Tổ chức Tết Trung thu cho trẻ là một trong các hoạt động của chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em (TE) của tỉnh. Chính vì vậy, để các em được vui chơi, đón ngày tết thiếu nhi rộn ràng, ý nghĩa, ngay từ đầu năm 2018, ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đã lên kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh tổ chức trung thu cho các em thiếu nhi. Nhân dịp Tết Trung thu 2018 đang đến gần, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Ngọc Hằng (ảnh), Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH về những nội dung liên quan.
- Thưa bà, vì sao những năm gần đây trung thu cấp tỉnh được đưa về các địa phương tổ chức? Năm nay, trung thu cấp tỉnh sẽ tổ chức ở đâu và có những chương trình gì?
- Những năm gần đây, tỉnh không tổ chức trung thu cấp tỉnh tại TP.Thủ Dầu Một mà đưa về các huyện, thị, thành phố luân phiên tổ chức, mục đích là tạo điều kiện cho TE trên khắp địa bàn tỉnh, nhất là TE có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, TE nghèo, TE ở các vùng xa... có cơ hội ngang nhau được đón Tết Trung thu an toàn, vui tươi, ấm áp.
Năm 2018, trung thu cấp tỉnh được tổ chức tại TX.Dĩ An với các hoạt động chính như: Hội thi “Lung linh sắc màu trung thu” thi lồng đèn đẹp, đội hình rước đèn trung thu; chương trình “Lễ hội rước đèn trung thu” và “Đêm hội trăng rằm”, văn nghệ thiếu nhi, tái hiện sự tích chú Cuội và chị Hằng; chương trình “Lồng đèn trao tay - Thắp sáng ước mơ” trao tặng 1.000 lồng đèn cho TE có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các lớp học tình thương, TE các khu nhà trọ, TE có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TX.Dĩ An. Bên cạnh đó, các em tham dự “Đêm hội trăng rằm” cũng được nhận quà.
TE các địa phương trong tỉnh vui đón Tết Trung thu năm 2017 tại TX.Thuận An
- Đối với các em ở các xã vùng xa của tỉnh, việc tổ chức trung thu cho các em như thế nào? Bình Dương hiện có 40 CLB “Trẻ em với phòng, chống HIV/AIDS” với hơn 1.200 em là con em lao động nghèo, trẻ lang thang, cơ nhỡ, vậy trung thu năm nay đối với các em sẽ được tổ chức như thế nào, thưa bà?
- Đối với TE ở vùng xa của tỉnh như: Dầu Tiếng, Phú Giáo, ngoài chọn một xã (luân phiên) tổ chức “Đêm lễ hội trung thu” cấp huyện, lễ hội trung thu còn được tổ chức tại các xã, thị trấn còn lại. Chương trình trung thu cho các em cũng bao gồm các hoạt động thi lồng đèn đẹp, thi các trò chơi và làm đồ chơi dân gian, rước cộ đèn trung thu, văn nghệ thiếu nhi, tặng quà cho trẻ em…
Đối với TE CLB “TE với phòng, chống HIV/AIDS”, hàng năm, Sở LĐ-TB&XH đều tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để tổ chức Tết Trung thu cho các em với những hoạt động như tổ chức làm lồng đèn, văn nghệ, phá cổ và tặng quà cho các em. Năm 2018, mỗi CLB được hỗ trợ 5 triệu đồng. Nhân dịp này, TE sống trong các Trung tâm Bảo trợ xã hội, TE con người lao động... cũng sẽ được lãnh đạo các cấp, các nhà hảo tâm đến thăm hỏi, động viên tinh thần và tặng quà trung thu... Qua đó giúp các em phấn khởi, lạc quan, cố gắng vượt qua những khó khăn học tập tốt, vững tin bước vào năm học mới.
- Ngoài trung thu cấp tỉnh, các địa phương còn tổ chức đêm hội trăng rằm cho TE trên địa bàn như thế nào, thưa bà?
- Để tạo điều kiện cho mọi TE ở Bình Dương đón một cái Tết Trung thu đầy ý nghĩa với tuổi thơ của mình, đến nay toàn tỉnh đã triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu cho TE từ cấp tỉnh xuống cấp xã phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và cơ sở, bảo đảm an toàn tuyệt đối, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm. Nét mới của trung thu năm nay, các địa phương trong tỉnh cũng sẽ tập trung tuyên truyền vận động hướng tới chủ đề: “Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và TE trong việc tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ nhưng phải bảo đảm an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích TE; đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông, tạo điều kiện cho TE được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển.
Với đêm hội trăng rằm, các em sẽ được tham gia các hoạt động thi văn nghệ, thi làm lồng đèn đẹp, thi các trò chơi dân gian, diễu hành rước cộ đèn và phá cổ, tặng quà cho TE có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, TE tại các lớp học tình thương. Ngoài ra, tùy vào điều kiện, đặc điểm tình hình của địa phương, UBND các xã, phường, thị trấn cân đối nguồn kinh phí của địa phương và có kế hoạch vận động các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ các hoạt động tổ chức lễ hội trung thu năm 2018 cấp xã và tặng quà cho TE địa phương; quan tâm đến những trẻ không được nhận quà của cấp huyện, tỉnh theo phân bổ; tổ chức Tết Trung thu gắn với những nội dung về bảo vệ, chăm sóc TE, như: Xây dựng “Xã, phường, thị trấn phù hợp với TE”, “Phòng, chống tai nạn thương tích TE”, “Phòng, chống đuối nước TE”, “Phòng, chống bạo lực, xâm hại TE”, xây dựng “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn, thân thiện”, “Cộng đồng an toàn” cho TE…
- Xin cảm ơn bà!
Vào lúc 15 giờ ngày 19-9 (10-8 âm lịch) tới, tại Trung tâm Hội nghị-Triển lãm tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Hội đồng Bảo trợ Quỹ bảo trợ TE tỉnh phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương sẽ tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Ngày hội trung thu và trao học bổng” học sinh, sinh viên vượt khó, TE có hoàn cảnh khó khăn. Năm nay, chương trình sẽ có khoảng 1.000 em tham dự với nội dung trao nhận tài trợ (lãnh đạo tỉnh trao kỷ niệm chương và hoa cho các nhà tài trợ); trao tài trợ chương trình “Mỗi trái tim nhân ái - chắp cánh một ước mơ”; trao học bổng, máy tính, xe đạp cho học sinh; tặng quà trung thu cho các em tham dự chương trình.
Dịp trung thu năm nay, Quỹ bảo trợ trẻ em còn trích quỹ tặng quà cho TE lớp học tình thương của TP.Thủ Dầu Một và huyện Bàu Bàng vào ngày 21-9 (12-8 âm lịch). Các em không chỉ được nhận quà mà còn được tập huấn kỹ năng sống.
THIÊN LÝ (thực hiện)