Thông tin bị rò rỉ
Những câu chuyện về tên trùm khủng bố Osama bin Laden vẫn được người ta nhắc đến trong suốt hơn 10 năm qua bởi cả thế giới vẫn chưa thôi rúng động về cái chết của tên trùm khủng bố này. Những bí mật, những sự thật liên tục được phanh phui và hé lộ. Mặc dù có rất nhiều những ý kiến khác nhau nhưng sự thật thì Osama bin Laden sẽ không bị phát hiện nếu như ông ta không sử dụng điện thoại di động. Một lý do tưởng chừng như quá đơn giản nhưng đúng là vì khả năng định vị của điện thoại di động đã khiến ông bị bắt sau gần 10 năm ẩn náu. Đến bây giờ thì nhiều người không còn nhắc đến chuyện Osama bin Laden bị bắt và chết như thế nào bởi mọi chuyện đã quá rõ và được báo chí nhắc đến nhiều lần, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề liên quan đến tên trùm khủng bố này khiến thế giới quan tâm.
Người ta nói đến một chế độ, một bộ máy quản lý của các cơ quan tình báo và câu hỏi được đặt ra là tại sao Osama bin Laden lại có thể sống nhởn nhơ suốt gần 10 năm trời mà không bị phát hiện. Và cho đến bây giờ, một số tài liệu của chính phủ Pakistan đã bị rò rỉ về vụ tiêu diệt Osama bin Laden vào năm 2011, mọi thắc mắc đã được giải đáp khi những tài liệu mật này bị hé lộ và các cơ quan tình báo của Pakistan đã bị rơi vào cảnh khốn đốn. Những tài liệu này bị rò rỉ, các cơ quan tình báo của Pakistan đã phải nhận những lời chỉ trích là kém cỏi, là bất cẩn, thiếu trách nhiệm, nói chung là họ phải nhận tất cả những lời lẽ không hay cho lý do trùm khủng bố Osama bin Laden sống nhởn nhơ gần 10 năm.
Trong tập tài liệu còn có một phiên bản báo cáo về vụ tiêu diệt Bin Laden bị rò rỉ với Đài truyền hình Al-Jazeera cũng nói rằng, việc lực lượng Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố là "một hành động giết người" theo lệnh của Tổng thống Mỹ. Thực tế thì chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden đã được Tổng thống Mỹ chấp thuận và được các biệt kích hải quân SEAL của nhóm phát triển chiến tranh đặc biệt Hoa Kỳ thực hiện. Sự kiện tiêu diệt được trùm khủng bố Osama bin Laden ngay lập tức đã nhận được phản ứng tích cực tại Mỹ.
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, NATO rồi Liên minh châu Âu và một số lớn các quốc gia chúc mừng tin này như một điểm quan trọng, tích cực cho an ninh thế giới và cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, lãnh đạo Hamas tại Dải Gaza, Ismail Haniya, nói rằng: "Chúng tôi lên án việc sát hại một chiến binh Ả Rập và Hồi giáo". Chính vì vậy mà cho đến giờ phút này, trong tập tài liệu mới bị rò rỉ vẫn có những chi tiết phản đối lại lực lượng quân đội Mỹ và việc tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden là một hành động giết người.
Trong tập tài liệu còn có báo cáo tiết lộ các chi tiết về nơi ẩn náu của thủ lĩnh al-Qaeda và cuộc sống thường ngày của y sau khi chạy trốn khỏi Afghanistan vào năm 2001. Trước khi bị bắt, Bin Laden đã có một cuộc sống yên ổn trong một ngôi nhà nằm trong khu vực được bảo mật cao để tránh sự phát hiện của tình báo nước ngoài, các thiết bị giám sát điện tử và các vệ tinh do thám được trang bị công phu, cẩn mật.
Sự thật hay nghi ngờ
Bin Laden đã bị các lực lượng Mỹ tiêu diệt ở tại ngôi nhà này hồi tháng 5 năm 2011, trước khi bị bắt lực lượng quân đội Mỹ đã tỏ ra nghi ngờ về nơi ẩn náu của Bin Laden nhưng ngay lập tức đã bị phía Pakistan bác bỏ. Chính vì vậy mà việc phát hiện dinh thự của trùm khủng bố Bin Laden nằm trong vị trí quân sự Abbottabad và vụ việc sau đó của Mỹ đã gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước mặc dù hai bên vẫn rất cần có nhau. Pakistan là một đất nước có vị trí chính trị không ổn định dưới một chính quyền công dân yếu ớt bị lệ thuộc vào thế lực quân sự trong nước. Tuy nhiên, đây lại chính là nơi Mỹ quan tâm đầu tiên trong chiến lược của mình.
Giờ đây, với việc tiêu diệt Bin Laden trên lãnh thổ của Pakistan và nghi ngờ rằng ít nhất một số bộ phận quân sự, tình báo Pakistan biết ông ta ẩn nấp ở đây, nhiều người trong cả hai quốc gia vẫn xem xét lại gốc rễ của mối quan hệ này. Một phe cho rằng Mỹ nên cân nhắc sự tín nhiệm đối với Pakistan, cắt giảm hoặc chấm dứt các viện trợ ngoại giao để trừng phạt sự “ăn ở hai lòng” này của Pakistan. Nhóm này khẳng định rằng Mỹ và Pakistan không cùng chung các mối quan tâm lợi ích và Mỹ nên giảm bớt những mất mát trước khi phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề hơn.
“Chúng ta không có tiền để dành cho những người không phải là bạn của chúng ta”, Thượng nghị sĩ Frank Lautenberg giận dữ thốt lên. Tuy nhiên, là đồng minh không đồng nghĩa là bạn bè. Sự thực khó chấp nhận này là cho dù không một ai muốn hợp tác với những chế độ độc tài, nhưng Mỹ vẫn cần Pakistan và phải chấp nhận những mối quan hệ không thực sự thoải mái, ngay cả những “đòi hỏi” tăng thêm viện trợ. Pakistan thực sự không muốn trở thành một đồng minh đáng tin cậy mà họ chỉ muốn có được lợi ích quốc gia của chính họ.
Một động thái nữa làm tăng thêm sự căng thẳng trong mối quan hệ của hai nước đó là việc một tòa án ở Pakistan đã tuyên án 33 năm tù giam vì tội phản quốc đối với vị bác sĩ đã giúp Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tìm ra nơi ẩn náu của trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden. Bác sĩ Shakil Afridi bị kết án 33 năm tù giam vì tội phản quốc. Ngoài ra, vị bác sĩ này còn phải nộp khoản tiền phạt 320.000 rupi, tương đương 3.500 USD.
Theo hệ thống luật tục Pakistan, bác sỹ Afridi không được phép xuất hiện tại phiên xét xử và cũng không có quyền được tự bào chữa hay nhờ luật sư biện hộ cho mình. Tại phiên xét xử, Afridi bị buộc tội điều hành chiến dịch tiêm chủng giả ở thành phố Abbottabad hòng tìm cách lần ra manh mối, tiếp cận và lấy mẫu ADN của Bin Laden giao nộp cho CIA. Chính nhờ “công lao” này của Afridi mà sau đó Mỹ đã xác định được chính xác thân phận cũng như địa điểm ẩn náu của thủ lĩnh mạng lưới al-Qaeda, rồi bí mật cử đội biệt kích tiêu diệt tên trùm khủng bố này vào đầu tháng 5/2011.
Vụ việc khi ấy đã làm dấy lên căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Pakistan và cũng là nguyên nhân khiến bác sỹ Afridi bị bắt giữ sau đó gần một tháng khi đang tìm cách trốn sang nước láng giềng Afghanistan.
Sau cuộc đột kích của Mỹ, Quốc hội Pakistan đã kêu gọi thành lập Ủy ban Abbottabad để mở một cuộc điều tra độc lập nhằm xác định xem liệu các thất bại của Chính phủ Pakistan nhằm phát hiện Bin Laden là do sự kém cỏi hay thông đồng với al-Qaeda. Ủy ban cũng được giao nhiệm vụ điều tra thất bại của các cơ quan tình báo nhằm phát hiện hoạt động của CIA trên đất Pakistan trước cuộc đột kích của Mỹ "vốn làm bẽ mặt nhân dân Pakistan".
Ủy ban đã phỏng vấn các quan chức quân sự, dân sự và 3 bà vợ góa của Bin Laden trước khi họ bị trục xuất về Ả-rập Xê-út. Nhưng tất cả những kết quả của các cuộc điều tra đã bị giữ bí mật cho tới khi Al-Jazeera công bố chúng trước báo giới và sự chỉ trích mạnh mẽ trong bản báo cáo càng khiến giới chức quân sự, tình báo Pakistan "ê mặt".Các tài liệu bị rò rỉ đã chỉ trích chính phủ Pakistan và quân đội, miêu tả một cách chi tiết sự kém cỏi và bất cẩn đáng trách của tất cả các quan chức trong chính phủ.
Mặc dù Ủy ban không tìm thấy bằng chứng về sự thông đồng, nhưng tài liệu cho biết Ủy ban không loại trừ khả năng về "sự đồng lõa bên trong hoặc ngoài chính phủ". Báo cáo cũng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ cuộc đột kích của Mỹ vào Abbottabad, báo cáo miêu tả và khẳng định đó là "một hành động chiến tranh của Mỹ" và "sự sỉ nhục lớn nhất đối với Pakistan". Báo cáo đã dẫn lời các quan chức nói rằng các máy bay không quân Pakistan đã được điều động để bắn hạ các trực thăng Mỹ nhưng quá muộn.
Tài liệu dài 336 trang trong đó ghi lại chi tiết toàn bộ những cuộc phỏng vấn 200 nhân chứng. Báo cáo này đã được chuyển giao cho Chính phủ Pakistan từ hơn 6 tháng trước và yêu cầu được giữ cẩn trọng và bí mật.
Theo CAND