Năm 2017 được đánh giá là năm thành công về xuất nhập khẩu của Bình Dương, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 28,533 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 23,819 tỷ USD; xuất siêu đạt trên 4,7 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực ở Bình Dương tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả tỉnh.
Xuất khẩu của Bình Dương trong năm 2018 được nhận định tiếp tục có nhiều thuận lợi. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty Giày Thái Bình. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng 17,6% so với năm 2016, vượt 1,3% so với kế hoạch năm 2017. 23 nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh đều đạt tăng trưởng khá. Các mặt hàng đạt mức xuất khẩu cao như gỗ đạt 4,03 tỷ USD, dệt may 3,29 tỷ USD, giày dép 2,65 tỷ USD…
Đối với ngành gỗ, mặc dù giá nguyên liệu trong nước và nhập khẩu đang có chiều hướng tăng, nhưng với lượng đơn hàng xuất khẩu dồi dào, cộng thêm việc tăng cường đầu tư cải tiến máy móc, công nghệ, mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng 19,9% so với năm 2016. Riêng thị trường Liên minh châu Âu (EU), với những tác động tích cực của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2018 và Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ vừa được Việt Nam và EU ký tắt vào tháng 5-2017 đã góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm gỗ của doanh nghiệp Bình Dương vào thị trường này.
Đối với ngành dệt may, lượng đơn hàng xuất khẩu năm nay dồi dào, cộng thêm giá nguyên liệu trong nước và nhập khẩu ổn định, trong khi giá gia công không tăng so với cùng kỳ đã tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu mặt hàng này đạt mức tăng trưởng 16,7% so với năm trước. Có thể thấy, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa ghi nhận ảnh hưởng tiêu cực đối với xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của ngành dệt may nói riêng. Trong khi đó, tại các thị trường khác như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, hàng dệt may đang có lợi thế cạnh tranh từ các hiệp định thương mại tự do đã được Việt Nam ký kết mang lại. Còn với ngành giày dép, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng tới 19,2% so với năm 2016.
Theo đại diện Sở Công thương, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu giày dép lớn nhất vào thị trường EU. Lượng đơn hàng xuất khẩu năm 2017 tăng từ 8 - 10% so với năm 2016 do chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn của thị trường EU. Bên cạnh đó, các sản phẩm giày dép xuất khẩu của Bình Dương đang dần khẳng định được lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế và được khách hàng EU ưa chuộng. Cùng với đó, giá nguyên liệu của ngành da giày ổn định, không tăng so với năm trước cũng góp phần tạo nên thành công cho ngành da giày của Bình Dương.
Ông Phan Thành Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương cho biết, công ty có 4 nhà máy sản xuất chính, 100% sản phẩm may mặc của công ty đều xuất khẩu. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm công ty sản xuất 4,8 triệu sản phẩm; xuất khẩu đạt bình quân trên 60 triệu USD/năm. Riêng năm 2017, công ty xuất khẩu ước đạt 62 triệu USD.
Khai thác tốt các lợi thế xuất khẩu
Kết quả xuất khẩu đạt được trong năm 2017 sẽ tạo đà cho xuất khẩu của Bình Dương trong năm 2018 tiếp tục tăng trưởng cao. Điều đáng mừng là môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh tiếp tục được cải thiện, cùng với những nỗ lực trong cải cách hành chính sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư vào tỉnh tăng cao, tạo đà cho xuất khẩu của tỉnh tiếp tục phát triển.
Chia sẻ về những thuận lợi cho ngành da giày trong năm 2018, ông Nguyễn Đức Thuần, Chủ tịch Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam cho biết, ngành da giày là lĩnh vực được các doanh nghiệp Ý quan tâm đầu tư tại thị trường Việt Nam. Với kinh nghiệm của một quốc gia đạt được nhiều thành tựu trong ngành da giày, Ý sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm qua việc hợp tác và cho ra đời Trung tâm công nghệ giày Việt - Ý (tại TX.Dĩ An) nhằm chuyển giao công nghệ, tư vấn và hỗ trợ đào tạo giảng viên nguồn cho ngành công nghiệp sản xuất da giày của Việt Nam nói chung và ngành da giày tỉnh Bình Dương nói riêng. Ngành da giày của Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng cường quan hệ thương mại với Ý cũng như thị trường EU. Trung tâm công nghệ giày Việt - Ý sẽ góp phần thúc đẩy nghiên cứu và phát triển sản phẩm da giày của nước ta; đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật cao, ứng dụng máy móc hiện đại - công nghệ tiên tiến hàng đầu của thế giới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực thiết kế, sản xuất giày dép của Việt Nam.
Trong năm 2018, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt chương trình xúc tiến thương mại năm 2018. Tỉnh cũng hỗ trợ doanh nghiệp tham gia triển lãm trong và ngoài nước nhằm giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường; đồng thời thực hiện tốt chương trình hội nhập kinh tế quốc tế, chương trình thương mại điện tử…
PHƯƠNG LÊ