quay video.
Chưa biết các đề xuất của bà Feinstein có được Quốc hội Mỹ chuẩn y hay không, nhưng đây là những điều cần có để ngăn ngừa hành động tra tấn dã man của các cơ quan tình báo và an ninh Mỹ diễn ra trên khắp thế giới.
Theo CAND