Bơ booth 7 được đánh giá là một trong những loại cây cho hiệu quả kinh tế cao ở các tỉnh Tây nguyên. Tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bình Dương (xã Phước Sang, huyện Phú Giáo), cũng đang trồng xen loại cây này vào vườn tiêu, vườn cam, quýt…, mở ra triển vọng nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.
Anh Lê Văn Thuận (bên phải) thăm vườn bơ booth 7 của anh Trần Ngọc Huy, thành viên HTX Nông nghiệp Bình Dương, ở ấp Đồng Sen, xã An Bình, huyện Phú Giáo. Ảnh: THANH HỒNG
Dễ trồng, không cần nhiều vốn
Tại buổi tổng kết tình hình kinh tế tập thể của tỉnh tổ chức vào đầu năm 2017, chia sẻ với phóng viên Báo Bình Dương, anh Lê Văn Thuận, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Dương, cho biết về ý tưởng xóa nghèo từ cây bơ booth 7 tại vùng đất Phú Giáo. Theo anh Thuận, việc kết nối từ người trồng trọt thông qua hệ thống bán lẻ của HTX đến người tiêu dùng nhằm nâng cao giá trị và đưa trái bơ ngon đến tận tay người tiêu dùng là rất cần thiết.
Nông dân Đắc Lắc thu hoạch bơ giống booth 7 (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Anh Thuận nói hiện nay, việc sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn sức khỏe NTD đã được các cấp, ngành quan tâm. Tuy nhiên, để người dân từ bỏ thói quen sản xuất manh mún, chỉ chú trọng năng suất, sản lượng mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm thì rất cần sự chung tay vào cuộc của các bên liên quan. Bên cạnh đó, để ngành nông nghiệp tận dụng được cơ hội khi hội nhập, phải xây dựng lộ trình phát triển bài bản, có tư duy đổi mới, nhất là khâu phân phối, tính liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp để khơi thông đầu ra cho sản phẩm; đồng thời xác định được cung và cầu, tránh sản xuất tràn lan, không theo nhu cầu thị trường...
Ông Trần Phi Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thái, huyện Phú Giáo, cho biết bơ booth 7 là cây trồng mới, được du nhập từ Mỹ và mới được triển khai trồng ở các xã An Bình, An Thái, Tam Lập của huyện Phú Giáo. Hiện tại, do cây bơ chưa được trồng phổ biến và đang chờ thu hoạch nên chưa khẳng định được hiệu quả kinh tế. Tuy vậy, bơ booth 7 được một số hộ nông dân ở xã An Thái trồng đang phát triển tốt. Trong thời gian tới, nếu loại bơ booth 7 này có tiềm năng kinh tế, hội sẽ giới thiệu, hỗ trợ người dân phát triển cây trồng mới để tạo điều kiện cho bà con tăng thêm thu nhập. |
Khi bắt tay vào làm nông nghiệp, anh Thuận đã chủ động nguồn vốn từ sớm, dành nhiều thời gian tìm hiểu về cây bơ booth 7. Tuy nhiên, những ngày đầu anh triển khai ý tưởng thành lập HTX Nông nghiệp Bình Dương, vận động và cho giống để người dân trồng thử nghiệm loại bơ booth 7… bà con còn nghi ngại, bởi trồng bơ tại Phú Giáo là mô hình mới nên chưa quen, chưa biết hiệu quả kinh tế như thế nào. Từ kinh nghiệm trồng thành công cây bơ booth 7 tại vườn của gia đình; người trồng bơ booth 7 ở đây được HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; khi tham gia HTX các thành viên còn được cho giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá giảm 10%... anh Thuận đã dần thuyết phục được nhiều bà con trồng bơ.
Tại ấp Đồng Sen, xã An Bình, huyện Phú Giáo, gia đình anh Trần Ngọc Huy trước đây chỉ biết trồng cao su và tiêu. Vài năm gần đây thời tiết diễn biến thất thường, sâu bệnh lại phá hoại hồ tiêu nên thu nhập của gia đình anh giảm sút. Thấy cây bơ trồng được ở Phú Giáo, anh chuyển sang trồng xen canh 200 cây bơ booth 7 vào vườn tiêu. Qua hơn 2 năm chăm sóc, đến nay vườn bơ nhà anh rất tươi tốt. Anh Huy chia sẻ, giống bơ booth 7 dễ trồng, bên cạnh đó vì trồng xen trong vườn tiêu nên lượng phân bón cho cây bơ rất ít. Cây bơ booth 7 ít bệnh, không phải bỏ công chăm sóc nhiều như cây cao su, điều; đến kỳ thu hoạch không phải lo cho đầu ra sản phẩm bởi HTX Nông nghiệp Bình Dương đã ký hợp đồng thu mua bơ nên anh rất an tâm.
Không chỉ có anh Huy, hiện nay ở các xã Tam Lập, An Thái, An Bình... của huyện Phú Giáo đang có nhiều hộ nông dân tham gia trồng thử nghiệm giống bơ booth 7.
Tín hiệu tốt
Đưa chúng tôi tham quan vườn bơ đang giai đoạn sung sức tại vườn của gia đình, anh Thuận cho biết vườn bơ đã trồng được 5 năm, 1.500 cây được trồng xen với cây tiêu, chè xanh, đinh lăng. Nhờcây bơ phùhợp với điều kiện đất đai, khíhậu, thổ nhưỡng ở Bình Dương, cộng với việc được chăm sóc đúng quy trình, kỹthuật nên vườn bơ booth 7 của anh thích nghi tốt với môi trường tại đây. Hiện vườn bơ đang phát triển ổn định và cho thu hoạch mùa 2.
Nói về lợi ích kinh tế mà giống bơ này mang lại, anh Thuận cho biết nếu được chăm sóc tốt, mỗi cây bơ cóthểthu hoạch từ50 -70kg/ năm (với số lượng khoảng 48- 60 cây/1.000m2). Mức giá thu mua hiện nay trung bình là 40.000 đồng/kg thì một cây bơ cho thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 1,5 - 2,5 triệu đồng; thu hoạch từ năm thứ 5 trở đi vườn bơ sẽ cho thu lãi lớn. Đó là chưa kể đến nguồn thu từ việc trồng xen canh các loại cây khác.
Theo anh Thuận, tuy trồng bơ mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng cần có thêm thời gian để theo dõi, lựa chọn vùng đất phát triển phù hợp. Bởi, tuy cây bơ dễ trồng nhưng đây là loại bơ muộn, hoa nở từ chính vụ và nở rộ bên ngoài tán khá đẹp, thời gian phơi hoa kéo dài trong mùa tưới tháng 2 - 3 nên chịu ảnh hưởng rất lớn của yếu tố nắng nhiều, gió lớn hoặc mưa nhiều ở thời điểm nở hoa nên năng suất biến động. Nhưng bù lại, giá bơ booth 7 đang bán trên thị trường khá cao, từ 60.000 - 160.000 đồng/kg và được tiêu thụ mạnh trong nước và tiềm năng xuất khẩu khá lớn.
Giống bơ booth 7 có thời điểm thu hoạch muộn hơn khoảng 2 tháng so với các loại bơ khác; thường ra hoa vào tháng 1 đến tháng 3 hàng năm, cho thu hoạch vào tháng 10 đến tháng 12 nên dễ tiêu thụ. Mặc dù cho thu hoạch trái vụ nhưng năng suất bơ booth 7 không thua kém bơ chính vụ. Thời gian từ khi thu hoạch đến khi trái chín khoảng 15 ngày, vỏ bơ dày nên thuận lợi cho vận chuyển, bảo quản sản phẩm. Đặc biệt, ưu điểm của loại bơ này là quả to, đều, trung bình khoảng 3-5 trái/kg, ruột vàng, giá trị dinh dưỡng cao.
THANH HỒNG