Di tích khảo cổ học Hàng Ông Đại: Công xưởng chế tác công cụ đá lớn nhất ở miền Đông Nam bộ

Cập nhật: 22-08-2015 | 09:41:35

Di tích khảo cổ học Hàng Ông Đại (xã Tân Định, huyện Tân Uyên trước đây) nằm trên sườn đồi thấp, rộng khoảng 2 ha, trong khu đất trang trại ông Đoàn Minh Chiến. Khu vực này lúc đó là rừng nguyên sinh, với chính sách phát triển cây công nghiệp của tỉnh, đất rừng nơi đây từng bước được chuyển đổi chức năng thành các trang trại và nông trường cao su như ngày nay. Trong quá trình tạo dựng trang trại của mình, ông Đoàn Minh Chiến đã phát hiện những di vật đá thời tiền sử và ông đã thông báo cho các đơn vị chức năng và được cán bộ Bảo tàng tỉnh ghi nhận.


Khai quật di tích Hàng Ông Đại năm 2008

Tháng 12-2006, cán bộ Bảo tàng tỉnh và các nhà khảo cổ học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ đã đến điều tra, đào thám sát. Kết quả điều tra, thám sát cho thấy đây là một di tích khảo cổ học lớn, mang tính chất của một công xưởng chế tác công cụ đá thời tiền sử ẩn chứa nhiều thông tin khoa học. Trên cơ sở những khám phá ban đầu, vào tháng 7-2008, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ tiến hành khai quật. Cuộc khai quật này đã đem lại một số nhận định mới và toàn diện hơn so với những gì đã ghi nhận trước đó.

Tính chất công xưởng của di tích

Công xưởng chế tác đá là một loại hình di tích khảo cổ mà nơi đó ngoài các công cụ hoàn thiện phát hiện được còn có các mảnh tước, phác vật hay phế vật công cụ chiếm một tỷ lệ lớn và có thể có sự tồn tại của những dụng cụ chế tác bên cạnh các loại hình di vật nói trên. Căn cứ vào định nghĩa đó, hoàn toàn có thể xếp Hàng Ông Đại vào loại hình công xưởng chế tác đá qua các vết tích xuất lộ trên bình diện các hố khai quật và thám sát nơi đây.

Công xưởng Hàng Ông Đại được phát hiện là một công xưởng chế tác công cụ đá có quy mô lớn. Các di tích dạng này có thể còn nhiều địa điểm khác nằm ven bờ sông Bé trên những ngọn đồi có địa thế thuận lợi.


Mảnh tước di tích Hàng Ông Đại

Hiện vật chế tác tại di tích có nhiều loại hình khác nhau: rìu tứ giác, rìu vai, dao hái, đục… chúng vốn là các loại hình hiện vật phổ biến trong các di tích tiền sử Đông Nam bộ. Điểm đặc biệt của di tích này là sự xuất hiện rất phổ biến của loại hình dao hái vốn được coi là một trong những sản phẩm đặc trưng của di tích Cầu Sắt khai quật năm 1978 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Không gian phân bố của di tích

Ngay sau khi bóc tách lớp đất mặt, các mảnh tước đã xuất hiện rất nhiều, đặc biệt là trong các hố H1 và H3. Ở các hố còn lại (H2 và H4) mảnh tước có mật độ thưa thớt hơn. Phác vật công cụ và các khối đá nguyên liệu cũng được phát hiện trong lớp này, nhưng số lượng không nhiều.

Trong lớp đất văn hóa ở H1, gần như phủ kín bình diện khai quật là các mảnh tước và các vảy tước rất nhỏ. Trong các hố còn lại, mật độ mảnh tước và di vật thu được không cao như tại H1, chủ yếu là các phác vật đã định hình như ở H3 hay các công cụ gần hoàn chỉnh phát hiện được trong H2 và H4. Riêng ở khu vực H2, ngoài công cụ đá còn có nhiều di vật gốm như các mảnh gốm, chân bát bồng, bàn xoa gốm… Sang các lớp sâu hơn, mật độ di vật có xu hướng giảm rõ rệt, chỉ còn xuất hiện một số ít công cụ và đá nguyên liệu, mảnh tước rất thưa thớt.

Sinh thổ gần như xuất lộ cùng một độ sâu ở tất cả các hố khai quật và thám sát, tùy theo độ nghiêng của sườn đồi, đó là lớp laterite màu nâu vàng, kết cấu chắc, cấu tạo nền gò tự nhiên. Hoàn toàn không còn phát hiện di vật khảo cổ từ độ sâu này.

Các hố khai quật và thám sát triển khai trên một bình diện khá rộng nhằm tìm hiểu phạm vi phân bố của di tích. Kết quả cho thấy, công xưởng Hàng Ông Đại có quy mô rộng chừng 5.000m2 nhưng khu vực tập trung nhất chỉ trong khoảng 2.000m2, nằm theo dọc triền đồi hướng về phía bờ sông có chiều dài khoảng 150m. Nhìn vào mức độ phân bố của các di vật trong di tích có thể chia thành 3 vùng.

Vùng sản xuất tập trung chủ yếu trên vùng cao nhất. Có thể xem đây là khu vực chuyên biệt của công xưởng này vì hoàn toàn không tìm thấy bất cứ một vết tích cư trú nào tại đây. Đây là một hiện tượng mới trong các di tích khảo cổ học ở khu vực Đông Nam bộ.

Vùng sản xuất bán tập trung là vùng kề sát với khu vực sản xuất tập trung. Tại khu vực này, mật độ các di vật thưa thớt hơn và độ dày của tầng văn hóa cũng mỏng hơn.

Vùng ngoại vi lan tỏa là vùng chủ nhân của công xưởng chọn làm nơi cư trú tạm thời trong quá trình chế tác công cụ, cũng có thể là nơi sinh hoạt hoặc kết hợp sản xuất nhưng với mật độ rất thấp. Công cụ đá tại khu vực này dù vẫn có xuất lộ nhưng mật độ rất thưa thớt. Đặc biệt, đây là khu vực phát hiện được nhiều hiện vật gốm trong hố khai quật với các loại hình dùng trong sinh hoạt thường nhật như nồi, vò, bát bồng và cả bàn xoa gốm.

Với 3 khu vực trên dù là có phát hiện đồ gốm trong vùng ngoại vi của di tích, nhưng cũng rất bất thường so với các di tích thường thấy trong hệ thống di tích cư trú ở miền Đông Nam bộ mà trong đó mật độ các mảnh gốm dùng trong sinh hoạt hàng ngày có số lượng hàng vạn mảnh trong tầng văn hóa của di tích. Hiện tượng này cho thấy, việc sử dụng khu vực này để cư trú là rất thấp. Khả năng đây là một khu vực mang tính chất chuyên hóa dạng công xưởng mà việc cư trú chỉ tạm thời mang tính giai đoạn hoặc thời vụ.

Từ kết quả khai quật cho thấy, Hàng Ông Đại từ khoảng 3.500 năm trước đã có một cộng đồng cư dân chiếm lĩnh và được sử dụng như một khu sản xuất công cụ đá chuyên biệt. Việc cư trú trên vùng này không cao mà họ chỉ sử dụng như một khu sản xuất công cụ phục vụ cho một nhu cầu rộng lớn của cả miền Đông Nam bộ tiền sử. Chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều công cụ sản xuất của Hàng Ông Đại trong các di tích khảo cổ học đồng đại có mặt trên địa bàn khu vực này. Tư liệu để nhận thức cho ý tưởng này đó là sự xuất hiện khá nhiều mảnh dăm, vảy tước, không có nhiều mảnh tước sơ cấp của giai đoạn ghè định hình sản phẩm và rất nhiều loại hình công cụ đã định hình. Bên cạnh đó, cũng trong khu vực này còn có một đồi thấp có diện tích khoảng 20.000m2 nằm cách Hàng Ông Đại khoảng 1km về phía hạ lưu, trên bề mặt xuất lộ dày đặc các loại mảnh tước sơ cấp, phác vật công cụ còn trong dạng sơ chế và hoàn toàn không có những mảnh tước được loại ra từ quá trình tu chỉnh để định hình công cụ. Đây có thể là nơi khai thác nguyên liệu, ghè sơ chế hiện vật rồi mang đi nơi khác tiếp tục chế tác nên những hiện vật hoàn chỉnh.

Những phát hiện trong quá trình khai quật và kết hợp điều tra khảo cổ học cho thấy, các bước của một quá trình chế tác công cụ của các cư dân tiền sử Đông Nam bộ mà trong đó việc phân đoạn cho một quy trình chế tác công cụ như là sự biểu hiện của quá trình phân công chuyên hóa. Ở Hàng Ông Đại, việc phân công cho từng khu vực sản xuất là một thực tế, sự phân công đó diễn ra ngay trong chính nội bộ cộng đồng cư dân và sự phân cấp cũng được thực hiện tương đối hoàn hảo. Điều đó cũng cho thấy, có một cộng đồng cư dân có dân số tương đối lớn đã sinh sống tại đây, họ cũng nhận thức rất rõ vị trí của dòng sông Bé trong quy trình vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm đến các vùng khác nhau cũng như sự trù phú của khu vực sinh thái mà họ sẽ ổn định cuộc sống để tồn tại và phát triển.

Theo PGS-TS Bùi Chí Hoàng, GĐ Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ: Niên đại của di tích Hàng Ông Đại tương đương với di tích Cù lao Rùa, vào khoảng 3.500 năm đến 3.000 năm cách ngày nay.

BÌNH CÔNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=4441
Quay lên trên