Tỷ giá ngoại tệ năm 2018: Tiếp tục xu hướng ổn định

Cập nhật: 04-04-2018 | 07:53:03

Từ giữa tháng 3 đến nay, tỷ giá ngoại tệ liên tục được điều chỉnh tăng mạnh. Tuy vậy, theo dự báo của các chuyên gia, trong năm 2018 tỷ giá ngoại tệ sẽ diễn biến theo chiều hướng ổn định.

 Tỷ giá hạ nhiệt

Những ngày đầu tuần tháng 4, tại thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ tiếp tục giảm 12 đồng, xuống mức 22.442 đồng/USD so với trước đó; các ngân hàng thương mại (NHTM) đồng loạt giảm thêm khoảng 10 - 15 đồng/USD. Cụ thể, ngày 3-4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCB) điều chỉnh tỷ giá, niêm yết ở mức 22.755 - 22.825 đồng/USD, ở chiều mua vào - bán ra; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) niêm yết tỷ giá ở mức 22.760 - 22.830 đồng/ USD; tương tự các ngân hàng như Eximbank, DongAbank, Sacombank… cũng giữ nguyên hoặc giảm nhẹ giá mua - bán USD của mình, lần lượt ở quanh mức 22.763 - 22.835 đồng/USD.

 Các chuyên gia cho rằng, năm 2018, tỷ giá VND/USD nhìn chung sẽ tiếp tục ổn định. Trong ảnh: Kiểm đếm ngoại tệ tại Vietcombank - Chi nhánh Bình Dương. Ảnh: THANH HỒNG

Về phía nhà quản lý, trước đó, ngày 28-3, các NHTM tiếp tục tăng giá mua - bán đồng đô la Mỹ thêm 3 đến 30 đồng, niêm yết quanh mức 22.780 đồng - 22.850 đồng/USD. Ngày 29-3, NHNN tiếp tục tăng tỷ giá trung tâm thêm 10 đồng, lên 22.463 đồng/USD. Song, lúc này, tỷ giá niêm yết của các NHTM chỉ được điều chỉnh nhẹ, thị trường khá ổn định.

Ngày 30-3, Sở Giao dịch NHNN Việt Nam đã điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm thêm 5 đồng, xuống 22.458 đồng/USD. Các NHTM cũng từ đó giảm giá USD, từ 5 đến 16 đồng ở chiều mua vào - bán ra. Tỷ giá niêm yết phổ biến của các NHTM xoay quanh mức 22.760 - 22.835 đồng/USD. Như vậy, từ đầu năm đến nay, tuy thị trường tỷ giá đã nhiều phen tăng, giảm mạnh theo diễn biến chung của tình hình trong và ngoài nước, song nhìn chung kết thúc quý I-2018, tỷ giá theo xu hướng hạ nhiệt.

Duy trì xu hướng ổn định

Về nguyên nhân tỷ giá VND/ USD trên thị trường sau khi đột ngột tăng lên trên mức 22.800 đồng/USD vào ngày 28-3, gần bằng mức đỉnh đạt được so với một năm về trước và là mức cao nhất trong lịch sử, nhưng sau đó đã lấy lại được mức cân bằng như hiện tại, nhiều chuyên gia trong ngành ngân hàng lý giải, tỷ giá trong nước đã bị ảnh hưởng bởi cả yếu tố khách quan cũng như những vấn đề nội tại của nền kinh tế. Trong đó, các yếu tố bên ngoài là việc Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, bất chấp thị trường chứng khoán đã phản ứng giảm điểm. Nếu lãi suất USD tăng giá, giá trị USD tăng sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Cùng lúc đó, việc bất ổn chính trị ở một số quốc gia, đối đầu thương mại có thể tạo ra khủng hoảng, từ đó đẩy giá trị đồng USD lên cao. Theo phân tích của các chuyên gia, biến động tăng giá USD trong tuần trước còn do tác động bởi các dòng chảy liên quan đến các hoạt động cân bằng trạng thái của các nhà đầu tư, bởi nhà đầu tư tăng cường mua vào đồng USD để chuẩn bị cho năm tài chính mới theo quy luật thường niên...

Trong quý I-2018, nguồn vốn huy động tại chỗ trên địa bàn tỉnh tăng trưởng ổn định, góp phần bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tại địa phương ; trong đó huy động ngoại tệ có xu hướng tăng mạnh, ước đạt 13.519 tỷ đồng (quy đổi), tăng 13,04% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, nguồn vốn này chiếm tỷ lệ thấp trong tổng nguồn vốn huy động (7,94%). Như vậy, xu hướng dòng vốn huy động tập trung chủ yếu ở VND do chênh lệch lãi suất tiền gửi của hai đồng tiền VND và USD vẫn duy trì ở mức cao.

Tuy có những tác động bất lợi từ bên ngoài, song yếu tố nội tại trong nước lại có những hỗ trợ khác. Trong quý I-2018, tỷ giá USD/VND gắn với nguồn cung ngoại tệ lớn và NHNN Việt Nam liên tục mua vào để tăng dự trữ ngoại tệ. Ở góc độ cân đối vĩ mô, số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước tính chung trong quý I-2018 xuất siêu 1,3 tỷ USD, tiếp tục là yếu tố thuận lợi cho ổn định tỷ giá. Ngoài yếu tố trên, còn có một cơ sở khác tác động không nhỏ đến diễn biến tỷ giá trong nước đó là tâm lý kỳ vọng. Trước đây, dù chỉ có một biến động nhỏ, thị trường đều có tâm lý kỳ vọng là tỷ giá sẽ tăng. Tâm lý này như vết dầu loang, tạo môi trường cho những người đầu cơ kiếm lợi đẩy tỷ giá tăng, càng khiến thị trường biến động mạnh. Nhưng nay, mọi chuyện đã khác.

Theo ông Võ Đình Phong, Quyền Giám đốc NHNN - Chi nhánh Bình Dương, trong quý I-2018, tỷ giá trên địa bàn tỉnh Bình Dương diễn biến linh hoạt theo 2 chiều tăng/giảm. Các ngân hàng cũng chủ động điều chỉnh tỷ giá, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với cung cầu ngoại tệ, bảo đảm thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thông suốt, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân…

Ông Phong cho biết, NHNN vẫn duy trì thông điệp bình ổn thị trường, qua việc áp giá USD bán ra luôn thấp hơn trần biên độ một bước để thị trường tham khảo. Động thái này cho thấy, NHNN luôn rất linh hoạt trong điều chỉnh tỷ giá. Bên cạnh đó, dù điều hành thị trường ngoại hối trong điều kiện có nhiều sức ép song NHNN vẫn kiên định giữ trần lãi suất huy động ngoại tệ 0%. Tất cả các chính sách tiền tệ nói chung, kỹ thuật điều chỉnh tỷ giá nói riêng đều được NHNN vận hành bài bản, kết hợp đồng bộ và chủ động với diễn biến cung cầu thị trường, từ đó đã có tác động lớn đến tâm lý kỳ vọng của thị trường và đang giữ được sự ổn định chung cho thị trường, hỗ trợ xuất khẩu, giữ được niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

“Dự báo, năm 2018, tỷ giá đồng/USD nhìn chung sẽ tiếp tục ổn định. Đến cuối năm 2018, tỷ giá đồng/USD sẽ kết thúc ở mức 22.900 đồng/USD”, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn Ngân hàng HSBC Việt Nam nói.

 THANH HỒNG 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=374
Quay lên trên