Những ngày này, tỉnh Bình Dương đang nỗ lực triển khai thực hiện các chương trình bình ổn giá, bảo đảm đủ nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Nguồn cung dồi dào
Đại diện Sở Công thương cho biết, các hoạt động chuẩn bị cung ứng hàng hóa cho thị trường Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đã được bắt đầu từ tháng 11, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu. Trên cơ sở nhu cầu tiêu dùng của nhân dân đối với nhóm hàng hóa thiết yếu, sở đã phối hợp cùng các ngành, các cấp, doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh, bán lẻ trên địa bàn đưa nguồn hàng hóa ra thị trường dịp Tết Nguyên đán 2018 với tổng giá trị dự kiến gần 759 tỷ đồng, cung ứng trong 2 tháng trước và sau tết (tăng khoảng 25% so với kế hoạch dự trữ năm 2017).
Các siêu thị đã hoàn tất kế hoạch dự trữ nguồn hàng bình ổn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2018. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Big C Bình Dương. Ảnh: TRÚC HUỲNH
Các mặt hàng tập trung vào 5 nhóm ngành hàng thiết yếu, gồm lương thực (gạo, nếp), thực phẩm tươi sống (thịt heo, thịt bò, gia cầm, cá, trứng, rau, củ, quả…), thực phẩm chế biến (đường, sữa, dầu ăn, bột ngọt, bia, nước giải khát…), xăng dầu và thuốc trị bệnh cho người (thuốc thông thường sản xuất trong nước). Các DN cũng chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thông thường tăng hơn 40% so với chỉ tiêu tỉnh giao. Dịp tết sắp tới, cùng với bình ổn giá, sẽ có nhiều đợt khuyến mại giảm giá của các DN nhằm hỗ trợ người tiêu dùng.
Theo thông tin từ các đơn vị phân phối hàng tiêu dùng lớn trong tỉnh, đến thời điểm này các DN đầu mối, siêu thị đã hoàn tất công tác đàm phán với các nhà cung cấp, lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cho hệ thống siêu thị đầy đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, chủng loại hàng hóa dự trữ và thời gian dự trữ theo yêu cầu của tỉnh. Trong đó, siêu thị Big C chuẩn bị hàng hóa bình ổn chiếm tỷ lệ cao nhất, với tổng giá trị gần 312 tỷ đồng; siêu thị MM Mega Market gần 180 tỷ đồng; Co.opMart Bình Dương I trên 106 tỷ đồng… Các đơn vị khác như Công ty Cổ phần Thương mại Du lịch Bình Dương chuẩn bị lượng hàng bia, nước ngọt trị giá 58,5 tỷ đồng; Vissan chuẩn bị gần 1,5 tỷ đồng tạo nguồn cung ứng thịt heo, bò, gà, thực phẩm công nghệ tại hệ thống các siêu thị và cửa hàng giới thiệu sản phẩm.
Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - TNHH MTV cũng cam kết bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ của công ty, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng trên địa bàn trong dịp tết. Đối với các siêu thị Lotte, Vinmart, Công ty TNHH Phạm Tôn cũng đã có kế hoạch, cam kết tăng cường hàng hóa, phương tiện vận tải, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa cung ứng cho nhân dân các vùng trong tỉnh khi bước vào mùa tết.
Ổn định về giá
Trong năm 2017, tình hình bão lụt diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trong cả nước, cùng những yếu tố khác đã có tác động nhất định đến giá cả hàng hóa. Do vậy, áp lực tăng giá đầu vào khiến giá thành hàng hóa tăng lên trong dịp tết năm nay là rất lớn, đặc biệt là đối với lương thực, thực phẩm do sức cầu hàng hóa tăng, trong khi điều kiện chăn nuôi, thời tiết đang diễn biến không thuận lợi. Chính vì thế, việc giữ ổn định giá hàng hóa thị trường tết là mục tiêu nhà quản lý, DN bán lẻ tham gia bình ổn giá thị trường đang hướng tới.
Bà Trần Thị Hồng Quyên, Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart Bình Dương chợ Đình, cho biết từ tháng 8 Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) - đơn vị chủ quản Co.opmart Bình Dương, đã làm làm việc với các nhà cung cấp, người nông dân tại các địa phương cùng thảo hợp đồng chốt giá, chốt sản lượng thu mua để chủ động nguồn hàng và khống chế giá thành đầu vào. Đơn vị phải tung ra số tiền khá lớn để dự trữ hàng hóa thuộc các mặt hàng đăng ký bình ổn, vì bất cứ trường hợp tăng giá từ phía nhà cung cấp Co.op Mart sẽ chịu trách nhiệm về phần chênh lệch giá tăng này mà không điều chỉnh tăng giá bán đối với nhóm hàng hóa thiết yếu như đã đăng ký bình ổn với Sở Công thương Bình Dương. Riêng đối với chương trình hàng Việt về nông thôn, Co.op Mart sẽ tiếp tục mang hàng hóa tết với giá bình ổn về bán hàng tại TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên, huyện Bàu Bàng. Thời gian thực hiện dự kiến vào cuối tháng 11 đến cuối tháng 12 âm lịch để phục vụ bà con vào dịp cuối năm.
Tương tự, đại diện các siêu thị khác cho biết đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng và chương trình bình ổn thị trường tết. Tuy giá cả hàng hóa nhập vào thời điểm này có xu hướng tăng nhưng không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Theo Sở Công thương, xác định việc dự trữ hàng hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác bình ổn thị trường, sở đã chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương, DN, nhà bán lẻ trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 theo nguyên tắc: DN tham gia bình ổn phải cam kết các mặt hàng thiết yếu không tăng giá đột ngột và chỉ cho phép tăng/ giảm với biên độ dao động 5% (có thông báo bằng văn bản). Bên cạnh đó, đơn vị sẽ đẩy mạnh chương trình bán hàng lưu động gắn kết với các phiên chợ vui của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.
Với mục tiêu điều tiết cung - cầu hàng hóa, góp phần bình ổn giá, Sở Công thương tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nhằm bình ổn giá cả thị trường, ngăn chặn kịp thời các hành vi tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán. Cụ thể, đơn vị chức năng của Sở sẽ phối hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường trước, trong và sau tết; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin đồn thất thiệt… bảo đảm nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, phục vụ của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018.
TRÚC HUỲNH