Việc điều chỉnh tỷ giá VND và USD thêm 1% đồng thời nới biên độ tỷ giá từ +/- 2% lên +/- 3% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua được đánh giá là kịp thời và cần thiết. Tuy vậy, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất nhập khẩu vẫn mong chính sách tài khóa ổn định.
Áp lực về tỷ giá, cạnh tranh xuất - nhập khẩu, nguy cơ lạm phát… đang là những lo lắng của các DN. Trong ảnh: Sản xuất ván ép xuất khẩu tại Công ty TNHH Van Tue (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, TX.Tân Uyên) Ảnh: T.HỒNG
Là DN chuyên gia công, sản xuất giày dép nam nữ thời trang xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật nên việc điều chỉnh tỷ giá VND và USD thêm 1% của NHNN được bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (khu phố Bình Đường, phường An Bình, TX.Dĩ An) nhìn nhận là thông tin tốt, giúp mở ra cơ hội cho các ngành xuất khẩu phát triển mạnh hơn. Theo bà Liên, việc điều chỉnh tỷ giá có thể giúp DN bù một phần cho việc tăng giá của các mặt hàng và tăng lương bởi khi xuất khẩu thanh toán bằng USD, tỷ giá USD tăng DN sẽ thu tiền về nhiều hơn. Ngoài ra, hiện đa số nguyên phụ liệu sản xuất được nhập khẩu từ Trung Quốc, khi đó đồng nhân dân tệ vẫn rẻ hơn so với các đồng tiền khác thì DN sẽ có lợi.
Cùng quan điểm trên, ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty Gỗ Hiệp Long cho rằng, động thái điều chỉnh tỷ giá của NHNN là có lợi cho xuất khẩu gỗ. Chẳng hạn như một lô hàng xuất khẩu trị giá 100.000 USD, trước khi chưa điều chỉnh tỷ giá DN thu tiền bán hàng 2,1 tỷ đồng; nay với việc tăng tỷ giá, DN có số thu tăng lên 2,2 tỷ đồng. Đây là tin tốt đối với DN xuất khẩu gỗ Việt Nam.
Tuy vậy, theo các DN, thường vấn đề gì đưa ra cũng có tính 2 mặt của nó. Việc điều chỉnh tăng tỷ giá có lợi cho hoạt động xuất khẩu, kích thích nền sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ vì mỗi USD bán hàng xuất khẩu khi quy đổi sang VND sẽ thu được tiền nhiều hơn, nhưng đối với hoạt động nhập khẩu lại có những bất lợi nhất định. Bà Liên cho biết, việc neo tỷ giá VND trong thời gian qua gây khó khăn cho DN xuất khẩu. Nhưng hiện tại, vấn đề đối với các DN sản xuất xuất khẩu theo hình thức FOB (miễn trách nhiệm nơi boong tàu nơi đi) khi xuất hàng sang thị trường Trung Quốc lại phải đương đầu với nhiều khó khăn. DN sẽ phải cạnh tranh về giá rất gay gắt do hàng hóa của nước ta xuất khẩu qua thị trường này có giá cao hơn, trong khi đó đồng nhân dân tệ lại phá giá rất mạnh. Do vậy, làm thế nào để hàng Việt Nam có thể cạnh tranh được với các nước khác là điều phải cần tính toán kỹ càng.
Còn theo bà Đỗ Thị Kim Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, việc điều chỉnh tăng tỷ giá và nới biên độ tỷ giá lên +/- 3% tuy Việt Nam sẽ có lợi thế tương đối về giá nhưng trạng thái ổn định sẽ không dài lâu, bởi việc điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá lên 3% sẽ có những tác động nhất định tới hàng hóa xuất - nhập khẩu, chi phí đầu vào của DN, lạm phát... Về dài hạn, nhằm hạn chế thấp nhất những bất lợi từ tác động của yếu tố tỷ giá và việc phá giá đồng nhân dân tệ, bà Loan cho rằng, DN vẫn phải đầu tư vào chất lượng, tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh đến mức thấp nhất, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh và vị thế của hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, các giải pháp điều hành vĩ mô, chính sách về tiền tệ, nhất là tỷ giá ngoại tệ cũng cần được Chính phủ, NHNN điều hành cân bằng, ổn định, tránh tình trạng biến động tỷ giá, găm giữ USD.
THANH HỒNG