“Sau khi được đào tạo, các em trở thành những người thợ lành nghề, sớm có việc làm. Quan trọng hơn, các em chính là những nhân tố kế thừa, góp phần giữ gìn và phát triển các làng nghề truyền thống với nhiều loại hình khác nhau như: Sơn mài, điêu khắc, hội họa…”. Đó là ý kiến của thầy Nguyễn Hùng Việt, Trưởng khoa Điêu khắc, trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương.
Lễ kỷ niệm 110 năm ngày thành lập trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương
Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương được công nhận là một trong những di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh. Tại đây, nhiều thế hệ thầy và trò đã làm nên bản sắc riêng không chỉ cho Thủ Dầu Một, Bình Dương, mà còn làm rạng danh cho quê hương Việt Nam qua cách truyền nghề, các sản phẩm độc đáo của họ. Và hầu hết những nghệ sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc thành danh hiện nay đều từng được đào tạo tại trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương. Từ nền tảng này, họ tiếp tục nâng cao kiến thức ở các cấp đại học, thạc sĩ… rồi trở về phục vụ trường, dìu dắt thế hệ đàn em, tạo nên một chu trình mang tính kế thừa trong việc gìn giữ và phát triển làng nghề.
Thầy Nguyễn Tấn Công, công tác tại khoa sơn mài, tự hào khi nói về những “đứa con” mà thầy đã từng dạy dỗ. Trong đó có cậu học trò Hoàng Văn Cử. Theo lời kể của thầy, Cử quê ở tận Hải Dương. Em vào Bình Dương làm công nhân một thời gian rồi quyết định học nghề. Cơ duyên đã đưa Cử đến với trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương, rồi trở thành một trong những học trò xuất sắc nhất của khoa sơn mài. Được sự động viên của thầy Công, Cử tiếp tục thi vào Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Với vốn kiến thức sẵn có, Cử tiếp tục là một trong những sinh viên xuất sắc của trường Mỹ thuật TP.HCM. Tốt nghiệp đại học, Cử được nhà trường giữ lại làm giảng viên tại khoa sơn mài.
Năm 2014, riêng tại khoa điêu khắc có 9 em tốt nghiệp, trong đó 4 em đậu vào Đại học Mỹ thuật TP.HCM và 1 em đạt thủ khoa. Niềm vui đó đang tạo thêm động lực cho cả thầy và trò của khoa. Hiện tại, khoa điêu khắc của trường đang phối hợp với các công ty, trung tâm hướng nghiệp ở các tỉnh, để mở những lớp chạm khắc ngắn hạn, giúp giải quyết nghề cho thanh niên nông thôn.
Trong năm học 2015-2016, trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương chiêu sinh 7 ngành đào tạo gồm: Sơn mài, điêu khắc, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế đồ gỗ, nghệ thuật trình diễn và quản trị - quản lý. Những bạn trẻ hãy đến với trường để phát hiện năng khiếu, rèn luyện tay nghề, được đào tạo để trở thành những lao động có tay nghề, thành những nhân tố kế thừa trong việc gìn giữ và phát huy làng nghề truyền thống trên đất Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.
SONG ANH