Hiện tượng trái cây có tồn dư hóa chất độc hại đã diễn ra lâu nay, nhưng kể từ khi có thông tin chính thức thì những loại trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc mới bị người tiêu dùng (NTD) tẩy chay. “Gần đây khách hàng mua trái cây thường hỏi xuất xứ rất kỹ. Tình hình tiêu thụ các loại táo, nho, lê Trung Quốc ế ẩm nên tôi chuyển sang kinh doanh trái cây có xuất xứ trong nước”, một tiểu thương kinh doanh trái cây trên đường Nguyễn Thái Học, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một cho biết. NTD chọn mua trái cây tại siêu thị
Nắm bắt tâm lý NTD chuộng trái cây nội, quầy trái cây trên đường ĐT743 khu phố I, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một bày bán rất nhiều chủng loại trái cây, tuy nhiên các loại trái cây có nguồn gốc từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ rất ít. Chủ sạp trái cây này cho biết, NTD không còn mặn mà với các loại trái cây Trung Quốc, đặc biệt là táo nên chỉ bày thêm chút ít cho phong phú chứ thật ra không bán được. Do nhu cầu tiêu thụ trái cây nội địa tăng nên giá các loại trái cây nội đang có xu hướng tăng trung bình 5.000 đồng/kg so với trước. Cụ thể, bưởi da xanh Bến Tre 45.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 65.000 đồng/kg, mãng cầu 45.000 - 50.000 đồng/kg; thanh long ruột đỏ Phan Thiết 35.000 đồng/kg...
Theo khảo sát của chúng tôi tại khu vực TP.Thủ Dầu Một, các loại táo với màu sắc bắt mắt bày bán được dán đủ loại tem nhãn, nhưng khi hỏi về xuất xứ thì mỗi người nói một kiểu, hàng nhập khẩu từ Mỹ, Australia hoặc New Zealand, không có chủ hàng nào nói nhập từ Trung Quốc. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bán, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD, cho biết tình trạng hàng giả nhãn hiệu, vi phạm nhãn mác đang diễn ra khá phổ biến. Để biết chính xác trái cây có xuất xứ từ đâu, chỉ có cơ quan quản lý thị trường, hải quan qua kiểm tra nguồn gốc nhập khẩu, hóa đơn mới biết. Trong khi chờ đợi kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng, để tự bảo vệ mình tốt nhất NTD nên tìm mua những sản phẩm trái cây chất lượng đã được công nhận và bày bán ở những cửa hàng có thương hiệu, uy tín.
TRÚC HUỲNH