Bước vào lớp dự bị 2 gồm khoảng chục em trong độ tuổi lớp 2 do giáo viên (GV) Hoàng Thị Hằng đứng lớp tại Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An (TT), chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy GV chỉ vào hình (trên màn hình) một chiến sĩ đang lái máy bay, giải thích đó là phi công rồi đọc to câu hỏi bên cạnh: “Ai là người lái máy bay? - a) Bác sĩ; b) Thợ mộc; c) Phi công” thì lập tức các em đều trả lời là câu c) Phi công. Sở dĩ các em “nghe” được và hiểu được lời của GV cũng như trả lời đúng câu hỏi là nhờ các em được “Can thiệp sớm”.
Một tiết học ở lớp dự bị 2
TT được hình thành từ những năm 1886 và cũng trong năm ấy trường đã cử người qua Pháp để học ký hiệu (dành cho người khiếm thính) nhằm về truyền đạt cho các em. Nhưng kể từ năm 1995, Ban Giám đốc TT nhận thấy việc “Can thiệp sớm” sẽ giúp các em hòa nhập cộng đồng tốt hơn (sau những khóa học “Can thiệp sớm”, các em có thể học chung với các trẻ bình thường khác) nên đã mở ra những lớp “Can thiệp sớm”. Tuy nhiên, điều quan trọng là những bậc phụ huynh phải phát hiện ra bệnh “điếc” của con em mình càng sớm càng tốt để đưa đến TT một cách kịp thời. Theo sơ Trịnh Thị Đào - Giám đốc TT: “Phát hiện các em bị điếc khi chưa đến 1 tuổi hoặc dưới 3 tuổi càng sớm càng tốt là rất quan trọng. Bởi vì khi đó các em chưa biết nói. Chúng ta biết rằng khi trẻ chưa nói được thì các em vẫn nghe (nếu bình thường) và trong quá trình nghe đó sẽ tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng từ trong trí óc do bên ngoài (cha mẹ, anh em, xã hội...) mang lại để rồi một ngày nào đó các em bật ra thành tiếng nói. Nếu các em không nghe được thì không tích lũy được gì nên chẳng thể nào nói được. Vì vậy, khi có điều kiện “Can thiệp sớm” các em sẽ được nghe (qua máy trợ thính) sớm, được tiếp xúc sớm với các GV dạy khẩu hình, gia đình... thì chuyện hòa nhập rất dễ dàng...”.
Thiệt thòi cho các em khiếm thính là gia đình phát hiện trễ, khi đó đầu óc các em không còn dễ tiếp thu như lúc còn nhỏ (từ 1 - 3 tuổi), vì thế các em phải học theo kiểu đa phương pháp, là kết hợp: Ký hiệu ngôn ngữ, ngôn ngữ cơ thể; chữ cái ngón tay và khẩu hình.
Hiện tại, trong những mục tin tức, sự kiện quan trọng diễn ra trong nước và nước ngoài ở nhiều đài truyền hình đã có hình một người nhỏ bên góc để ký hiệu ngôn ngữ dành cho những người khiếm thính tiện theo dõi. Tuy nhiên “hiệu quả không cao, bởi những người khiếm thính hiểu được một nửa câu chuyện là đã may lắm rồi”. Sơ Trịnh Thị Đào cho biết tiếp: “Ở Việt Nam ký hiệu ngôn ngữ cũng chưa được chuẩn hóa. Thí dụ, ở miền Nam ký hiệu chữ má (mẹ) bằng cách đưa tay quẹt nhẹ lên gò má, nhưng ở phía Bắc lại ký hiệu bằng cách chỉ tròn lên búi tóc trên đầu. Đó cũng là một trở ngại đối với các em.
Năm 1995, khi áp dụng chương trình “Can thiệp sớm”, TT chỉ nhận được khoảng 5, 6 em. Nhưng hiện tại TT đã tiếp nhận được 61 em và một số em đã được ra ngoài học chung với các em bình thường khác. “Năm sau, chúng tôi sẽ tiếp tục cho 4 em ra ngoài hòa nhập lớp 2”, sơ Đào nói.
Ngày 19-3-2011 lễ khởi công xây dựng khối phòng “Can thiệp sớm” cho trẻ khiếm thính trong chương trình viện trợ không hoàn lại quy mô nhỏ của Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản và Chính phủ VN với số tiền 2 tỷ 064 triệu đồng (làm tròn số) cho TT, về phía TT phải góp hơn 1 tỷ đồng nữa. Dự kiến khối phòng này sẽ đưa vào sử dụng trong năm học tới và có thể “Can thiệp sớm” cho khoảng 120 em. Tuy nhiên, sơ Trịnh Thị Đào vẫn còn băn khoăn về khoản trang thiết bị cho các phòng học này, như màn hình lớn (32 inch trở lên), máy điều hòa (bởi vì phòng cách âm); bàn ghế... Ngoài ra, TT còn phải cố gắng làm sao để hoàn thiện thêm trên 20 phòng học (27 lớp mới chỉ trang bị được 6 màn hình lớn) nữa để tạo điều kiện học tập tốt nhất, hiệu quả nhất cho các em khiếm thính nơi đây...
DẠ TRẦM