9 tháng năm 2018, TP.Thủ Dầu Một tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ và đã đạt được kết quả tốt.
Duy trì đà tăng trưởng cao
Đến nay, trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một có 1.191 hộ kinh doanh, dịch vụ và 1.186 doanh nghiệp trong nước đang sản xuất, kinh doanh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố trong 9 tháng qua ước đạt gần 98.760 tỷ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 80,1% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, thành phố thu nộp ngân sách nhà nước trên 2.511 tỷ đồng từ thuế, phí, lệ phí, kinh doanh, dịch vụ, đạt 79,56% so với chỉ tiêu dự toán tỉnh giao và đạt 74,92% so với nghị quyết HĐND thành phố. Cùng với đó, các ngành chức năng của thành phố đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 106 vụ vi phạm.
Thành phố tiếp tục quan tâm quy hoạch mạng lưới chợ trên địa bàn, trong đó ưu tiên phát triển các khu thương mại tại khu trung tâm; đồng thời đầu tư phát triển mở rộng cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại. Thành phố cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại; tăng cường công tác quản lý nhà nước về thương mại như giá, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống cháy nổ, xây dựng thương hiệu sản phẩn hàng hóa…
Khách hàng mua sắm tại Big C Bình Dương Ảnh: THANH HỒNG
Cùng với việc tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng cao cấp… TP.Thủ Dầu Một đã đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống chợ; hình thành hệ thống cửa hàng tiện lợi theo hướng văn minh, đáp ứng nhu cầu và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đến nay, hệ thống chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố được mở rộng, phân bố đồng đều trên các địa bàn.
Hiện thành phố có 4 trung tâm thương mại là Bình Dương Center, Becamex Tower, Bình Dương plaza, Bình Dương Square và 5 siêu thị gồm Co.op Mart 1, 2, Mega Maket Việt Nam, Big C, Aeon Mal - Citimart, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Các chợ truyền thống hiện hữu cũng được thành phố quan tâm cải tạo, nâng cấp; các chợ tự phát từng bước được sắp xếp ổn định; công tác xã hội hóa chợ cũng đạt kết quả khả quan, kết quả đến nay có 13/15 chợ đã được xã hội hóa. Riêng chợ Thủ Dầu Một đang có chủ trương nâng cấp cải tạo, xây dựng lại theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ nét truyền thống…
Theo đánh giá, nhìn chung các điểm chợ, khu trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một được sử dụng khá hiệu quả; các khách sạn, nhà hàng được khai thác tốt, góp phần tăng doanh thu và tạo việc làm cho người lao động.
Nâng chất ngành thương mại - dịch vụ
Ông Nguyễn Trọng Ân, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, cho biết trong những năm gần đây thương mại - dịch vụ của thành phốphát triển nhanh. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất dịch vụ của thành phố bình quân giai đoạn 2015-2017 đạt 27,73% (kế hoạch đề ra giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân là 26 - 27%). Để đạt được kết quả này, bên cạnh những yếu tố khách quan, phải nói đến sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, hiệu quả của Thành ủy, UBND thành phố, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương của thành phố. Nhờ đó thành phố đã đề ra những cơ chế, chính sách thông thoáng, tiếp tục tạo môi trường đầu tư hấp dẫn và điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ của thành phố.
Tuy nhiên, theo đánh giá, hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một hiện vẫn chưa tương xứng với vị thế là đô thị loại I; chất lượng một số loại hình dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và sự phát triển của xã hội, còn thiếu nhiều dịch vụ chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc quản lý hoạt động, khai thác, sử dụng của một số chợ trên địa bàn chưa hiệu quả, còn nhiều bất cập. Cùng với đó, tốc độ triển khai một số dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, nhà ở xã hội, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn còn chậm so với kế hoạch được phê duyệt; việc cung cấp dịch vụ cho các khu, cụm công nghiệp còn hạn chế…
Năm 2018 lànăm đầu tiên TP.Thủ Dầu Một thực hiện nhiệm vụ chính trị với vị thế là đô thị loại I. Trước tốc độ phát triển công nghiệp nhanh của tỉnh như hiện nay, dự báo nhu cầu về dịch vụ thương mại, nhà ở, thương mại, tài chính ngân hàng… ngày càng tăng, nhất là dịch vụ cao cấp, thành phố đặt ra mục tiêu là đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế với trọng tâm phát triển thương mại - dịch vụ là mũi nhọn, là động lực thúc đẩy tăng trưởng. “Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư vào các trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống chợ, dịch vụ vui chơi giải trí, chợ đầu mối, khu ẩm thực… Thành phố cũng nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ; đồng thời khuyến khích, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân trên địa bàn phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ, nhất là dịch vụ chất lượng cao, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội, xứng tầm với vị thế của đô thị loại I”, ông Ân nói.
THANH HỒNG