Đây là nội dung mới quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 1-1- 2018. Theo đó, người tham gia giao thông nếu đi bộ sai luật, gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị tù đến 15 năm.
Người dân bất chấp nguy hiểm leo qua dải phân cách đường ĐT743, đoạn qua khu phố Đồng An 3, phường Bình Hòa, TX.Thuận An để qua đường (ảnh chụp sáng ngày 29-12)
Bà Phạm Thị Hà Vân, Phó trưởng phòng Tư pháp TX.Dĩ An, cho biết theo khoản 1 Điều 202, Bộ luật Hình sự năm 1999 (tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ) thì chủ thể của tội phạm phải là “người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, tức phải là người trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Trong khi Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định chủ thể của tội phạm là “người tham gia giao thông đường bộ”, bao gồm cả người đi bộ.
Theo đó, tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” (Điều 260) không còn bó hẹp trong phạm vi những người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ, mà còn mở rộng thành “người tham gia giao thông đường bộ”. Ngoài ra Điều 260 còn quy định rất rõ những trường hợp vi phạm. Trong đó đáng chú ý, người đi bộ sai luật sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù từ 7 đến 15 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Trung tá Thái Minh Lý, Đội trưởng Đội Cảnh giao thông TX.Dĩ An, cho biết: “Một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà nguyên nhân là do người đi ô tô hoặc xe máy phải tránh người đi bộ sai luật là không hiếm. Có thể nói ngoài việc xử phạt hành chính người đi bộ sai luật theo các quy định hiện hành, việc áp dụng luật mới xử lý hình sự đối với những người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng là cần thiết, góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Đồng thời, giúp người dân thay đổi thói quen đi bộ qua đường không đúng luật”.
Tuy nhiên, theo trung tá Lý, việc xử lý phạt hành chính người đi bộ gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân là do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao. Cảnh sát giao thông chủ yếu nhắc nhở là chính. Trường hợp nào cố tình vi phạm, gây tai nạn sẽ bị xử lý nghiêm.
Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay nhiều tuyến phố tình trạng người dân đi bộ dưới lòng đường, sang đường vô tội vạ diễn ra tràn lan gây cản trở giao thông. Chẳng hạn từ KP.Tân Long, phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An sáng 29-12 người dân leo qua dải phân cách cứng đường ĐT743 để qua bên kia đường và ngược lại. Tương tự, tại đường ĐT743, đoạn qua KP.Đồng An 3, phường Bình Hòa, TX.Thuận An có khoảng 20 lượt người từ đường Bình Hòa 39 bất chấp nguy hiểm leo qua dải phân cách để qua đường.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (ngụ KP.Đồng An 3) thừa nhận: “Tôi biết qua đường như thế là nguy hiểm và sai quy định. Nhưng tôi đi như vậy rút ngắn quãng đường hơn thay vì phải đi bộ hơn 500m để tới vạch kẻ đường dành cho người đi bộ. Trước đây, tôi có biết người đi bộ sai luật sẽ bị phạt hành chính nhưng mới nghe bị xử lý hình sự khi gây tai nạn. Nếu vậy, tôi sẽ chú ý hơn để không bị xử phạt”.
Trong khi đó, anh Lê Minh Tâm (ngụ phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An) chia sẻ: “Qua tìm hiểu, tôi mới biết Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định xử phạt hình sự người đi bộ qua đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông. Quy định này sẽ giúp người đi bộ cân nhắc mỗi khi có ý định đi ẩu. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần phải tăng cường công tác lập lại trật tự đô thị, xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để tạo không gian thông thoáng cho người đi bộ”.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Lê Việt Hùng, Trưởng Chi nhánh Văn phòng luật sư Hoàng Minh, cho rằng: Điều 260 BLHS có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 thì ngoài người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, còn có người không điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (người đi bộ, người dắt trâu bò, người kéo xe cộ, người đẩy xe…) mà tham gia giao thông vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiêt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản người khác thì đều phải chịu trách nhiệm hình sự.
Quy định trên đây là cần thiết trong điều kiện xã hội phát triển, cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại và tình hình giao thông ngày càng phức tạp như hiện nay, đồng thời bảo đảm sự công bằng trong việc điều chỉnh pháp luật lên các chủ thể tham gia giao thông. Người tham gia giao thông (gồm cả người đi bộ) phải thực hiện đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ và không thực hiện đúng quy định thì phải chịu chế tài hành chính. Trường hợp vi phạm mà “gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng tới sức khỏe, tài sản của người khác” thì mới chịu trách nhiệm hình sự. Song cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý thức tham gia giao thông, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ đến mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ về quy định của Luật Giao thông đường bộ và mức độ vi phạm như thế nào thì cấu thành tội theo quy định tại Điều 260 BLHS.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng: Mức hình phạt cao nhất của tội danh nêu trên là 15 năm sẽ bảo đảm tính răn đe đối với những trường hợp khi tham gia giao thông nhưng bất chấp luật giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong điều kiện hạ tầng giao thông ở nước ta hiện vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, gây khó khăn cho người đi bộ như vỉa hè bị lấn chiếm, nhiều đoạn đường không có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ qua đường… nên khi áp dụng trong việc xử lý từng vụ án thì ngành chức năng cần linh động trong việc áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.
NGUYỄN HẬU