Tư duy đổi mới và vấn đề xây dựng nền văn hóa trong bản Di chúc

Cập nhật: 29-09-2014 | 08:26:20

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là Cương lĩnh xây dựng đất nước sau chiến tranh; trong đó thể hiện rõ tư duy đổi mới và tầm nhìn rộng lớn về xây dựng một nền văn hóa mới.

Tư duy về đổi mới

Di chúc là sự kết tinh tinh thần đổi mới của Hồ Chí Minh mà trước hết là đổi mới tư duy. Di chúc bàn về tương lai của đất nước với “một kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Về kinh tế, Di chúc nói tới việc “khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế”. Về văn hóa, Di chúc đề cập việc “sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập, nửa ngày lao động”. Người suy nghĩ “về một kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để xây dựng lại đất nước đẹp đẽ, đàng hoàng hơn”.

Thực hiện Di chúc của Bác, Bình Dương đã xây dựng được một lực lượng sản xuất xuất hiện đại. Trong ảnh: Công nhân Công ty Esquel Garment Manufacturing Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore 1) trong ca làm việc. Ảnh: Q.CHIẾN

Khi phác thảo một kế hoạch bao quát, tư duy đổi mới sáng suốt trong Di chúc nhằm xây dựng và phát triển đất nước thể hiện rõ: Một là, Người hiểu rõ sứ mệnh của Đảng cầm quyền rất nặng nề, vì từ xóa bỏ sang xây dựng là hai loại quy luật hoàn toàn khác nhau. Người chỉ rõ “thắng đế quốc phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều”. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới; phải tạo lập một lực lượng sản xuất hiện đại và cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xóa bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới. Hai là, Đảng cầm quyền, cán bộ đảng viên có quyền lực nên có thuận lợi cho Đảng lãnh đạo, nhưng từ hai mặt của quyền lực nên cũng là “mảnh đất” làm nảy sinh nhiều thói hư, tật xấu như quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Ba là, từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, không chỉ khó khăn về lực lượng sản xuất, về kinh tế nông nghiệp lạc hậu, mà một điều đáng quan ngại là tư duy tiểu nông gắn với những nếp sống, thói quen, ý nghĩa và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm.

Trong Di chúc, Hồ Chí Minh coi “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi là cuộc chiến đấu khổng lồ”. Sự hư hỏng ở đây không đơn giản chỉ là vật chất mà nguy hại hơn là con người, tư tưởng, tổ chức. Người lường tới những khó khăn, phức tạp cho cách mạng Việt Nam, đòi hỏi Đảng đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, vượt qua khó khăn, chiến đấu với niềm tin nhất định thắng lợi.

Xây dựng nền văn hóa mới

Nói về ý nghĩa của văn hóa, Hồ Chí Minh cho rằng: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”. Loài người cần phải sống, tồn tại phát triển thì cần có văn hóa và sáng tạo ra văn hóa.

Khi Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước, vạch cương lĩnh, hoạch định chiến lược phát triển xã hội, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự tiến bộ và văn minh của loài người, hơn bao giờ hết càng cần có văn hóa: Văn hóa chính trị, văn hóa Đảng, văn hóa quản lý, văn hóa lãnh đạo. Đồng thời, phải làm cho văn hóa ăn sâu bén rễ vào tâm lý quốc dân, từng con người, trong từng hoạt động kinh tế - xã hội, từng lĩnh vực, đặc biệt là thấm sâu vào các quan hệ ứng xử giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với đời sống cộng đồng.

Khi đặt vấn đề xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, chính Hồ Chí Minh đã quan tâm một cách sâu sắc và toàn diện, từ lý tưởng cách mạng, tinh thần độc lập tự cường, mọi tư tưởng và hành động vì hạnh phúc của nhân dân, đến một nền chính trị dân quyền. Nền văn hóa, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mang dấu ấn của tư duy, khát vọng và hoạt động của con người vươn tới ánh sáng, tự do và hạnh phúc.

Phân tích và xem xét Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải bằng một nhãn quan văn hóa sâu sắc và rộng lớn như vậy để thấy được văn hóa “là một quá trình đấu tranh cách mạng của lịch sử loài người ở từng nơi và ở khắp nơi đoàn kết và phấn đấu qua biết bao gian khổ và hy sinh để từng bước, từng phần thoát khỏi thân phận bị tha hóa, phát huy đến mức cao nhất bản chất của con người trong một xã hội mà sự phát triển tự do và toàn diện của mỗi người là điều kiện của sự phát triển tự do và toàn diện của mọi người”.

(Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên