Cứ sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, chúng tôi lại lần tìm những học sinh (HS) đạt thành tích cao, có hoàn cảnh đặc biệt so với các bạn đồng trang lứa để chia sẻ với bạn đọc về hoàn cảnh và quá trình phấn đấu của các em. Với em Trương Thị Thu Thảo, HS trường THPT Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên), nhờ học giỏi đều các môn, em đã đạt kết quả cao trong kỳ thi vừa qua, trong đó môn toán 9,4 điểm; ngữ văn 8,5 điểm; tiếng Anh 7,8 điểm; lịch sử 9,75 điểm; địa lý 7,75 điểm; giáo dục công dân 9,5 điểm. Với tổng điểm 25,7 ở khối D, em có nguyện vọng vào trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh.
Nhắc đến môn lịch sử, Thảo cho hay đó là môn học em yêu thích từ khi vào lớp 10. Chính nhờ giáo viên bộ môn nhiệt huyết em đã đến với môn học, đam mê tìm hiểu về lịch sử Việt Nam. Với môn lịch sử em lập sơ đồ tư duy để học, giúp cho việc học được dễ dàng và hiểu bài một cách có hệ thống. Với cách học này, cùng với sự bồi dưỡng của giáo viên, năm học lớp 11, Thảo đã đạt giải ba môn lịch sử trong kỳ thi HS giỏi tỉnh.
Có năng khiếu ở các môn xã hội, nhưng môn học em đam mê lại là toán. Do đó, hàng ngày em cũng dành thời gian rèn luyện thêm môn học này. Có sở thích khám phá những kiến thức mới mẻ nên em thường tìm hiểu bài học trước khi lên lớp, đồng thời làm nhiều dạng bài tập khác nhau. Nhờ thói quen tốt này em đã đạt điểm cao ở môn toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Định hướng cho tương lai, khi xác định chọn khối D để xét tuyển đại học, em còn đầu tư cho môn ngữ văn và môn tiếng Anh. Và chính nhờ học giỏi đều các môn, năm học lớp 12 em đã đạt thành tích HS giỏi nhất khối.
Nhìn lại thành tích học tập của em trong những năm học cấp III, chúng tôi thật nể phục cho sự phấn đấu của Thảo. Không chỉ học giỏi, Thảo còn là một HS năng nổ trong các phong trào do đoàn trường và đoàn cấp trên phát động. Do đó, năm 2019 em đã đạt danh hiệu “HS 3 tốt” cấp tỉnh. Nhìn cô nữ sinh vui vẻ, hoạt bát, học giỏi chúng tôi thật sự chạnh lòng khi biết về gia cảnh của em. Thảo tâm sự: “Mẹ em mất từ khi em mới 5 tuổi, ba em sau đó đã lập gia đình khác. Do hoàn cảnh nên em và đứa em trai sống với bà ngoại từ nhỏ”. Thiếu tình thương của những đấng sinh thành, nhưng Thảo đã vượt khó, cố gắng trong học tập và hoạt động phong trào. Với em, việc học không chỉ là niềm vui, mà còn vì một tương lai tươi sáng ở phía trước và đặc biệt là để đền đáp công lao nuôi dưỡng của bà ngoại nay đã già yếu cùng tình yêu thương của thầy cô, bạn bè.
ÁNH SÁNG