Nhìn thấy hình ảnh một căn nhà gạch, không mái hiên với những tấm ván gỗ bện chồng chéo nằm cạnh con đường nội ô của thị xã, nhiều người nghĩ rằng, đó chỉ là một căn nhà bỏ hoang không ai trú ngụ. Vậy mà nơi ấy, có một người thanh niên cũng giống như một cây cỏ hoang, không đầu hàng với số phận để vươn lên trong cuộc sống. Đó là Trần Thái Hùng ở khu phố 2, tổ 7, phường Phú Cường, TX.TDM. Trần Thái Hùng bên căn nhà dột nát giữa lòng thị xã
Hùng cũng không biết tại sao ba mẹ lại rời bỏ căn nhà ấy để lại em một mình khi tuổi chỉ vừa chập chững biết đi. Kể từ đó, em sống như một đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Rất may là những người xung quanh đã sẵn lòng chia sẻ cho bát cơm, manh áo để em lớn lên cùng năm tháng.
Trong trí nhớ non nớt của mình lúc đó, Hùng chỉ biết là ba mẹ mình nghèo lắm. Kể từ khi bỏ đi xa, mỗi năm, mẹ có về một lần, mua cho em một ít gạo, mì gói và đóng học phí rồi lại đi biệt. Đến năm lớp 7, do không có tiền đóng học phí học kỳ 2 nên em phải nghỉ học để xin vào phụ quán cơm để tự nuôi sống bản thân mình.
Buồn vì tưởng như mình phải bỏ học mãi mãi, nhưng may thay, 3 năm sau, tình cờ, em gặp lại cô giáo cũ. Hùng được cô chỉ dẫn nên tiếp tục theo lớp bổ túc văn hóa vào ban đêm. Vừa học vừa làm, mặc dù rất vất vả nhưng Hùng vui vì mình lại tiếp tục được đến trường. Sau khi hoàn thành xong chương trình bổ túc, Hùng nuôi ước mơ dành dụm tiền thi tuyển vào trường trung cấp. Vậy mà không may, căn nhà trống trơn, nghèo túng của cậu bé đơn côi cũng không lọt qua tầm ngắm của kẻ xấu. Chúng đã lợi dụng lúc Hùng đang say ngủ sau một ngày làm việc vất vả để cưỡm đi chiếc xe máy, điện thoại và cả số tiền dành dụm để đi học.
Hùng lại phải bắt đầu nhen nhóm lại ước mơ bằng những ngày lao động miệt mài. 1 năm sau đó, Hùng thi vào trường Trung cấp Tây Nam Á, theo học ngành công nghệ thông tin cho đến nay. Tiền học phí, tiền sinh hoạt chi tiêu, cắt củm mãi nhưng vẫn là những ngày thiếu trước hụt sau. Học cao hơn thì tiền học phí, sinh hoạt cũng cao hơn, nhưng với Hùng không gì có thể khuất phục được ý chí học tập của mình. Các cô chú thường khuyên “Con không có ai để nương tựa cần cố gắng học hành để tự lo được cho bản thân mình. Vì thế nên mình càng cần phải cố gắng học tập để thay đổi cuộc sống” - Hùng tâm sự.
Điều đáng mừng là dù hoàn cảnh bản thân mình như vậy, nhưng chưa bao giờ Hùng có ý nghĩ tiêu cực, bi quan. “Biết hoàn cảnh của mình thì mình càng phải cố gắng vươn lên nhiều hơn nữa”, Hùng nghĩ. Căn nhà nhỏ xây cất tạm bợ trên diện tích chưa đầy 30m2, gia tài duy nhất mà ba má Hùng để lại cũng dần hao mòn theo năm tháng. Mỗi khi mưa xuống nước ngập vào như thể đấy không phải là căn nhà. “Mình che chắn, chắp vá được chừng nào hay chừng đó để làm nơi che mưa che nắng”, Hùng cho biết.
Nhìn căn nhà lỏm chỏm những cục gạch đã không còn liền lặn, thầm cảm thương cho sự nỗ lực sống hết sức mạnh mẽ nơi chàng trai trẻ với số phận không may mắn. Bản thân đã khó, Hùng lại còn giúp đỡ cho đôi vợ chồng trẻ cùng làm thuê ở quán cơm đến từ Vĩnh Long nương nhờ tạm. Sau đó, “em sẽ học liên thông lên tiếp nữa chứ không muốn dừng lại”. Mỗi khi dạy dỗ con cái, những người hàng xóm xung quanh vẫn thường lấy chính sự nỗ lực vươn lên của Hùng để làm tấm gương cho con cái. Với Hùng đó là động lực để sống tốt hơn nữa.
Sinh ra đã phải sống trong cảnh khó khăn nên dường như với người thanh niên này cũng không quan tâm đến chuyện khổ hay sướng, cốt làm sao để có thể tiếp tục đủ khả năng để đeo đuổi ước mơ học tập của mình. Rất mong, cộng đồng xã hội, tổ chức thanh niên quan tâm và hỗ trợ, đồng hành cùng với ước mơ của một người bạn trẻ có số phận không may!
MAI ANH