Trường Đại học Thủ Dầu Một: Đẩy mạnh triển khai đề án nghiên cứu về Đông Nam bộ

Cập nhật: 24-06-2015 | 09:14:57

Sau 6 năm thành lập, trường Đại học (ĐH) Thủ Dầu Một đã đạt được những bước phát triển đáng ghi nhận trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học… Đặc biệt, nhà trường đã rất thành công trong việc xây dựng và phát triển đề án nghiên cứu về miền Đông Nam bộ. Đây là đề án mang tính chiến lược trong mục tiêu trở thành trường ĐH nghiên cứu vào năm 2020…

Lãnh đạo trường Đại học Thủ Dầu Một làm việc với tỉnh Bình Phước về triển khai đề án nghiên cứu Đông Nam bộ

Đề án mang tính chiến lược

Trong chiến lược phát triển của mình, trường ĐH Thủ Dầu Một không chỉ là trường ĐH trọng điểm của tỉnh Bình Dương mà còn là trường ĐH trọng điểm miền Đông Nam bộ. Lãnh đạo nhà trường đã và đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm tạo bước chuyển từ ĐH định hướng ứng dụng sang ĐH định hướng nghiên cứu. Đề án nghiên cứu khoa học về miền Đông Nam bộ là một trong những kế hoạch nghiên cứu khoa học trước mắt và lâu dài trong mục tiêu đưa nhà trường trở thành trường ĐH nghiên cứu vào năm 2020.

Giảng viên trường Đại học Thủ Dầu Một hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học

Thực hiện sứ mệnh của mình là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Bình Dương và vùng kinh tế trọng đểm phía Nam, trường ĐH Thủ Dầu Một đã xác lập cho mình định hướng nghiên cứu ở hai lĩnh vực cơ bản là nghiên cứu phát triển nhà trường, nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc triển khai và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về miền Đông Nam bộ là một trong những giải pháp hữu hiệu để khuyến khích những công trình khoa học có ý nghĩa thiết yếu, đáp ứng mục tiêu của nhà trường đồng thời đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, gắn việc đào tạo của nhà trường với việc phát triển KT-XH ở miền Đông Nam bộ.

Đề án thực hiện 5 chương trình nghiên cứu trên một số lĩnh vực chủ yếu: Kinh tế; xã hội; giáo dục - đào tạo; lịch sử - văn hóa và môi trường. Các chương trình nghiên cứu hướng đến mục tiêu làm rõ các vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và môi trường, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn, các giải pháp tối ưu để phục vụ cho sự phát triển bền vững trên địa bàn Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các chương trình, đề tài thuộc đề án tập trung nghiên cứu những vấn đề khoa học và thực tiễn, liên quan và phục vụ phát triển bền vững KT-XH theo chương trình nghị sự 21 của Chính phủ. Kinh phí đề án dự kiến là 20 tỷ đồng trích từ ngân sách hoạt động khoa học và vốn của nhà trường.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một - người chủ trì đề án nêu rõ: “Đông Nam bộ là khu vực lịch sử, văn hóa, nơi chứa đựng nhiều tiềm năng về tài nguyên, đất đai và các nguồn lực cho phát triển KT-XH của đất nước. Trong công cuộc đổi mới, Đông Nam bộ thuộc địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam, có tốc độ phát triển kinh tế cao, có chuyển biến mạnh về cơ sở hạ tầng, xã hội, văn hóa. Hầu hết các tỉnh ở khu vực Đông Nam bộ đang chuyển biến mạnh mẽ từ nền KT-XH nông nghiệp, nông thôn sang xã hội công nghiệp và đô thị. Căn cứ những định hướng phát triển bền vững của Chính phủ ban hành, quá trình phát triển KT-XH ở Đông Nam bộ đặt ra nhiều vấn đề cả về tiềm năng tài nguyên, đất đai và các nguồn lực cho khoa học và thực tiễn rất cần được nghiên cứu, tổng kết nhằm phục vụ cho việc xây dựng chính sách, giải pháp phát triển bền vững ở Đông Nam bộ đồng thời góp phần tổng kết những vấn đề lý luận về phát triển bền vững ở Việt Nam… Việc thực hiện đề án nghiên cứu khoa học về miền Đông Nam bộ không những rất cần thiết cho công tác đào tạo của trường ĐH Thủ Dầu Một và còn có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển KT-XH của địa phương, của đất nước”.

Sẽ xây dựng đề án mã ngành và Thư viện về Đông Nam bộ

Ngay sau ra đời, đề án đã nhận được sự đánh giá cao và hỗ trợ, hợp tác của các cơ quan khoa học giáo dục và các nhà khoa học trong cả nước. Trong chuyến làm việc của Đoàn công tác ĐH Thủ Dầu Một tại các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang về việc triển khai Đề án nghiên cứu phục vụ KT-XH Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, lãnh đạo các địa phương đã đánh giá cao tính cấp thiết và khả thi của đề án. Phần lớn các địa phương đều đánh giá việc phối hợp triển khai các đề tài thuộc đề án sẽ là điều kiện tăng cường sự gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo với thực tiễn KT-XH của khu vực Đông Nam bộ; gắn kết chặt giữa đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Các kết quả nghiên cứu về các lĩnh vực sẽ cung cấp luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng cơ chế, chính sách phát triển, quản lý kinh tế, xã hội, môi trường ở Đông Nam bộ theo định hướng ưu tiên phát triển bền vững; cung cấp giải pháp khoa học để phát triển bền vững trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, nông thôn, giải pháp phát triển bền vững các ngành, địa phương ở miền Đông Nam bộ.

Đối với trường ĐH Thủ Dầu Một, kết quả của những công trình nghiên cứu về Đông Nam bộ sẽ tạo nguồn học liệu phục vụ giảng dạy và học tập; góp phần hoàn thiện chương trình đào tạo và làm căn cứ khoa học cho việc mở những ngành đào tạo mới; tạo môi trường học thuật thúc đẩy cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng tiên tiến, hiện đại. Hơn thế, sẽ tạo ra môi trường nghiên cứu khoa học thuận lợi cho việc thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ của nhà trường. Trong khi phối hợp thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học với các địa phương, cán bộ, giảng viên trường ĐH Thủ Dầu Một sẽ là lực lượng chủ chốt, tham gia Ban chỉ đạo, cố vấn khoa học, chủ nhiệm chương trình, đề tài, hội đồng xét duyệt, nghiệm thu, thực hiện đề tài cấp trường, hội thảo khoa học, phổ biến thông tin, kết quả nghiên cứu của đề án, từ đó sẽ hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh.

Dự kiến, cùng với việc triển khai thành công các đề tài nghiên cứu về miền Đông Nam bộ, trong thời gian sắp đến trường ĐH Thủ Dầu Một sẽ mở mã ngành Đông Nam bộ học, xây dựng thư viện về Đông Nam bộ để phục vụ cho việc nghiên cứu. Hiện nay, nhà trường đang khuyến khích học viên sau ĐH, sinh viên nhà trường thực hiện luận văn, luận án thuộc chương trình nghiên cứu về Đông Nam bộ.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=904
Quay lên trên
X