Thực phẩm không bảo đảm an toàn sẽ bị thu hồi
Hỏi: Thực phẩm không bảo đảm an toàn sẽ bị thu hồi và xử lý theo hình thức như thế nào?
PHẠM THỊ LOAN (TX.Dĩ An)
Trả lời: Tại khoản 2 và 3 Điều 55 Luật An toàn thực phẩm quy định:
Thực phẩm không bảo đảm an toàn bị: Thu hồi tự nguyện do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự thực hiện; thu hồi bắt buộc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Các hình thức xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn bao gồm: Khắc phục lỗi sản xuất, lỗi ghi nhãn; chuyển mục đích sử dụng; tái xuất và tiêu hủy.
****
Ghi hạn sử dụng trên nhãn thực phẩm
Hỏi: Tôi thường thấy trên các thực phẩm đóng gói hoặc đóng hộp đều thấy có ghi hạn sử dụng. Vậy pháp luật quy định cụ thể như thế nào về ghi hạn sử dụng trên nhãn thực phẩm?
TRẦN MINH TÚ (TX.Tân Uyên)
Trả lời: Vấn đề ghi hạn sử dụng trên nhãn thực phẩm được quy định tại Điều 17 Nghị định số 38/2012/NĐ- CP như sau:
- Hạn sử dụng an toàn bắt buộc phải ghi “Hạn sử dụng” hoặc “Sử dụng đến ngày” đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm tăng cường vi chất và những thực phẩm dễ có khả năng bị hư hỏng do vi sinh vật. Hạn sử dụng an toàn đối với các thực phẩm khác có thể ghi “Sử dụng tốt nhất trước ngày” phù hợp với loại sản phẩm thực phẩm.
- Đối với thực phẩm ghi “Hạn sử dụng” hoặc “Sử dụng đến ngày” thì không được phép bán ra thị trường khi đã quá thời hạn này.
- Đối với thực phẩm ghi “Sử dụng tốt nhất trước ngày” thì sau thời điểm này thực phẩm vẫn được phép bán trên thị trường nếu nhà sản xuất chứng minh được thực phẩm đó an toàn với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải ghi hạn sử dụng rõ ràng theo một trong hai hình thức “Hạn sử dụng”, hoặc “Sử dụng đến ngày”. Chỉ sản xuất thực phẩm mới được kéo dài hạn sử dụng cho sản phẩm thực phẩm của mình và hạn sử dụng kéo dài tối đa chỉ bằng hạn sử dụng đã quy định lần đầu tiên.
Luật gia XUÂN LẠC