Cô Phạm Thụy Tâm Hà, giáo viên trường THCS Chu Văn An (TP.TDM) đã có lần kể cho chúng tôi nghe về sự thành công của cô trong việc giáo dục một học sinh cá biệt. Đây có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong nghiệp làm thầy của cô. Năm học đó trong lớp cô chủ nhiệm có một học sinh nữ đến lớp luôn trong tâm trạng nặng nề. Em thường có thái độ không nhã nhặn, hay cáu gắt với bạn bè và chống đối với cả giáo viên chủ nhiệm. Cô quyết tâm đi tìm đâu là nguyên nhân của mọi vấn đề. Qua tìm hiểu, cô được biết em sống trong gia đình không được êm ấm, cha mẹ thường hay cãi vã nhau. Từ đó cô gần gũi, chia sẻ với em nhiều hơn, cô đã đem nụ cười đến với em. Nhưng rồi sau đó em nghỉ học mấy ngày liên tiếp. Cô lại tất tả đi tìm. Đến nhà thì được biết em đã bỏ nhà đi. Cô lùng sục khắp nơi, cuối cùng cũng tìm được nơi em ở. Cô bàng hoàng khi thấy em thật tội nghiệp, gương mặt hốc hác, áo quần xộc xệch. Cô trò lại cùng nhau tâm sự. Cô đưa em về nhà mình ăn cơm và liên hệ gia đình đưa em về nhà. Cảm động trước tình cảm của cô, em đã gọi cô bằng má và hứa không để tái diễn những hành động không hay. Từ đó em hoạt động năng nổ hơn, học tập tiến bộ hơn. Cô rất vui khi mấy năm sau đó học sinh này đã tốt nghiệp THCS và tiếp tục vào học THPT.
Từ câu chuyện này, tôi đúc kết ra rằng, người giáo viên cần làm tròn hai vai: vừa là người thầy vừa là người mẹ hiền thứ hai của học sinh. Cô Tâm Hà đã dành sự quan tâm đặc biệt với em học sinh này. Con người nên đến với nhau bằng trái tim. Chính tình thương yêu học trò như con mà cô đã thành công khi đưa em trở lại tuổi hồn nhiên ngây thơ để tiếp bước trên con đường học tập.
A.SÁNG